Tuyển sinh đại học: Từ 2023 không còn điểm xét tuyển trên 30
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: T.HUỲNH
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học – Bộ Bộ Giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) khẳng định quy chế và công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định. Quy chế tuyển sinh điều chỉnh một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường…
Giảm mức cộng ưu tiên với thí sinh đạt từ 22,5 điểm
Đáng chú ý, quy chế chưa bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực với thí sinh tự do như dự thảo quy chế được công bố trước đây.
Về việc này, Bộ GD-ĐT cho biết tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo quy chế, để đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh trên mặt bằng chung, quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỉ lệ thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.
Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Để khắc phục bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), quy chế đã quy định: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Ví dụ nếu lấy mốc 24 điểm, thì những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên.
“Như vậy sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn”, đại diện Bộ GD-ĐT nhận định.
Nên để các trường tự chủ trong cộng điểm ưu tiên
Ông Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết cách đưa ra công thức nêu trong quy chế để việc cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh điểm cao sẽ thấp hơn các thí sinh điểm thấp.
Có thể hiểu là mức độ ảnh hưởng vùng miền đối với các học sinh có học lực không xuất sắc sẽ nhiều hơn đối với nhóm các học sinh học giỏi. Nên các nhóm này cần được ưu tiên nhiều hơn. Và như vậy, các trường đặt nặng năng lực học tập trong tuyển sinh vẫn tuyển được đúng người theo nhu cầu.
“Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy cách làm này không hoàn hảo. Cho dù cộng điểm kiểu gì thì cũng không thực sự tạo ra công bằng.
Một cách đã từng được một số chuyên gia đề xuất là giao việc ưu tiên về cho các trường tự chủ, tùy theo vùng miền, sứ mệnh, đối tượng mà trường nhắm đến trong tuyển sinh để có các ưu tiên riêng, trong đó có thể có việc phân chia chỉ tiêu (hoặc các cận trên/cận dưới chỉ tiêu) cho nhóm thí sinh cần hỗ trợ trong tuyển sinh” – ông Thắng đề nghị.
Ông Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – thì cho rằng: “Nếu vẫn giữ việc cộng điểm ưu tiên thì nên không phân biệt điểm số. Tại sao lại 22,5 mà không phải là thấp hơn? Dựa vào thống kê các năm trước thì có đúng cho năm nay hay không?
Theo tôi, cần bỏ điểm ưu tiên vì các vùng miền bây giờ đã khá hơn xưa rồi, nếu còn vùng khó khăn thì các bạn có thể chọn trường vừa sức thì có thể trúng tuyển và học tập”.
Khó tuyển đủ chỉ tiêu
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), với những điều chỉnh quy chế tuyển sinh năm nay khó khăn lớn nhất cho các trường đại học là sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.
“Nếu phần mềm xét chung của bộ cứ máy móc gọi theo số chỉ tiêu thì chắc chắn các trường sẽ không thể tuyển đủ. Khi cho tất cả “các loại trứng vào chung một rổ” sẽ gây rắc rối cho hệ thống và nguy cơ phần mềm xét tuyển sẽ không giải được bài toán đa biến phức tạp vì mỗi trường, mỗi ngành đều có những phương thức xét tuyển khác nhau.
Đồng thời việc này cũng làm thí sinh lúng túng. Chỉ cần làm một động tác đơn giản như mọi năm là các trường quét mã vạch giấy chứng nhận kết quả thi THPT lên hệ thống là xong. Đằng này bắt các em đưa lên hệ thống chung rồi còn phải đăng ký lại nguyện vọng. Quy định như vậy là một bước lùi” – ông Dũng nhận định.
Quy chế nên giữ ổn định
Những năm trước bộ ban hành quy chế vào khoảng tháng 3 đã khiến các trường cập rập trong tuyển sinh, nhưng năm nay còn chậm trễ hơn. Trong khi đối với các trường công tác tuyển sinh được khởi động ngay từ tháng 10 của năm trước như xây dựng đề án, tư vấn tuyển sinh…
Đề nghị bộ nên giữ ổn định quy chế qua các năm và phải công bố sớm lộ trình nếu điều chỉnh để các trường và thí sinh chủ động.
Ông Nguyễn Anh Vũ (trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực đến hết ngày 25-4