Tuyển dụng là gì?

Nhân lực là một thành phần không thể thiếu trong các đơn vị doanh nghiệp, đây là nguồn chính quyết định đến lợi nhuận và sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, công tác tuyển dụng nhân lực luôn được các đơn vị đề cao và chú trọng. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm tuyển dụng là gì, nội dung, tầm quan trọng của hoạt động tuyển dụng nhân sự trong doanh nghiệp.

Tuyển dụng là gì?

Trước khi đi tìm hiểu khái niệm tuyển dụng nhân sự là gì, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu hai khái niệm tuyển mộ và tuyển chọn nhân sự:

Khái niệm tuyển mộ nhân sự

Khái niệm tuyển mộ là quá trình thu hút những người xin việc có trình độ từ lực lượng lao động bên trong tổ chức và lực lượng lao động xã hội đến đăng ký, tham gia ứng tuyển tại một tổ chức. Bất kỳ tổ chức nào cũng cần phải có đầy đủ khả năng để thu hút đủ số lượng cũng như chất lượng lao động để nhằm đạt được các mục tiêu của mình.

Quá trình tuyển mộ nhân sự của các tổ chức sẽ khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố của từng tổ chức như uy tín,  thương hiệu, văn hóa của tổ chức đó; lĩnh vực kinh doanh, phương pháp quản lý, tổ chức môi trường làm việc; chính sách lương bổng, đãi ngộ và điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến…

Trước khi một tổ chức ra quyết định tuyển mộ họ cần phải xác định nhu cầu nhân sự của tổ chức một cách chính xác để tránh xảy ra vấn đề dư thừa về nhân sự cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí. Mục tiêu của tuyển mộ là đảm bảo đủ số lượng và đúng yêu cầu ứng viên cần cho quá trình tuyển chọn.

Công tác tuyển mộ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của quá trình tuyển chọn cũng như chất lượng nguồn nhân lực trong tổ chức cũng như các chức năng khác của quản trị nguồn nhân lực như: các mối quan hệ lao động, thù lao lao động, đánh giá thực hiện công việc, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Khái niệm tuyển chọn nhân sự

Tuyển chọn nhân sự là quá trình đánh giá ứng viên (người xin việc) theo nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau dựa vào các yêu cầu của công việc để tìm ra những ứng viên phù hợp nhất với các yêu cầu của chức danh công việc cần tuyển đặt ra trong số những người đã thu hút được trong quá trình tuyển mộ.

Quá trình tuyển chọn nhân lực bao gồm các công việc như thu nhận hồ sơ, nghiên cứu, sàng lọc ứng viên, thông báo phỏng vấn, phỏng vấn, ra quyết định tuyển chọn. Thông thường, kết quả tuyển chọn nhân lực thường sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như yêu cầu của công việc, khả năng xử lý tình huống của ứng viên, ý kiến chủ quan của người tuyển dụng…

Quá trình tuyển chọn nhân lực là một trong những khâu vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp cho các nhà quản trị nhân lực đưa ra các quyết định tuyển dụng một cách đúng đắn nhất. Các quyết định tuyển chọn đúng đắn sẽ giúp tổ chức tìm ra những người nhân viên có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với sự phát triển của tổ chức trong tương lai đồng thời giảm được các chi phí do phải tuyển chọn lại, đào tạo lại, đồng thời cũng giúp tổ chức tránh được các thiệt hại rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các công việc.

Khái niệm tuyển dụng nhân sự là gì?

Tuyển dụng là một quá trình tìm kiếm, thu hút, lựa chọn và đánh giá nhân sự thỏa mãn các yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp và bổ sung đội ngũ lao động cần thiết để thực hiện các mục tiêu đã đề ra của doanh nghiệp.

Tuyển dụng nhân sự là một quá trình thu hút những người xin việc có trình độ từ lực lượng lao động xã hội và lực lượng lao động bên trong tổ chức. Đồng thời cũng là quá trình đánh giá các ứng viên theo các khía cạnh khác nhau dựa theo yêu cầu của công việc để có thể tìm được người phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong số những người đã thu hút được.

Ở mức độ nghiên cứu chuyên sâu, tuyển dụng nhân lực là quá trình gồm các hoạt động: tuyển mộ, tuyển chọn ứng viên, đón tiếp ứng viên, định hướng cho các nhân viên mới, thử việc ứng viên được chọn để tìm người phù hợp với vị trí còn trống trong tổ chức.

Trong mọi tổ chức, quá trình tuyển dụng cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Tuyển dụng phải xuất phát từ kế hoạch nguồn nhân lực và kế hoạch sản xuất kinh doanh của tổ chức
  • Hoạt động tuyển dụng phải chiêu mộ được những ứng cử viên có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp cho công việc để đạt được năng suất lao động cao, hiệu suất công tác tốt
  • Hoạt động tuyển dụng phải chiêu mộ được những ứng cử viên trung thực, có kỷ luật, có trách nhiệm, có mong muốn gắn bó lâu dài với công việc, với tổ chức. Mục tiêu của tuyển dụng nhân sự tại doanh nghiệp

Mục đích của tuyển dụng là gì?

Tuyển dụng nhân sự là quá trình gồm tuyển mộ và tuyển chọn. Trong đó, tuyển mộ thực hiện yêu cầu tìm được tập hợp các ứng viên đảm bảo số lượng và chất lượng cho công tác tuyển chọn của doanh nghiệp. Mục tiêu của tuyển chọn là tìm được đủ số lượng lao động phù hợp với công việc của doanh nghiệp. Kết quả cuối cùng của tuyển dụng là tìm được đủ số người có năng lực, trình độ, sức khỏe và nhân phẩm cần thiết với yêu cầu công việc. Như vậy, mục tiêu của tuyển dụng là tìm đúng người đúng việc.

Bản chất của việc sử dụng đúng người đúng việc là làm cho hoạt động của doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng doanh thu, năng suất lao động từ đó cải thiện điều kiện làm việc và tăng thu nhập cho người lao động. Những điều này là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyển dụng nhân sự là gì?

Đối với doanh nghiệp

  • Đầu tiên, tuyển dụng hiệu quả sẽ cung cấp một đội ngũ lao động lành nghề, năng động, sáng tạo và bổ sung đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuyển dụng nhân sự có vai trò quan trọng vì đây là khâu đầu tiên của công tác quản trị nhân, khi khâu này được thực hiện tốt mới có thể thực hiện các khâu kế tiếp.
  • Thứ hai, tuyển dụng tốt sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả. Qua đó, hiệu quả kinh doanh sẽ được nâng cao, phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh trong điều kiện toàn cầu hóa.
  • Thứ ba, chất lượng đội ngũ nhân sự sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp đối với các đối thủ cạnh tranh và tạo nên chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
  • Thứ tư, tuyển dụng nhân sự tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh và sử dụng hiệu quả ngân sách của doanh nghiệp.
  • Thứ năm, tuyển dụng nhân sự tốt cũng giúp doanh nghiệp hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Như vậy, đối với doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự giữ vai trò quan trọng, đây là quá trình “đãi cát tìm vàng”. Nếu doanh nghiệp tìm được đội ngũ nhân sự phù hợp sẽ là điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển

Đối với người lao động

  • Thứ nhất, tuyển dụng nhân sự giúp cho người lao động hiểu rõ hơn về triết lý, quan điểm của các nhà quản trị trong doanh nghiệp từ đó định hướng cho họ theo các quan điểm ấy.
  • Thứ hai, tuyển dụng nhân sự tạo ra không khí thi đua và tinh thần cạnh tranh nội bộ với những người lao động trong doanh nghiệp từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Đối với xã hội

  • Việc tuyển dụng nhân lực tại các doanh nghiệp giúp thực hiện các mục tiêu về kinh tễ- xã hội: người lao động có việc làm, có thu nhập, giảm các gánh nặng như thất nghiệp và các tệ nạn xã hội.
  • Việc tuyển dụng nhân sự cũng giúp việc sử dụng nguồn nhân lực của xã hội một cách hữu ích nhất.

Nội dung của tuyển dụng nhân sự tại doanh nghiệp

Căn cứ tuyển dụng nhân sự

  • Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật: Tức là căn cứ vào các văn bản mà Nhà nước quy định như: Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012, Các thông tư, nghị định hiện hành của Nhà nước về Luật lao động và việc làm, Hợp đồng lao động.
  • Căn cứ vào văn bản, nội dung nội bộ của tổ chức: Căn cứ vào các quy định thực hiện tuyển dụng nhân sự của tổ chức, căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng của các bộ phận trong doanh nghiệp, căn cứ vào nhu cầu thực tế và quy trình tuyển dụng nhân sự.

Kế hoạch tuyển dụng nhân sự

Giai đoạn 1: Chuẩn bị

Xác định nhu cầu tuyển dụng: Trước khi đưa ra yêu cầu cần tuyển dụng chính thức, người quản lý cần xác định chính xác về nhu cầu tuyển dụng của tổ chức. Có các nhu cầu tuyển dụng phổ biến gồm: tuyển dụng thay thế, tuyển dụng ứng phó, tuyển dụng dự án, tuyển dụng ngẫu nhiên,…Việc xác định nhu  cầu tuyển dụng cần bắt đầu từ thực trạng nguồn nhân lực và mục tiêu kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

Lập kế hoạch tuyển dụng: Lập kế hoạch tuyển dụng là bước quan trọng, gồm việc chuẩn bị các thông tin cần thiết, tài liệu cần thiết, lựa chọn người tiến hành tuyển dụng,…để hoạt động tuyển dụng đạt được hiệu quả. Trong bước này, cần xác định nội dung công việc và nội dung tuyển dụng thông qua bản mô tả công việc và bản yêu cầu đối với người thực hiện công việc.

Xác định nguồn và phương pháp tuyển dụng: Để tuyển dụng đủ số lượng và chất lượng nhân sự, tổ chức cần cân nhắc, lựa chọn xem vị trí công việc nào nên lấy từ nguồn bên trong tổ chức, bên ngoài tổ chức và phương pháp tuyển dụng phù hợp.

Phương pháp tuyển dụng: Có nhiều phương pháp khác nhau nhưng không có cách nào đem lại kết quả tuyệt đối chính xác. Vì thế, nhà tuyển dụng sẽ kết hợp sử dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm thu về kết quả đáng tin cậy. Các phương pháp tuyển dụng được sử dụng phổ biến bao gồm: sàng lọc hồ sơ, kiểm tra, trắc nghiệm, phỏng vấn tuyển dụng, điều tra xác minh,…Trong đó, phương pháp phỏng vấn là cơ hội để tìm hiểu kỹ lưỡng về các thông tin mà ứng viên cung cấp trong hồ sơ tuyển dụng và thu thập thêm các thông tin cần thiết khác.

Lựa chọn người tiến hành tuyển dụng: Hội đồng tuyển dụng là những người đại diện cho hình ảnh của công ty, họ được trao quyền loại bỏ ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Vì vậy, cần lựa chọn những người có kiến thức, kinh nghiệm tuyển dụng.

Xác định nơi tuyển dụng và thời gian tuyển dụng: Nơi tuyển dụng là nơi phát sinh phát nhu cầu tuyển dụng hay là nơi doanh nghiệp chiếm đóng. Nếu doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động phổ thông thì nên tập trung vào thị trường lao động nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp cần đội ngũ lao động chất lượng cao thì nên tập trung vào thị trường lao động đô thị như tại các trường đại học, cao đẳng,…

Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần xác định thời gian tuyển dụng: Trong quá trình tuyển dụng có nhiều bước và mỗi bước công việc sẽ có mốc thời gian tương ứng.

Chi phí tuyển dụng: Chi phí tuyển dụng bao gồm các chi phí thời gian để xác định và xây dựng nhu cầu tuyển dụng, thù lao trả cho văn phòng tuyển dụng, chi phí thời gian trong việc duyệt thư và hồ sơ, …

Giai đoạn 2: Tổ chức thực hiện tuyển dụng nhân lực

Thông báo tuyển dụng: Để thu hút được nhiều ứng viên tiềm năng, tổ chức cần thiết kế thông báo và triển khai thông tin tuyển dụng một cách hiệu. Thông báo tuyển dụng cần đầy đủ các thông tin cần thiết và đảm bảo ngắn gọn, giảm chi phí quảng cáo. Các thông tin bao gồm: khái quát về đơn vị, tổ chức, các vị trí cần tuyển dụng, số lượng cần tuyển, yêu cầu tuyển dụng, cơ hội thăng tiến, mức lương,..

Tìm kiếm, tuyển chọn ứng viên: Để tìm kiếm được ứng viên phù hợp với mục tiêu và yêu cầu tuyển dụng của tổ chức, nhà tuyển dụng có thể sàng lọc ứng viên thông qua các phương pháp sau: tiếp nhận và sàng lọc hồ sơ, thông qua CV, thông qua đơn xin việc, giấy khám sức khỏe, kiểm tra, trắc nghiệm, thi viết, kiểm tra tay nghề, phỏng vấn, thẩm tra các thông tin liên quan,…

Tiếp đón nhân viên: khi đã sàng lọc ứng viên và có quyết định trúng tuyển, tổ chức cần có lịch hẹn gặp cụ thể với các ứng viên trúng tuyển và tổ chức đón tiếp. Mục đích của điều này là tạo cho nhân viên mới cảm giác mình là một thành viên quan trọng của tổ chức, thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình và sự hào hứng.

Định hướng nhân viên: Sau khi đón tiếp nhân viên, tổ chức cần định hướng nhân viên, gồm các thông tin về quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của ứng viên.

Thử việc: Năng lực của người lao động sẽ được thể hiện rõ qua giai đoạn thử việc. Kết quả đánh giá sau thử việc sẽ là căn cứ để tổ chức quyết định có nên tuyển dụng trực tiếp ứng viên hay không. Do đó, trong quá trình thử việc, ứng viên cần chứng tỏ năng lực thực hiện công việc của mình.

Ra quyết định tuyển dụng: Dựa vào các phương pháp đánh giá theo chủ quan, theo thủ tục và kết quả phỏng vấn,thử việc, trưởng phòng nhân sự sẽ đề nghị giám đốc ra quyết định tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động với các ứng viên phù hợp.

Giai đoạn 3: Kiểm tra, đánh giá kết quả tuyển dụng nhân lực

Sau khi đã kết thúc quá trình tuyển dụng, đơn vị cần tiến hành đánh giá hiệu quả công tác tuyển dụng thông qua các chỉ tiêu: Số lượng người nộp hồ sơ xin việc, Số lượng hồ sơ ứng viên, Tỷ lệ tuyển chọn, Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tuyển dụng, chi phí tuyển dụng trên đầu người, thời hạn hoàn thành kế hoạch tuyển dụng, tỷ lệ đào tạo lại, số lượng nhân viên thôi việc, tính công bằng, thỏa mãn trong tuyển dụng, sự chuyên nghiệp về truyền thông trong tuyển dụng,…

Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng là gì?

Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp

Chính sách pháp luật của Nhà nước: Các chính sách của Nhà nước và các văn bản pháp luật quy định liên quan đến công tác tuyển dụng có quy định cụ thể để doanh nghiệp áp dụng một cách chính xác và hiệu quả. Đây cũng là căn cứ để cán bộ tuyển dụng xây dựng quy chế tuyển dụng phù hợp cho công ty.

Thị trường lao động: Tức là quan hệ cung-cầu so sánh với loại lao động mà tổ chức đang sử dụng để có được những kết luận về tuyển mộ, tuyển chọn, đánh giá tuyển mộ và tuyển chọn.

Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác: Nếu đối thủ cạnh tranh có chính sách chiến lược tuyển dụng tốt sẽ thu hút được những lao động mà công ty mình đang tìm kiếm.

Đặc điểm kinh tế, chính trị: Khi nền kinh tế, chính trị phát triển thì nhu cầu của con người ngày càng cao, sự trao đổi giữa người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng hơn để thỏa mãn nhu cầu,mong muốn của mình.

Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật: Khoa học kỹ thuật phát triển giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận từ đó ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng để có thể tuyển được những lao động lành nghề. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc sàng lọc ứng viên cũng giúp doanh nghiệp tìm được ứng viên phù hợp.

Các nhân tố bên trong doanh nghiệp

Uy tín, vị thế của công ty: Các công ty có tên tuổi khi đăng thông báo tuyển dụng thì lượng đơn xin việc của các ứng viên có chất lượng cao sẽ cao hơn bởi họ tạo được sự tin tưởng và làm việc cho công ty là niềm khao khát của ứng viên nhằm khẳng định bản thân.

Chính sách nhân sự: Chính sách nhân sự đáp ứng mong đợi của người lao động sẽ thu hút được nhiều ứng viên đặc biệt với các ứng viên có tay nghề.

Quan điểm của nhà quản trị: Nhà quản trị phải có quan điểm, thái độ nghiêm túc coi trọng công tác tuyển dụng thì mới đạt hiệu quả, tránh lãng phí thời gian và tài chính.

Khả năng tài chính, chi phí tuyển dụng: Một  công ty có khả năng tài chính mạnh, chi phí tuyển dụng lớn sẽ được đạt được tính hợp lý và hiệu quả của quá trình tuyển dụng.

Văn hóa trong công ty: Một tổ chức có văn hóa tổ chức riêng, ấn tượng sẽ thu hút được nhiều ứng viên, tạo cho họ ấn tượng về tổ chức và sự hài lòng khi lựa chọn nơi làm việc cho bản thân.

Quảng cáo và các mối quan hệ xã hội: Một doanh nghiệp quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh doanh nghiệp sẽ được nhiều người lao động biết đến. Ngoài ra, các mối quan hệ xã hội sẽ giúp giới thiệu ứng viên cho doanh nghiệp.

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về tuyển dụng là gì và các bước tiến hành tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp. Để chọn lọc được đội ngũ nhân sự chất lượng và có tay nghề là một quá trình làm việc với nhiều công đoạn khác nhau. Hy vọng những kiến thức trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tuyển dụng và quy trình tuyển dụng tại doanh nghiệp.

KJOB chúc bạn thành công !