Ức chế vì ‘sao cũng được, đi đâu cũng được’

“Sao cũng được”, “đi đâu cũng được”

Một khảo sát nhỏ của người viết với câu hỏi: “Đã có bao giờ nghe người khác trả lời: sao cũng được, đi đâu cũng được?”, cả 10/10 người được phỏng vấn đều gật đầu trả lời là: Có.

Thậm chí có người cho biết “nghe thường xuyên”, “nghe hoài”, “nghe riết mà cảm thấy chán nản”.

Lê Nữ Thảo Nguyên (32 tuổi), quê ở Nghệ An, nhân viên Công ty TNHH Phát Tiến, Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết: “Phát chán vì câu nói sao cũng được”. Hỏi lý do, Nguyên kể: “Không chán làm sao được khi hỏi chồng: Cuối tuần tới gia đình mình đi chơi ở đâu?”. Chồng nói: “Đi đâu cũng được”. Hỏi chồng: Đi xe máy hay thuê xe hơi? Chồng trả lời: “Sao cũng được”. Thà nói một địa điểm, một phương tiện. Đằng này “sao cũng được”, nghe thật sự bực bội”.

Ức chế vì 'sao cũng được', 'đi đâu cũng được' - Ảnh 1.

Nhiều người ức chế khi người khác trả lời: “Sao cũng được”

SHUTTERSTOCK

Rơi vào tình cảnh tương tự, Hoàng Thị Thu Dung (27 tuổi), nhân viên Công ty Pouyuen Vietnam, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết hay hỏi nhóm bạn thân vào mỗi dịp được nghỉ làm về nơi tụ tập, hẹn hò, ăn uống. “Dù cho câu hỏi là: Đi đâu, ăn món gì… thì cũng chỉ nhận lại câu: “Sao cũng được”. Có những người hỏi gì cũng trả lời: “Sao cũng được”.

Trong danh bạ của Đặng Bảo Yến (32 tuổi, nhân viên Công ty TNHH kỹ thuật Tiêu Điểm, KCN Tân Bình, TP.HCM), Yến lưu một danh sách bạn với những cái tên “độc lạ”. Có thể kể như: Phú sao cũng được, Bình sao cũng được, Quang đi đâu cũng được, Nghĩa sao cũng được…

“Vì những người này hễ hỏi đi đâu, muốn ăn gì, muốn chơi trò chơi gì, thích điều gì thì cũng hay có thói quen trả lời… sao cũng được. Không thể hiểu nổi, tại sao họ hay trả lời một cách chung chung là sao cũng được. Đưa một câu trả lời, một đáp án cụ thể đâu hề khó. Vậy mà lúc nào cũng vậy, cũng trả lời thản nhiên: Sao cũng được, sao cũng được”, Yến kể trong ngán ngẩm.

Ức chế vì 'sao cũng được', 'đi đâu cũng được' - Ảnh 2.

Người trẻ cần có chính kiến khi được người khác hỏi

XUÂN PHƯƠNG

Cần có chính kiến

Có nhiều trường hợp dù trả lời “sao cũng được”, “đi đâu cũng được”, nhưng khi người khác chọn một địa điểm để vui chơi, gọi một món ăn… thì lại “quạu” với lý do “sao cũng được nhưng… cái này không được”, “sao cũng được nhưng món này không ăn được”, “đi đâu cũng được nhưng không thích đi chỗ này”…

Lê Thị Bảo Yến (35 tuổi), quản lý ở chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf, Q.1, TP.HCM, cho biết trong quá trình làm việc đã không ít lần “chỉnh” nhân viên bởi thói quen “sao cũng được”. “Hỏi cái gì, nhân viên cũng trả lời rằng sao cũng được. Nghe rất ức chế. Mình hay bảo họ phải có chính kiến, phải đưa ra một câu trả lời cụ thể chứ không phải cái gì cũng trả lời sao cũng được”, Yến kể.

Theo Yến, có trường hợp đi phỏng vấn, Yến nói hãy đề xuất mức lương. Ứng viên cho biết: “Dạ, em sao cũng được”. Khi họp công việc, Yến yêu cầu mọi người hiến kế việc thay đổi không gian quán, nhiều nhân viên cũng “cười trừ” bằng câu: “Theo ý em là… sao cũng được”.

Đặng Nghĩa Anh (34 tuổi), ngụ tại 27 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM, cho rằng: “Cảm thấy khó chịu khi nghe bất kỳ ai nói “sao cũng được”, “đi đâu cũng được”, “ăn gì cũng được”. Mỗi người cần có quan điểm riêng, chính kiến riêng. Việc luôn miệng nói “sao cũng được” thể hiện người không có chính kiến, hay nói cách khác là một người khá dễ dãi trong mọi vấn đề”.

Ức chế vì 'sao cũng được', 'đi đâu cũng được' - Ảnh 3.

Nhiều người cảm thấy đau đầu khi hỏi người khác nhưng được trả lời “sao cũng được”, “ăn gì cũng được”, “đi đâu cũng được”

SHUTTERSTOCK

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, nhiều người mắc “bệnh” hay “sao cũng được”. Sở dĩ có “bệnh” này là vì một bộ phận người trẻ hiện nay lười suy nghĩ. Khi được hỏi bất kỳ điều gì, họ trả lời vội vàng mà không cần suy nghĩ: “sao cũng được”. “Một, hai lần “sao cũng được”, dần dần trở thành thói quen khó bỏ”, ông Thịnh nói.

Một nguyên nhân khác hình thành thói quen “sao cũng được”, “ăn gì cũng được”, theo ông Thịnh, đó là vì không ít người hỏi thường có lối áp đặt người khác, thiếu tôn trọng người khác.

“Chẳng hạn như một số ông bố bà mẹ hay áp đặt con cái phải làm theo cái này, phải học thêm bộ môn kia… Để rồi con cái cảm thấy sợ nếu đưa ra chính kiến, các em không dám nói lên mong muốn của bản thân. Nên khi nghe bố mẹ hỏi muốn đi chơi đâu, muốn đi du lịch nơi nào, chỉ dám nói “dạ con sao cũng được”, “dạ con đi đâu cũng được”. Ngoài ra, cũng có thể vì một số người vô cảm với mọi điều xung quanh mình, nên gặp vấn đề gì thì “sao cũng được”, ông Thịnh phân tích thêm.

Theo ông Thịnh, bên cạnh việc mọi người nên sống tôn trọng nhau, để người khác có thể “dám” nói ra chính kiến của mình, thì mỗi người trẻ hãy là những người có chính kiến, đừng sống kiểu lãnh đạm, hời hợt. Khi được hỏi, hãy trả lời một phương án cụ thể theo đúng sở thích, đúng mong muốn của bản thân.

“Có như vậy thì hiện tượng hỏi gì cũng trả lời “sao cũng được”, “đi đâu cũng được” sẽ không còn nữa. Người khi được hỏi, có câu trả lời vào thẳng vấn đề, không trả lời chung chung, không phải “sao cũng được” sẽ nhận được sự tôn trọng hơn của người khác”, ông Thịnh nói.