Tuyên truyền quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan
Trên cơ sở các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 có nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị nghiên cứu những quy định mới về thẩm quyền để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nghiệp vụ cho cá chức danh có thẩm quyền xử phạt và các CBCC thi hành pháp luật về xử phạt hành chính.
Theo đó, các đơn vị cần chú trọng vào nội dụng liên quan đến lĩnh vực hải quan được quy định tại các Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Lạng Sơn. Ảnh: H.Nụ
Tuyên truyền, phổ biến các nội dung tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tích cực tuyên truyền nội dung Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử.
Đồng thời phổ biến các nội dung liên quan tại Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về Danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện hành vi vi phạm.
Nội dung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các đơn vị chú trọng đến các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực như: du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo; quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tiền tệ ngân hàng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đất đai, tài nguyên và khoáng sản; lâm nghiệp và kiểm dịch thực vật, thú y, chăn nuôi; báo chí, hoạt động xuất bản…