Tuyển dụng, tìm việc làm giáo viên hợp đồng | Timviec365.vn
Bên cạnh giáo viên chính thức đã vào biên chế thì hiện nay vẫn có rất nhiều người làm giáo viên hợp đồng tại các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo. Vậy chính xác thì giáo viên hợp đồng là gì và họ làm những công việc ra sao, tính chất của nghề này có gì khác với giáo viên chính thức? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin để bạn có thể giải đáp thắc mắc này.
1. Thế nào là giáo viên hợp đồng?
Giáo viên hợp đồng là những người thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của giáo viên, đã ký kết hợp đồng lao động với nhà trường, họ được trả lương nhưng thù lao đó không nằm trong quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, tức trường học. Có thể hiểu nôm na rằng, giáo viên hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ của một giáo viên bình thường, song họ không phải viên chức mà chỉ là người lao động ký hợp đồng ngắn hạn với nhà trường.
Khái niệm giáo viên hợp đồng
Giáo viên hợp đồng là để phân biệt với các giáo viên đã vào biên chế, tức những giáo viên đã ký hợp đồng làm việc lâu dài với nhà trường, được đảm bảo công việc ổn định và hưởng lương theo hệ số lương của giáo viên.
Vì về bản chất, các giáo viên hợp đồng chỉ là người lao động nên họ không được tính lương theo hệ số lương của giáo viên là viên chức, mà mức thù lao sẽ được nhà trường và giáo viên tự thỏa thuận trong hợp đồng lao động, có thể căn cứ trên mức lương của giáo viên biên chế chính thức.
2. Những công việc của giáo viên hợp đồng
Nhìn chung, công việc của giáo viên hợp đồng không khác gì nhiều so với các giáo viên chính thức đã vào biên chế của trường. Các thầy cô phải thực hiện những công tác, nhiệm vụ như sau:
– Giáo dục và đào tạo kiến thức, kỹ năng cần có cho học sinh:
Đây là nhiệm vụ cốt lõi của mỗi người giáo viên, trước mỗi buổi lên lớp, giáo viên phải biên soạn giáo án và trao đổi kế hoạch giảng dạy với tổ chuyên môn, để từ đó có đường hướng giáo dục đào tạo các em học sinh. Giáo viên hợp đồng cũng như bao thầy cô khác, phải phụ trách truyền đạt cho học sinh những kiến thức, kỹ năng trong chương trình đào tạo và cả những những kiến thức bổ trợ giúp ích cho cuộc sống của các em.
Nhiệm vụ giáo dục và đào tạo học sinh
– Phối hợp với nhà trường và phụ huynh để quản lý học sinh:
Giáo viên là cầu nối để cập nhật tình hình học tập của mỗi học sinh cho nhà trường và cho phụ huynh. Các thầy cô cần theo dõi, quản lý học sinh một cách sát sao để đảm bảo các em chăm ngoan học tập, tuân thủ đúng tác phong kỷ luật cả trên lớp lẫn ngoài giờ. Ngoài ra, thầy cô còn là người thực hiện các công tác thu đua khen thưởng hoặc kỷ luật cho học sinh, đảm bảo các em được hưởng quyền lợi, chính sách phù hợp với điều kiện của cá nhân và gia đình các em.
– Phối hợp với gia đình và cộng đồng trong công tác giáo dục
Bên cạnh việc học tập tại trường, học sinh sẽ được địa phương tổ chức các buổi phổ cập các kiến thức, kỹ năng như phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, giáo dục giới tính,… hoặc các hoạt động cộng đồng khác có ích cho các em, chẳng hạn tổ chức tiêm phòng, khám sức khỏe định kỳ, tặng sách vở quà quyên góp, phong trào trồng cây xanh…
Giáo viên có trách nhiệm phối hợp với gia đình và các lực lượng xã hội để quản lý, hướng dẫn các em học sinh học tập, tham gia đóng góp những điều có ích cho cộng đồng.
– Tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực sư phạm:
Các thầy cô cũng có những hoạt động riêng về kiến thức chuyên môn, có thể tham gia với tư cách cá nhân hoặc tham gia cùng đội ngũ học sinh. Đây là dịp để giáo viên thể hiện kiến thức, đóng góp kinh nghiệm, sáng kiến của mình, cũng như chỉ dạy cho học sinh nghiên cứu khoa học, thiết kế công nghệ, tự chế tạo đồ dùng dạy học,…
– Tham gia các lớp học tập và bồi dưỡng chính trị:
Giáo viên hợp đồng cũng phải tham học vào bất cứ hoạt động chính trị nào của nhà trường cùng với các giáo viên chính thức hay nhân viên của trường. Họ phải luôn luôn học tập và cập nhật các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đảm bảo tuân thủ và thực hiện đúng theo các chính sách, quy trình.
– Rèn luyện nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn:
Tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ
Kiến thức cho học sinh vẫn luôn thay đổi từng ngày, vậy nên các thầy cô cũng phải chú trọng học tập, nâng cao trình độ của bản thân để chỉ dạy cho các em một cách hiệu quả. Không chỉ kiến thức trong môn học mà mình giảng dạy, thầy cô còn phải cập nhật những phương pháp giáo dục mới, những kỹ năng mềm phục vụ cho quá trình giảng dạy học sinh.
3. Yêu cầu đối với một giáo viên hợp đồng
3.1. Những kỹ năng, tố chất để trở thành giáo viên hợp đồng
Để trở thành giáo viên hợp đồng tại trường học, trường nghề hay các cơ sở giáo dục đào tạo, bạn phải đáp ứng những yêu cầu sau đây:
– Có bằng cấp chuyên môn liên quan đến môn học mà mình giảng dạy, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
– Thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản, am hiểu sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy.
– Có sức khỏe đạt tiêu chuẩn, chịu được căng thẳng, áp lực.
– Biết cách ứng xử và giao tiếp khéo léo để có thể truyền tải được kiến thức tới học sinh một cách hiệu quả, cũng như lắng nghe những vấn đề của các em.
Giỏi giao tiếp, thuyết trình là một kỹ năng cần có
– Tùy từng trường hợp mà có thể thầy cô phải sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc.
3.2. Điều kiện để đặc cách vào biên chế
Bởi làm giáo viên hợp đồng tồn tại những bất an, lo lắng trước nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào, vậy nên nhiều thầy cô giảng dạy theo hợp đồng muốn tìm cách để được vào biên chế của nhà trường. Theo quy định của pháp luật, các giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách vào làm viên chức ngành giáo dục mà không cần qua thi tuyển, khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
Điều kiện đặc cách vào biên chế nhà trường
– Là giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, hiện đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập và phải đáp ứng đủ các điều kiện để dự tuyển vào viên chức.
– Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác ở vị trí cần trình độ đại học trở lên, có năng lực và trình độ phù hợp với những yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
– Trong thời gian công tác có đóng đầy đủ các loại bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian công tác ở đây là không kể thời gian thử việc, nếu thầy cô có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục trong thời gian làm việc mà vẫn chưa được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì có thể cộng dồn.
– Ký hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật, giảng dạy đào tạo trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
4. Những quyền lợi mà giáo viên hợp đồng được hưởng
Như đã nói ở trên, mức lương của vị trí giáo viên hợp đồng là do nhà trường và thầy cô tự thỏa thuận trên hợp đồng lao động, song vẫn căn cứ vào hệ số lương của giáo viên chính thức. Các thầy cô được hưởng đầy đủ bảo hiểm và hưởng chế độ đãi ngộ.
Tùy thuộc vào quy chế mỗi trường và trình độ, kỹ năng của cá nhân thầy cô mà trường sẽ có những quy định riêng về lương thưởng, đãi ngộ. Ở những trường quốc tế hay công lập, dân lập nổi tiếng, mức lương của giáo viên hợp đồng có thể nói là khá cao, khoảng trên 10 triệu đồng/tháng.
Các giáo viên hợp đồng cũng có thể được xét duyệt tăng lương theo như quy định của Nhà nước, tuy nhiên việc xét duyệt này sẽ khó khăn hơn là giáo viên chính thức. Nhưng đối với các thầy cô có nghiệp vụ chuyên môn cao, có uy tín với nhà trường và phụ huynh, học sinh thì việc tăng lương hoàn toàn có thể thảo thuận trong hợp đồng lao động.
5. Kinh nghiệm xin việc giáo viên hợp đồng
Đối với những thầy cô có mong muốn làm giáo viên hợp đồng, sau đây là một vài lưu ý nhỏ có thể sẽ giúp ích cho việc ứng tuyển vào trường học hay cơ sở đào tạo mà thầy cô mong muốn:
Kinh nghiệm xin việc làm giáo viên hợp đồng
– Tìm hiểu kỹ về bảng hệ số lương của giáo viên bậc học mình dạy nói chung và của các giáo viên trong trường nói riêng để có thể đưa ra mức lương thích hợp với trình độ, kỹ năng của bản thân.
– Đóng đầy đủ các loại bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình, phòng ngừa các rủi ro, bất trắc cũng như làm điều kiện để xét đặc cách vào biên chế.
– Nếu có mong muốn vào biên chế chính thức, nên tìm hiểu kỹ các điều kiện để xét lên viên chức để xem mình có phải đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện hay không.
– Có thể xin giảng dạy tại các trung tâm dạy thêm, lò luyện thi, lớp học kèm,… để trau dồi kỹ năng và tích cóp kinh nghiệm, cũng như để kiếm thêm thu nhập trong trường hợp mức lương ở trường học không đáp ứng được nhu cầu của bản thân.
Trên đây là bài giới thiệu tổng quát về công việc của một giáo viên hợp đồng, hi vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn sớm ứng tuyển thành công vào vị trí giáo viên mà mình mong muốn!