Tuyên Quang vài nét tổng quan | Xã hội | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Tuyên Quang vài nét tổng quan
Bản đồ hành chính tỉnh Tuyên Quang
1. Vị trí địa lý
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 165 km, có toạ độ địa lý 21o30’- 22o40’ vĩ độ Bắc và 103o50’-105040’ kinh độ Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
2. Điều kiện tự nhiên
Khí hậu Tuyên Quang được chia thành 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông; trong đó mùa Đông khô, lạnh và mùa Hạ nóng, ẩm, mưa nhiều. Lượng mưa trung bình năm 1.500mm – 1.800mm, nhiệt độ trung bình 22 độ C – 24 độ C, độ ẩm bình quân năm 85%. Diện tích đất tự nhiên 5.867km². Nền đất có kết cấu tốt nên thuận lợi cho các công trình công nghiệp và kết cấu hạ tầng.
Tuyên Quang có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, trong đó các loại khoáng sản phân bố tập trung một số khu vực, mỗi khu vực có nhiều loại khoáng sản có thể khai thác kết hợp như: quặng sắt, ba rít, cao lanh, thiếc, mangan, chì – kẽm, Vonfram… thuận lợi cho phá triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuyên Quang có nhiều sông suối lớn. Hệ thống sông suối này, ngoài ý nghĩa sinh thái và phục vụ sản xuất, đời sống, còn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Có các sông lớn trong đó, Sông Lô, chảy qua tỉnh dài 145 km, lưu lượng lớn nhất 11.700 m3/giây. Sông Gâm, chảy qua tỉnh dài 170 km, có khả năng vận tải đường thuỷ, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hoá với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84 km. Mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối dày với mật độ 0.9km/km² và phân bố đồng đều. Hệ thống đê điều, tiêu thoát nước thủy lợi tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua được đầu tư cơ bản hoàn thiện nên hàng năm hầu như không chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thác Bản Ba (Chiêm Hóa). Ảnh tuyenquang.gov.vn
Tuyên Quang có nhiều sông suối lớn. Hệ thống sông suối này, ngoài ý nghĩa sinh thái và phục vụ sản xuất, đời sống, còn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Có các sông lớn trong đó, Sông Lô, chảy qua tỉnh dài 145 km, lưu lượng lớn nhất 11.700 m3/giây. Sông Gâm, chảy qua tỉnh dài 170 km, có khả năng vận tải đường thuỷ, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hoá với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84 km. Mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối dày với mật độ 0.9km/km² và phân bố đồng đều. Hệ thống đê điều, tiêu thoát nước thủy lợi tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua được đầu tư cơ bản hoàn thiện nên hàng năm hầu như không chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
3. Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ
Tuyên Quang là tỉnh có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này đều có những nét văn hoá, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng. Chính những nét đặc trưng của văn hoá đã cấu kết trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đóng góp cho kho tàng văn hóa của cả nước.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trên mảnh đất Tuyên Quang đều đóng góp những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thực sự tiêu biểu. Trên cơ sở những di sản này, trong những năm qua ngành Văn hóa của tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng để vừa khơi dậy việc bảo tồn ngay chính trong cộng đồng dân tộc, vừa khảo cứu để hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học của các di sản này.
Tuyên Quang được ví là hình ảnh thu nhỏ của vùng văn hoá Việt Bắc. Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở tỉnh thể hiện trong đời sống tinh thần khá rõ nét. Đó là những quan niệm và cách giải thích về vũ trụ, các nghi lễ như: Thờ cúng tổ tiên, cúng chữa bệnh, cưới hỏi… Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tạo dựng được một kho tàng dân ca, dân vũ hết sức phong phú, đặc sắc như làn điệu Then, Cọi, Quan làng (dân tộc Tày), Páo dung (dân tộc Dao), Sình ca (dân tộc Cao Lan), Soọng cô (dân tộc Sán Dìu)… Về lễ hội, có nhiều sắc thái văn hoá rất đặc trưng và đa dạng, tiêu biểu là những lễ hội dân gian thường được tổ chức sau tết Nguyên Đán với phần “lễ” diễn ra hết sức trang trọng và phần “hội” đậm đà truyền thống, như lễ hội Lồng tông, lễ hội Nhảy lửa…
Nghệ nhân Hà Thuấn truyền dạy hát Then cho người dân xã Tân An
(Chiêm Hóa). Ảnh tuyenquang.gov.vn
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, tổng điều tra các di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương trong tỉnh, phục dựng lại các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ, xã Bình Phú (Chiêm Hóa); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Chiêm Hóa); Lễ hội đình làng Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn)… đồng thời thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa dân gian như: “Bảo tồn hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang”, “Bảo tồn hát Sình ca dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”, “Nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang”, “Nghiên cứu những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người dân tộc Dao ở Tuyên Quang”…
Với một vị trí địa lý đặc biệt bản lề nối hai vùng Đông và Tây Bắc Bộ, trải dài từ Bắc xuống Nam, cùng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, truyền thống, lịch sử, văn hóa, cách mạng, Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch… Từ lâu Di tích Quốc gia Đặc biệt Tân Trào đã là địa chỉ đỏ không thể thiếu cho các hoạt động du lịch về nguồn. Na Hang cùng các sản phẩm du lịch sinh thái, Mỹ Lâm với nguồn suối khoáng nóng độc đáo cho du lịch nghỉ dưỡng, … cùng các hệ thống đình đền chùa nổi tiếng linh thiêng, Tuyên Quang đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của của du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của địa phương, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, Tuyên Quang còn tổ chức chương trình lễ hội đặc sắc – lễ hội thành phố Tuyên Quang với nhiều hoạt động hấp dẫn, kết hợp giữa một số lễ hội truyền thống (như lễ hội đền Hạ, hội đua thuyền trên sông Lô – hoạt động được nhân dân thành phố Tuyên Quang phát triển từ môn thể thao bơi chải trên sông Lô từ những năm cuối của thế kỷ XX, là nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc nơi đây…) và một số hoạt động văn hóa khác, như hội hoa xuân đường phố, liên hoan nghi lễ chầu văn, đêm hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn lớn và độc đáo…
Du lịch lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang có khả năng kết nối với các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn… Ảnh tuyenquang.gov.vn
Theo tuyenquang.gov.vn