Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ – Đền Trấn Vũ phường Thạch Bàn – bảo vật quốc gia – Bài viết chuyên sâu – Phường Thạch Bàn

Đền Trấn Vũ được xây dựng trên một thế đất Quy Xà hội tụ, Cửa Đền hướng về phía Bắc, phía trước Đền có một gò đất nổi lên được coi là hình Rùa, nay được tạo thành hồ nước. Giữa lòng hồ, xây dựng tòa thủy đình, kết cấu dưới dạng phương đình, 2 tầng 8 mái tạo những nét đặc sắc cho quần thể di tích. phía sau Đền là dòng sông Hồng với dải đê uốn lượn được coi như hình Rắn. Trang viên của Đền trước đây thuộc thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn huyện Gia Lâm, nay là tổ 5 phường Thạch Bàn quận Long Biên – Hà Nội.

Thần Trấn Vũ là một trong bốn vị thần trấn giữ bốn phương. Theo quan niệm của Đạo giáo, trấn phía Đông có Thần Thanh Long, biểu tượng cho mùa xuân, trấn phía Nam có Thần Chu Tước biểu tượng cho mùa hạ, trấn phía Tây có Thần Bạch Hổ biểu tượng cho mùa thu và trấn phía Bắc là thần Huyền Thiên Trấn Vũ biểu tượng cho mùa đông.

Thần tích về Thần Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng: “vào thời Tuỳ Khai Hoàng (667), sau khi tu luyện đắc đạo ở núi Vũ Dương, Huyền Thiên Thượng Đế thường đi du ngoạn khắp nơi để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Rất nhiều lần ngài xuất hiện ở trần gian để tiễu trừ yêu ma giúp dân lành”. Cũng có truyền thuyết cho rằng “Thần Huyền Thiên Trấn Vũ vốn là hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần tu theo đạo Phật và đắc đạo, được phong hiệu là Huyền Thiên Thượng Đế Đãng ma Thiên tôn vô lượng thọ Phật”. Ngài giáng trần với Kim ấn Vương hư Sư tướng, thần kiếm Tam thai Thất Tinh và 500 viên Linh Đan, cùng với 36 vị Thiên tướng thu trừ yêu quái các sơn thuỷ động, giúp cho tam giới yên bình, nhân thế ổn định, vạn vật sinh sôi.

Pho tượng Trấn Vũ – Bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Đền Trấn Vũ

Đã thành thông lệ, ngày 03/3 Âm lịch hàng năm, nhân dân Ngọc Trì nay là các tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 tổ chức lễ hội truyền thống để tượng niệm Ngài. Trong lễ hội, ngoài những nghi thức truyền thống của nhân dân vùng ven sông Hồng, còn tổ chức những trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có một trò chơi dân gian khá đặc biệt hiếm thấy ở nơi khác, đó là kéo co ngồi – một trò chơi mang đầy ý nghĩa tâm linh thể hiện mong ước của nhân dân: tiêu lũ, thoát nước để canh tác nông nghiệp. Nghi thức “Kéo co ngồi” đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Thông qua nghi thức “Kéo co ngồi” còn gửi tới Đức Thánh lời cầu mong sự bảo vệ, sự che trở cho xóm làng bình yên. Với ý nghĩa và niềm tin đó đã mang lại niềm vui, tinh thần phấn khởi, và một sức sống mới cho cộng đồng, để họ an tâm lao động, sản xuất.

Pho Tượng Trấn Vũ – Di tích Đền Trấn Vũ

Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể – nghi thức “kéo co ngồi” thì nơi đây còn lưu giữ được một di sản văn hóa vô cùng quý báu đó là pho tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn mặc áo đạo sĩ tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m với hai bàn chân để trần; Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mình mặc áo giáp, trên áo điểm hoa văn, hổ phù ở đầu gối được cách điệu hoa lá, ở cánh tay là hoa văn tổ ong, hoa lá thiêng ở diềm áo, long mã ở bố tử trước ngực. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm. Kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, Quấn quanh lưỡi kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao xuống đầu rùa. Rùa, rắn và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ. Tượng mang phong thái “hiền hòa”, gần gũi với tinh thần tạo tượng dân gian của người Việt…

Theo các tài liệu Hán – Nôm còn lưu lại tại di tích thì pho tượng Đức Thánh Trấn Vũ có từ rất lâu. Bia “Trấn Vũ Điện bi ký” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) ghi: “Khi Lê Thánh Tông (1460 – 1496) đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ lại ở địa phận xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng. Vua cảm thấy xúc động, liền sai dân lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi: “Hiển Linh Trấn Vũ quán”. Vua lại gia ân, ban cho dân làng sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747), dân làng đã đúc tượng đồng thay thế tượng gỗ. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô của đền. Do đó, đến năm Mậu Thân (1788), nhân dân sở tại đã hưng công đúc lại tượng Trấn Vũ, năm Nhâm Tuất (1802) thì hoàn thành. Tượng này, vẫn tồn tại đến tận ngày nay”.

Theo Bia “Huyền Thiên Thượng đế bi ký”, khắc năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3 (1927): “Trong quán Trấn Vũ, trước đây thờ bài vị, đặt trên long ngai. Bài vị khắc 5 chữ: “Hiển linh Trấn Vũ quán”, bên cạnh bài vị này khắc 5 chữ “Phú Vương phủ tín cúng” (phủ Phú Vương cung tiến). Dưới thời Lê Thánh Tông, vua đã ban chiếu cho tạc tượng gỗ để phụng sự. Sau đó, khoảng 292 năm, dưới thời Lê Hiển Tông, vào năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (1747), tượng gỗ bị hư hỏng, vâng lệnh vua, các quan hợp sức với dân Ngọc Trì đúc lại tượng đồng phụng sự”.

Đến năm Bính Thìn, niên hiệu Khải Định nguyên niên – 1916, ông Nguyễn Trinh Cán, một vị Tiên chỉ người trong làng, từng giữ chức Tu Soạn, Viện Hàn Lâm, nhận thấy tượng đồng bị rỉ, do lẫn nhiều tạp chất, đã thương thảo với các vị chức sắc trong làng, căn cứ theo “Thánh tích” (Thánh khoác áo bào màu đen), đã thuê thợ dùng sơn ta, pha thành màu đen sậm để sơn tượng. Đến năm 2015, một số vị trí trên tượng bị bong tróc sơn nên đồng bị ô xi hóa nặng, ảnh hưởng đến sự bền vững của pho tượng. Được sự đồng ý của Bộ văn hóa thể thao và du lịch phê duyệt, Tiểu ban quản lý di tích Đền Trấn Vũ đã huy động mọi nguồn lực trùng tu pho tượng Trấn Vũ để bảo vệ cho muôn đời sau thờ phụng.

Ngày 25/12/2015 tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia Pho tượng Trấn Vũ (Niên đại: năm 1802, hiện lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo tồn phát huy giá trị truyền thống trong việc giữ gìn, lưu truyền ý nghĩa quan trọng của pho tượng Đức Thánh Huyền Thuyên Trấn Vũ trong giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, nguồn lực từ người dân, cộng đồng cũng được huy động để bảo tồn, bảo vệ tốt di tích, di sản, các bảo vật trong Đền, đặc biệt là giữ gìn, trung tu pho tượng Đức Thánh Huyền Thuyên Trấn Vũ để trường tồn theo thời gian.

Các đội kéo co làm lễ trước sân Đền Trẫn Vũ

“Kéo co ngồi” Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phường Thạch Bàn sẽ ra sức gìn giữ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo những di sản văn hóa truyền thống, di tích Đền Trấn Vũ xứng tầm di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp Quốc gia. Xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, giá trị văn hóa pho tượng Đức Thánh Huyền Thuyên Trấn Vũ – bảo vật quốc gia, cùng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghi thức “kéo co ngồi”, góp phần giáo dục giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của phường Thạch Bàn nói chung và nhân dân các tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 nói riêng.