Tuyển giáo viên ở TP.HCM: Khi nhà trường được chủ động

Tuyển giáo viên ở TP.HCM: Khi nhà trường được chủ động - Ảnh 1.

Ứng viên thi tuyển vào vị trí giáo viên môn toán Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM đang thực hành một tiết dạy trước ban giám khảo – Ảnh: H.HG.

Đó là tâm sự của bà Nguyễn Hoàng Phượng Quyên – hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. 

Theo bà Quyên, trước đây Sở GD-ĐT TP.HCM trực tiếp tuyển giáo viên. Sau khi tuyển xong, sở phân bổ giáo viên về từng trường nhưng nhiều người bỏ nhiệm sở vì ngôi trường họ được đưa về không như ý muốn. Năm nay, sở cho các ứng viên đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường mà mình mong ước ngay từ ban đầu, khiến giáo viên cũng mừng mà nhà trường cũng yên tâm.

Hiệu trưởng trực tiếp phỏng vấn

Không những thế, năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM còn để cho ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn của các trường trực tiếp làm giám khảo vòng thi thực hành nhằm kiểm tra năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy của ứng viên (các ứng viên sẽ thực hiện một bài dạy theo yêu cầu và trả lời phỏng vấn của ban giám khảo).

Sáng 19-8, chúng tôi có mặt tại phòng thi tuyển giáo viên môn toán vào Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1 (phòng thi đặt tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Ban giám khảo bao gồm bà Bùi Minh Tâm – hiệu trưởng và ông Nguyễn Minh Châu, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Lương Thế Vinh. Các ứng viên lần lượt bốc thăm để biết đề bài mà mình sẽ dạy thực hành, chuẩn bị giáo án rồi lên dạy thử.

Sau khi trực tiếp chứng kiến khả năng giảng dạy của ứng viên, ban giám khảo đã đưa ra hàng loạt câu hỏi: “Tại sao em lại chọn Trường Lương Thế Vinh?”, “Em có sở thích về hoạt động ngoại khóa của học sinh không?”, “Nhà em ở đâu?”, “Đoạn đường từ nhà em đến trường mất bao lâu?”, “Theo em, tiêu chí cần thiết của giáo viên trong thời kỳ hiện nay là gì?”, “Em cho biết là đã đi dạy. Vậy đợt học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020, em có dạy online không?”…

Bà Bùi Minh Tâm phân tích: “Ưu điểm của đợt đổi mới công tác tuyển giáo viên lần này là các trường được chủ động trong việc tuyển giáo viên. Chúng tôi được trực tiếp xem hồ sơ của ứng viên, trực tiếp đặt câu hỏi để tìm ra giáo viên có cùng chí hướng, thống nhất với mục tiêu giáo dục của nhà trường. Nhưng quá trình ấy còn có thành viên của ban thanh tra nhân dân của trường trực tiếp giám sát, đảm bảo việc tuyển dụng minh bạch và khách quan”.

Hơn 50% ứng viên không có hộ khẩu TP.HCM

Bà Tạ Thị Minh Thư – trưởng phòng tổ chức – cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Kỳ thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT TP.HCM năm nay có 1.186 ứng viên đủ điều kiện tham dự vòng thi thực hành, trong đó có 766 người có hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác TP.HCM. 

Việc cải tiến kỳ thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT TP.HCM bắt đầu bằng quy trình đăng ký dự tuyển hoàn toàn trực tuyến, ứng viên không phải trực tiếp lên sở để mua hồ sơ – tiết kiệm thời gian, công sức cho cả ứng viên và hội đồng xét tuyển viên chức, vừa đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19. 

Ngoài ra, dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị chúng tôi cũng đưa công khai trên trang thông tin điện tử của Sở GD-ĐT TP. Từ đó, ứng viên có thể tự đánh giá được mức độ cạnh tranh ở từng trường trong khi dự tuyển”.

H.T. – ứng viên dự tuyển môn toán – bày tỏ: “Lúc đầu mình hơi run nhưng sau khi dạy thử xong mình cảm thấy rất thoải mái khi được trực tiếp trao đổi với hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn của trường – những người sẽ làm việc cùng nếu mình thi đậu. Việc trao đổi này rất có ý nghĩa, không chỉ có lợi cho nhà trường mà còn có lợi cho cả người dự tuyển. Bởi sau khi trao đổi, nếu thấy bản thân không hợp với ngôi trường ấy thì mình có thể chọn con đường khác mà không phải mất thời gian chờ đợi”.

Cần tập huấn cho ban giám khảo

Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép các trường làm giám khảo vòng thi thực hành là chủ trương rất tích cực và tiến bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kỹ năng làm giám khảo. Nhiều người lúng túng không biết đặt câu hỏi gì để chọn được ứng viên tốt nhất. Rồi khi chấm điểm phần dạy thử cũng bối rối không kém vì chấm điểm một ứng viên đi xin việc khác hoàn toàn với việc dự giờ, đánh giá giáo viên thường ngày. Tôi cho rằng Sở GD-ĐT cần tập huấn cụ thể về vấn đề này.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM

Thu hồi quy định tuyển giáo viên ‘không quá 30 tuổi’ Thu hồi quy định tuyển giáo viên ‘không quá 30 tuổi’

TTO – Kiểm tra của UBND TP Vinh cho thấy quy chế tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đào tạo “không quá 30 tuổi” mà thành phố ban hành không phù hợp với quy định của luật.