Tục ngữ là gì? Phân biệt thành ngữ và tục ngữ, ví dụ cụ thể – GenZ Đọc Sách
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta sử dụng rất nhiều tục ngữ để giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác khái niệm tục ngữ là gì. Vì vậy hôm nay, hãy cùng GenZ Đọc Sách tìm hiểu xem câu tục ngữ là gì cho ví dụ cụ thể để mọi người có thể hiểu rõ nhất nhé!
Tục ngữ là gì?
Theo lý thuyết thì tục ngữ được định nghĩa là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Cũng là 1 thể loại của văn học dân gian.
Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội loài người, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc.
Tục ngữ được hình thành từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân sáng tác; ý đẹp hoặc từ sự vay mượn nước ngoài.
Giữa hình thức và nội dung, tục ngữ có sự gắn bó chặt chẽ, một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Tục ngữ có tính chất đúc kết, khái quát hóa những nhận xét cụ thể thành những phương châm, chân lý. Hình tượng của tục ngữ là hình tượng ngữ ngôn được xây dựng từ những biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ…
Đa số tục ngữ đều có vần, gồm hai loại: vần liền và vần cách. Các kiểu ngắt nhịp: trên yếu tố vần, trên cơ sở vế, trên cơ sở đối ý, theo tổ chức ngôn ngữ thơ ca… Sự hòa đối là yếu tố tạo sự cân đối, nhịp nhàng, kiến trúc vững chắc cho tục ngữ. Hình thức đối: đối thanh, đối ý. Tục ngữ có thể có 1 vế, chứa 1 phán đoán, nhưng cũng có thể có thể gồm nhiều vế, chứa nhiều phán đoán.
Các kiểu suy luận: liên hệ tương đồng, liên hệ không tương đồng, liên hệ tương phản, đối lập, liên hệ phụ thuộc hoặc liên hệ nhân quả.
Phân biệt thành ngữ và tục ngữ là gì một cách dễ hiểu nhất
Để có thể phân biệt thành ngữ và tục ngữ, trước tiên ngoài việc tìm hiểu tục ngữ là gì, chúng ta cũng cần phải biết khái niệm thành ngữ là gì. Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học – Nhà xuất bản Đà Nẵng – 1977 chúng ta có thể phân biệt thành ngữ và tục ngữ như sau:
Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó.
Ví dụ:
-
Rán sành ra mỡ
-
Đâm ba chày củ
-
Một nắng hai sương
Tục ngữ là câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân. Cùng xem ví dụ để hiểu hơn về tục ngữ là gì.
Ví dụ:
-
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
-
Thừa người nhà mới ra người ngoài.
-
Đói cho sạch, rách cho thơm.
Để có thể phân biệt thành ngữ và tục ngữ là gì rõ hơn, bạn đọc cùng tham khảo thêm một số phân tích sau đây:
1. Tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn một ý mang nội dung nhận xét quan hệ xã hội, truyền đạt kinh nghiệm sống, cho bài học luân lý hay phê phán sự việc. Do đó, một câu tục ngữ có thể được coi là một “tác phẩm văn học” hoàn chỉnh vì nó mang trong mình cả ba chức năng cơ bản của văn học là chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ và chức năng giáo dục.
Ví dụ như câu tục ngữ Việt Nam “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” diễn đạt một nhận xét về sức mạnh đoàn kết, một kinh nghiệm sống và làm việc có hoà hợp thì mới đem lại kết quả, một luân lý trong quan hệ vợ chồng.
-
Chức năng nhận thức trong câu tục ngữ này là giúp cho con người hiểu được cơ sở của quan hệ vợ chồng là bình đẳng, dân chủ và thông cảm với nhau.
-
Chức năng giáo dục của nó là góp phần đưa tình cảm giữa người và người theo hướng tốt đẹp trong quan hệ vợ chồng nói riêng và trong quan hệ xã hội nói chung.
-
Chức năng thẩm mỹ của nó là để truyền tải nội dung nên người ta đã dùng cách nói cường điệu và có hình ảnh khiến người đọc dễ bị thuyết phục và tiếp thu.
2. Thành ngữ là một cụm từ cố định đã quen dùng. Xét về mặt ngữ pháp thì nó chưa thể là một câu hoàn chỉnh, vì thế nó chỉ tương đương với một từ. Thành ngữ không nêu lên một nhận xét, một kinh nghiệm sống, một bài học luân lý hay một sự phê phán nào cả nên nó thường mang chức năng thẩm mỹ chứ không có chức năng nhận thức và chức năng giáo dục, mà thiếu hai chức năng này thì nó không thể trở thành một tác phẩm văn học trọn vẹn được. Cho nên, thành ngữ thuộc về ngôn ngữ.
Ví dụ trong tiếng Việt, thành ngữ “mặt hoa da phấn” chỉ nói lên vẻ đẹp yêu kiều của người phụ nữ, nhưng nó không nêu lên được một nhận xét, một lời khuyên hay một sự phê phán nào cả. Vì thế, dù được diễn đạt một cách bóng bẩy, có hình ảnh (chức năng thẩm mỹ), thành ngữ trên không mang lại cho người ta một hiểu biết về cuộc sống và một bài học nào về quan hệ con người trong xã hội (chức năng nhận thức và chức năng giáo dục).
3. Trong khoa học logic, có hai hình thức tư duy mà đặc điểm và mối quan hệ giữa chúng với nhau có thể được coi là những cơ sở nhận thức luận cho việc xác định đặc điểm và mối quan hệ giữa tục ngữ và thành ngữ. Đó là các hình thức khái niệm và phán đoán.
Xét nội dung và cách diễn đạt của những câu mà ta vẫn gọi là thành ngữ và tục ngữ thì thấy: nội dung của thành ngữ là nội dung của những khái niệm, còn nội dung của tục ngữ là nội dung của những phán đoán. Quan hệ giữa thành ngữ và tục ngữ phản ánh quan hệ giữa các hình thức khái niệm và phán đoán.
Chẳng hạn như khái niệm về “sự uổng công” có được cũng phải trải qua một quá trình khái quát rất nhiều hiện tượng như “nước đổ lá khoai”,“nước đổ đầu vịt”, “dã tràng xe cát”… Theo cách miêu tả của các thành ngữ này thì đó là những hiện tượng riêng rẽ, được nhận thức bằng những tri giác của giác quan.
Sự nhận thức này nhằm mục đích khẳng định một thuộc tính nhất định của những hiện tượng đó. Sự khẳng định ấy được thể hiện ra thành những phán đoán, có thể diễn đạt như sau: “Nước đổ đầu vịt thì nước lại trôi đi hết”, “Nước đổ lá khoai thì nước lại trôi đi hết”, “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”…
Như vậy, sự giống nhau giữa thành ngữ và tục ngữ là ở chỗ cả hai đều chứa đựng và phản ánh tri thức của nhân dân về các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan. Sự khác nhau là ở chỗ những tri thức ấy khi được rút lại thành những khái niệm thì ta có thành ngữ, còn khi được trình bày, diễn giải thành những phán đoán thì ta có tục ngữ.
Sự khác nhau về chức năng của các hình thức tư duy trên đây thể hiện ra ở sự khác nhau về chức năng của các hình thức ngôn ngữ dùng để hiện thực hoá chúng.
Hình thức ngôn ngữ phù hợp với hình thức khái niệm có chức năng định danh. Hình thức ngôn ngữ phù hợp với hình thức phán đoán có chức năng thông báo. Thành ngữ diễn đạt khái niệm nên thành ngữ có chức năng định danh, còn tục ngữ diễn tả các phán đoán nên tục ngữ có chức năng thông báo.
Trong ngôn ngữ, chức năng định danh được thực hiện bài các từ ngữ, cho nên việc sáng tạo thành ngữ về thực chất là một trong những hình thức sáng tạo từ ngữ để đáp ứng yêu cầu đặt tên cho những sự vật, hiện tượng mới.
Do đó, thành ngữ là một hiện tượng thuộc lĩnh vực ngôn ngữ. Còn tục ngữ khi thực hiện chức năng thông báo của nó thì có bản chất là một hoạt động nhận thức, nằm trong lĩnh vực những hình thức hoạt động nhận thức khác nhau của con người như khoa học, nghệ thuật, văn học…
Qua sự phân tích trên đây, ta có thể khẳng định sự khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ về cơ bản là sự khác nhau giữa một hiện tượng ngôn ngữ với một hiện tượng ý thức xã hội. Thành ngữ chủ yếu là đối tượng nghiên cứu của khoa học ngôn ngữ. Còn tục ngữ, tuy có nhiều mặt đáng được khoa học ngôn ngữ chú ý, song về cơ bản cần được nghiên cứu như là một hiện tượng ý thức xã hội, một hiện tượng văn hoá, tinh thần của nhân dân lao động.
> Xem thêm: Quán ngữ là gì?
Nguồn gốc của tục ngữ là gì?
Tục ngữ có từ rất lâu, có khi xuất hiện từ thời cổ để đúc kết kinh nghiệm, điều quan sát được từ lao động, sản xuất và xã hội đời sống. Tục ngữ có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như:
-
Được rút ra tác phẩm văn học bằng con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp.
-
Từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân trực tiếp sáng tác.
-
Từ sự vay mượn nước ngoài.
-
Được tách ra từ tác phẩm văn học dân gian hoặc ngược lại.
Nội dung tục ngữ
Như đã trình bày ở phần nội dung tục ngữ là gì thì tục ngữ Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng. thông thường một số nội dung chính qua các câu tục ngữ gồm có:
Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất
-
Bằng lối nói ngắn gọn, có vần, có nhịp điệu, giàu hình ảnh, những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất đã phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong việc quan sát các hiện tượng tự nhiên và trong lao động sản xuất. Những câu tục ngữ ấy là “túi khôn” của nhân dân nhưng chỉ có tính chất tương đối chính xác vì không ít kinh nghiệm được tổng kết chủ yếu là dựa vào quan sát.
-
Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất được sinh ra khi mà con người lao động và có sự đấu tranh với thiên nhiên và ông cha ta đúc kết lại thành những kinh nghiệm riêng. Cho đến tận ngày nay, nó luôn được lưu truyền phổ biến rộng rãi và trở thành một lĩnh vực tri thức về khoa học dân gian.
Một số câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất:
-
Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.
-
Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy
Cơn đằng nam, vừa làm vừa ăn
-
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
-
Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
-
Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.
-
Nhất canh, trì, nhì canh viên, tam canh điền.
-
Nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống
-
Chuồn chuồn bay thấp mưa ngập bờ ao
Chuồn chuồn bay cao mưa rào lại tạnh
-
Nhất thì, nhì thục.
Tục ngữ thể hiện triết lý dân gian
Những kinh nghiệm sống, những truyền thống tư tưởng, đạo đức của nhân dân luôn là nguồn cảm hứng trong các câu tục ngữ.
Một số câu tục ngữ thể hiện triết lý dân gian thường được sử dụng:
-
Của một đồng, công một nén.
-
Có công mài sắt có ngày nên kim.
-
Người làm ra của, của không làm ra người.
-
Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
Tục ngữ về con người và xã hội
Tục ngữ về con người và xã hội rất giàu hình ảnh so sánh ,ẩn dụ ,hàm súc về nội dung. Những câu tục ngữ này luôn chú ý sự tôn vinh giá trị con người, đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người cần có.
Một số câu tục ngữ về con người và xã hội thường được sử dụng:
-
Người là vàng của là ngãi.
-
Người năm bảy đấng, của ba bảy loài.
-
Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật.
-
Chữ tốt xem tay, người hay xem khoáy.
-
Học thầy không tày học bạn.
-
Không thầy đố mày làm nên.
-
Chết giả mới biết bụng dạ anh em.
-
Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có ba mươi tết mới hay.
-
Người khôn dồn ra mặt.
-
Trông mặt mà bắt hình dung.
-
Mỏng môi hay hớt, trớt môi nói thừa.
Nghệ thuật của tục ngữ là gì
Nhìn chung tục ngữ có những đặc điểm về hình thức như sau: có mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, lập luận chặt chẽ giàu hình ảnh, ngắn gọn, thường có vần nhất là vần lưng.
-
Tục ngữ có mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức. Trong một câu tục ngữ hình thức và nội dung luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành một câu hoàn chỉnh thống nhất cả về hình thức và nội dung. Điều này thể hiện tính bền vững cho câu tục ngữ.
-
Tính hình tượng trong tục ngữ thể hiện qua những phép so sánh, ẩn dụ, nhân hóa. Ví dụ câu tục ngữ “Người sống đống vàng” – Đống vàng thể hiện của cải vật chất giàu sang.
-
Tục ngữ có vần điệu và sự hòa đối. Tục ngữ được lưu truyền chủ yếu qua truyền miệng nên đa số nó đều có vần điệu để dễ thuộc, dễ nhớ. Tục ngữ ngắn gọn, xúc tích.
Trên đây là bài viết về chủ đề tục ngữ là gì. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, mọi người đã hiểu khái niệm của tục ngữ là những bài học về điều gì, phân biệt thành ngữ và tục ngữ như thế nào cho chính xác. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, đừng ngần ngại để lại câu hỏi để được giải đáp miễn phí nhé. Thân chào!
5/5 – (1 bình chọn)
Là một người yêu sách thuộc thế hệ GenZ, Châu Anh xây dựng Blog này với mục đích chia sẻ góc nhìn của bản thân về những tựa sách mà bản thân đã đọc qua. Hy vọng đây là những gợi ý hữu ích giúp bạn tìm được những đầu sách ưng ý nhất.