Từ vựng là gì? Ví dụ về từ vựng
Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, để sử dụng thành thạo mỗi người cần có lượng từ vựng nhất định. Từ vựng là nguyên liệu quan trọng nhất để giao tiếp và truyền đạt thông tin. Được sử dụng hàng ngày và vô cùng quen thuộc nhưng không phải ai cũng đưa ra được định nghĩa từ vựng là gì? một cách chính xác. Bài viết ở dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết về từ vừng.
Từ vựng là gì?
Từ vựng được gọi với nhiều từ khác nhau mang nghĩa tương tự như vốn từ, kho từ vựng. Từ vựng được hiểu là tập hợp các từ và đơn vị tương đương với từ trong ngôn ngữ.
Trong ngôn ngữ, đơn vị tương đương với từ là các cụm từ cố định được gọi là thành ngữ, quán ngữ. Trong tiếng Việt thành ngữ vô cùng đa dạng, có thể kể đến một số thành ngữ sau: ba cọc ba đồng, chó cắn áo rách, mẹ tròn con vuông,… Bên cạnh đó, kho tàng quán ngữ trong ngôn ngữ Việt Nam cũng rất phổ biến chẳng hạn như Khổ một nỗi là, Của đáng tội, Cắn rơm cắn cỏ, Chẳng nước non gì, đùng một cái,…
Phân loại từ vựng
Bên cạnh ngữ âm và ngữ pháp, từ vựng luôn là yếu tố quan trọng của một ngôn ngữ. Trong Tiếng Việt, từ vựng được phân loại dựa trên các tiêu chí khác nhau. Trong phạm vi bài viết từ vựng là gì?, chúng tôi sẽ cung cấp cho quý bạn đọc hai cách phân loại từ vựng phổ biến nhất
Thứ nhất: Dựa vào nguồn gốc của từ
Dựa vào tiêu chí nguồn gốc của từ, từ vựng được chia thành các loại sau:
– Từ thuần Việt
Từ thuần Việt là lớp từ cơ bản, lâu đời và quan trọng nhất của tiếng Việt. Từ thuần Việt là những từ do người Việt sáng tạo ra để biểu thị các sự vật, đặc điểm, hiện tượng,… đồng thời nó cũng là cái cốt lõi, cái gốc của từ vựng Tiếng Việt. Có thể kể tên một số từ thuần Việt như: vợ, chồng, ăn, uống, cười, nói, gà, trứng,…
– Từ mượn:
Từ Hán Việt:
Từ Hán Việt là những từ và ngữ tố tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Hán và những từ được hình thành bằng cách ghép các từ và/hoặc ngữ tố tiếng Việt gốc Hán lại với nhau. Ví dụ các từ như tử tế, kiên nhẫn, công thành danh toại, an phận thủ thường,…
Từ gốc Ấn-Âu
Từ gốc Ấn-Âu bao gồm các từ mượn tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh,…Trong lịch sử, Pháp đã thực hiện chiến tranh xâm lược tại Việt Nam làm cho các từ ngữ gốc Pháp thâm nhập khá nhiều vào Việt Nam, chỉ sau từ Hán Việt. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập và mở rộng các mối quan hệ ngoại giao, một số từ gốc Anh, Nga,… cũng du nhập vào Việt Nam.
Ví dụ:
1/ Một số từ mượn tiếng Pháp như bít tết, xúc xích, may ô, sơ mi, lô cốt, bê tông, vitamin, cao su, ô tô, ghi lê, len, xúp, xốt,…
2/ Một số từ mượn tiếng Anh như in-tơ-net, mít tinh,…
3/ Một số từ mượn tiếng Nga như Bôn sê vích, Xô Viết, Mác – xít,…
Không thể phủ nhận rằng, từ mượn là một bộ phận khá quan trọng trong ngôn ngữ Việt Nam góp phần làm giàu thêm cho tiếng Việt cùng với các từ thuần Việt.
Thứ hai: Dựa vào phạm vi sử dụng
Dựa vào tiêu chí phạm vi sử dụng, từ vựng tiếng Việt chia thành 5 loại, đó là:
– Thuật ngữ:
Là những từ làm tên gọi cho các khái niệm, các đối tượng được xác định một cách chặt chẽ, chuẩn xác trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực khoa học.
Ví dụ:
1/ Trong sinh vật học có các thuật ngữ như họ, loài, giống, bộ, lớp, ngành, đột biến, di truyền, kháng thể, kháng nguyên, miễn dịch, phân bào, đơn bào, đa bào,…
2/ Trong ngôn ngữ học có âm vị, hình vị, từ vị, nguyên âm, phụ âm,..
– Từ ngữ địa phương: là những từ thuộc một tiếng địa phương nào đó và chỉ phổ biến trong phạm vi lãnh thổ địa phương nhất định.
Ví dụ: má (mẹ), điệp (phượng), mè (vừng), mắc cỡ (xấu hổ), mần (làm),…
– Từ nghề nghiệp:
Là lớp từ bao gồm những đơn vị từ ngữ được sử dụng phổ biến trong phạm vi những người cùng làm nghề đó.
Ví dụ:
1/ Trong nghề thợ mỏ người ta thường sử dụng các từ như thìu, lò chợ, lò thương, đi lò,…
2/ Nghề thợ mộc: bào cóc, bào phá, bào xoa, chàng tách, mộng vuông, mộng nanh sấu, mộng mỏ sẻ, xảm, phạt mộc, cất nóc, cầu bẩy, thuận, bức bàn,…
– Tiếng lóng:
Là một bộ phận từ ngữ do những nhóm, những lớp người trong xã hội dùng để gọi tên những sự vật, hiện tượng, hành động,… vốn đã có tên gọi trong vốn từ vựng chung.
Ví dụ:
1/ “Lính phòng không” ý nói người chưa có vợ;
2/ “Phao” là từ chỉ tài liệu sử dụng để gian lận trong thi cử;
– Lớp từ chung:
Là những tư được toàn dân, mọi người, mọi nơi, mọi lúc đều có thể sử dụng rộng rãi. Đây là loại từ có số lượng từ lớn nhất, chẳng hạn các từ sau: bàn, học, dạy, làm, đi, đứng,….
Như vậy, ta thấy từ vựng trong tiếng Việt vô cùng phong phú và đa dạng tùy thuộc nguồn gốc, vùng miền, nghề nghiệp,… Với kho tàng đa dạng đó, từ vựng có ý nghĩa như thế nào trong giao tiếp tiếng Việt, mời theo dõi phần tiếp theo của bài viết Từ vựng là gì? của chúng tôi.
Tầm quan trọng của từ vựng
Từ vựng là chìa khóa quan trọng nhất để một người có thể giao tiếp với những người xung quanh. Khi có một từ vựng phong phú giúp cho con người có thể biểu đạt các ý kiến của bản thân.
Bên cạnh đó, từ vựng còn có ý nghĩa rất lớn đối việc đọc hiểu các văn bản. Đây là mức độ mà con người hiện đại cần đạt được. Bởi trong nhiều trường hợp, các thông tin chỉ được truyền đạt thông qua các văn bản.
Từ vựng còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nên tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề một cách nhạy bén, hiệu quả.
Để có được vốn từ vựng phong phú và đa dạng, con người cần trải qua quá trình học tập, nghiên cứu rèn luyện và trải nghiệm. Chính vì vậy, lượng vốn từ của một người có thể thể hiện được mức độ am hiểu kiến thức và kinh nghiệm trong một ngành, lĩnh vực nhất định.
Qua những nội dung đã phân tích ở trên, bạn đọc đã giải đáp được thắc mắc từ vựng là gì? Với tầm quan trọng như đã nêu ở trên, để giao tiếp thành thạo và vận dụng tốt vào học tập, làm việc trong mọi lĩnh vực, mỗi người cần có ý thức trau dồi và làm giàu hơn vốn từ vựng của bản thân.