Tỷ giá hối đoái là gì? Yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái | ZaloPay
Tỷ giá hối đoái là gì
Tỷ giá hối đoái (Exchange rate) hay tỷ giá trao đổi ngoại tệ là tỷ giá của một đồng tiền quốc gia này được quy đổi cho một đồng tiền của quốc gia khác. Hiểu một cách đơn giản, tỷ giá hối đoái của Việt Nam là tỷ lệ số lượng VNĐ so với 1 đơn vị tiền tệ của quốc gia khác.
Theo Luật Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (1997): Tỷ giá hối đoái được định nghĩa là tỷ lệ giá trị đồng Việt Nam và đồng tiền nước ngoài. Tỷ giá này hình thành từ cơ sở cung cầu ngoại tệ, dưới sự điều tiết của Nhà Nước và được xác định bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ví dụ: Tỷ giá hối đoái của USD vào ngày 19/12/2022 là 23.645 VNĐ. Điều đó có nghĩa 1 USD có thể đổi được 23.645 VNĐ.
Phân loại tỷ giá hối đoái
Bên cạnh câu hỏi Tỷ giá hối đoái là gì, cách để phân biệt các loại tỷ giá hối đoái cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Dựa vào những đặc điểm riêng biệt, người ta chia thành các loại tỷ giá khác nhau như sau:
-
Căn cứ theo đối tượng xác định tỷ giá hối đoái
Theo cách phân loại dựa trên cơ sở này sẽ được chia làm 2 loại. Đó là:
Tỷ giá hối đoái chính thức: được Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố. Theo đó các ngân hàng thương mại, các đơn vị và tổ chức tín dụng sẽ dựa vào tỷ giá này để tính toán được tỷ giá bán ra, mua vào hoặc là hoán đổi của một cặp tiền tệ.
Tỷ giá hối đoái thị trường: được xác định dựa theo quy luật về mối quan hệ cung – cầu trên thị trường ngoại hối.
-
Căn cứ theo giá trị của tỷ giá
Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: tỷ giá hiện tại của một loại tiền tệ nhưng không tính đến yếu tố lạm phát.
Tỷ giá hối đoái hoán thực: tỷ giá hiện tại của một loại tiền tệ và đã tính đến yếu tố lạm phát.
-
Căn cứ theo cách chuyển ngoại hối
Tỷ giá điện hối: tỷ giá chuyển đổi ngoại hối bằng điện. Đây là loại tỷ giá thường được niêm yết tại những ngân hàng và là cơ sở để xác định được các loại tỷ giá khác.
Tỷ giá thư hối: tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư và loại tỷ giá này sẽ có giá trị thấp tỷ giá điện hối.
-
Căn cứ theo thời điểm tiến hành giao dịch ngoại hối
Tỷ giá mua: là loại tỷ giá mà ngân hàng đồng ý mua ngoại hối.
Tỷ giá bán: là loại tỷ giá ngân hàng chấp nhận bán ngoại hối ra.
Một lưu ý là tỷ giá mua bao giờ cũng sẽ thấp hơn tỷ giá bán. Khoản chênh lệch giữa hai tỷ giá này giúp đảm bảo lợi nhuận mà ngân hàng kiếm được thông qua dịch vụ mua bán của mình.
-
Căn cứ theo kỳ hạn thanh toán
Tỷ giá giao ngay: Đây là loại tỷ giá do cơ quan, đơn vị tín dụng niêm yết ngay tại thời điểm giao dịch hoặc do 2 bên đưa ra thỏa thuận. Quá trình thanh toán buộc phải thực hiện ngay trong vòng 2 ngày kể từ ngày cam kết được đưa ra.
Tỷ giá kỳ hạn: Là loại tỷ giá do cơ quan tín dụng tự tính hay là thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, tỷ giá kỳ hạn phải được nằm trong biên độ quy định về tỷ giá hối đoái kỳ hạn mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Các chế độ tỷ giá hối đoái
Tỷ giá thả nổi
Tỷ giá thả nổi phụ thuộc hoàn toàn vào quy luật cung – cầu và Nhà nước sẽ không can thiệp vào sự thay đổi của tỷ giá theo bất kỳ hình thức nào.
Ví dụ: Mỹ quyết định mua 20.000 tấn cá của ngư dân Việt Nam. Vì vậy cần phải đổi một số lượng lớn USD sang VNĐ để trả tiền cho ngư dân Việt Nam. Điều này làm tăng nhu cầu VND trên thị trường, thúc đẩy VNĐ tăng giá và mạnh hơn. Trong trường hợp này, Nhà nước Việt Nam không có bất kỳ động thái nào can thiệp vào sự thay đổi của tỷ giá mà hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung – cầu.
Tỷ giá cố định
Ở chế độ tỷ giá cố định, giá trị của 1 đồng tiền sẽ được gắn cố định với giá trị của 1 đồng tiền khác. Và điều này thường phải cần đến sự can thiệp của Nhà nước.
Ví dụ: Khi VNĐ mạnh hơn, góp phần làm USD bị mất giá. Giả sử lúc này 1 USD = 20.000 VNĐ thay vì 23.000 VNĐ như trước. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam muốn tỷ giá này cố định ở mức 1 USD = 23.000 VNĐ. Vì vậy chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các hành động để cân bằng lại tỷ giá giữa VNĐ và USD.
Tỷ giá thả nổi có điều tiết
Tỷ giá thả nổi có điều tiết là chế độ tỷ giá đặc biệt, được kết hợp giữa 2 chế độ trước. Tức là vừa phụ thuộc vào quy luật cung – cầu nhưng vừa có sự can thiệp của Nhà nước. Sự can thiệp này nhằm ngăn chặn các biến động quá lớn của tỷ giá trên thị trường.
Công thức tính tỷ giá hối đoái
-
Công thức tính tỷ giá giữa 02 đồng tiền định giá
Yết giá/định giá = (Yết giá/USD)/(Định giá/USD)
-
Công thức tính tỷ giá giữa 02 đồng tiền yết giá
Yết giá/định giá = (USD/định giá)/ (USD/yết giá)
-
Công thức tính tỷ giá giữa đồng tiền định giá và yết giá
Yết giá/định giá = (Yết giá/USD)/(USD/định giá)
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và tất cả đều liên quan đến mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia:
-
Mức chênh lệch lạm phát
Khi một đất nước duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp thì giá trị của đồng tiền nước này sẽ tăng lên, vì sức mua trong nước tăng lên tương đối so với các loại đồng tiền khác. Ngược lại, đồng tiền của các nước có lạm phát cao hơn thường mất giá so với với đồng tiền của các đối tác thương mại. Điều này cũng thường đi kèm với lãi suất cao hơn.
-
Mức chênh lệch lãi suất
Khi lãi suất trong nước thấp hơn nước ngoài thì tỷ giá hối đoái sẽ tăng và đồng nội tệ giảm. Ngược lại, khi lãi suất trong nước cao hơn nước ngoài thì tỷ giá hối đoái sẽ giảm và đồng nội tệ tăng.
-
Tình hình tăng trưởng kinh tế
Khi tốc độ tăng giá của các sản phẩm xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng giá của các sản phẩm nhập khẩu sẽ dẫn đến tỷ lệ trao đổi thương mại tăng. Điều này khiến đồng nội tệ tăng, tỷ giá giảm. Và ngược lại.
-
Cán cân thanh toán
Khi cán cân thanh toán quốc tế cao thì đồng nội tệ giảm và đồng ngoại tệ tăng, dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng. Ngược lại, khi cán cân thanh toán quốc tế giảm thì đồng ngoại tệ giảm và đồng nội tệ tăng, dẫn đến tỷ giá hối đoái giảm.
-
Một số yếu tố khác
Một vài yếu tố khác có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái như: nợ công, thu nhập, chính trị, thâm hụt tài khoản vãng lai…
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế
Sau đây là một số vai trò quan trọng của tỷ giá hối đoái với nền kinh tế:
-
Công cụ để so sánh sức mua của các đồng tiền
Tỷ giá đối hoái là công cụ hữu hiệu để tính toán và so sánh giá trị nội tệ với ngoại tệ, giá hàng hóa trong nước với quốc tế, năng suất lao động trong nước với lao động quốc tế,… Từ đó giúp tính toán hiệu quả của các giao dịch ngoại thương, các hoạt động liên doanh với nước ngoài, hoạt động vay vốn nước ngoài và hiệu quả của các chính sách kinh tế đối ngoại.
-
Ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu
Khi đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) thì giá cả hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ cao hơn. Điều này giúp cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế.
-
Ảnh hưởng đến tình hình lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế
Trong trường hợp sức mua nội tệ giảm (tỷ giá tăng) thì giá hàng nhập khẩu đắt hơn, dẫn đến khả năng xảy ra lạm phát. Ngược lại, khi tỷ giá hối đoái giảm (giá đồng nội tệ tăng) thì hàng nhập khẩu nước ngoài trở nên rẻ hơn. Nhờ vậy lạm phát được kiềm chế nhưng sản xuất bị thu hẹp và tăng trưởng thấp.
Hy vọng bài viết trên đây của ZaloPay sẽ giúp cho bạn hiểu được rõ hơn về tỷ giá hối đoái là gì. Từ đó có cách nhìn tổng quan về thị trường tiền tệ và có hướng đầu tư đúng đắn cho dự định của mình.