Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa – văn nghệ – Luật sư Online

Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Sự nghiệp văn hoá của Người hết sức phong phú và đa dạng thể hiện sự thống nhất, hoà quyện giữa văn hóa với cách mạng, tạo dấu ấn không thể phai mờ trong quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của nhân loại. Vậy Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa – văn nghệ là gì? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu! Let’s go!

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa - văn nghệTư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa - văn nghệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về văn hóa, phản ánh tính chất, chức năng của nền văn hóa mới, mà Người còn có những quan điểm về các lĩnh vực cụ thể của văn hóa như văn hoá giáo dục, văn hoá văn nghệ (văn học, nghệ thuật), văn hóa đời sông (gồm đạo đức, lối sông, nếp sống), văn hóa chính trị, văn hóa đảng, văn hóa quản lý, văn hóa ứng xử… Các lĩnh, vực này đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, có ý nghĩa giáo dục to lớn trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay, góp phần đắc lực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài viết liên quan

1. Khái niệm văn hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong mục đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù (1942-1943), lần đầu tiên Hồ Chí Minh có nêu ra một định nghĩa về văn hoá: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ta ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Cùng với định nghĩa về văn hóa, Hồ Chí Minh đã đưa ra 05 điểm lớn định hướng cho việc xây dựng một nền văn hóa cùa dân tộc:

  • Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường
  • Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng
  • Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội
  • Xây dựng chính trị: dân quyền
  • Xây dựng kinh tế

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về các vấn đề chung của văn hóa

2.1. Quan niệm về vị trí, vai trò của vàn hoá trong đới sống xã hội

Văn hoá là bộ phận của kiến trúc thượng tầng, là đời sống tinh thần của xã hội. Chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hoá mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hoá phát triển. Văn hoá là một kiến trúc thượng tầng nhưng không thể đứng ngoài, mà nó phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn hoá phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy “kinh tế có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được”, nhưng văn hoá phát triển không thụ động, văn hóa có tính tích cực chủ động, nó đóng vai trò to lớn thúc đẩy kinh tế và chính trị phát triển như một động lực. “Văn hoá ở trong chính trị” tức là văn hóa phải tham gia nhiệm vụ chính trị, tham gia cách mạng, kháng chiến và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. “Văn hóa ở trong kinh tế tức là văn hóa phải phục vụ, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế “Văn hóa ở trong kinh tế và chính trị” cũng có nghĩa là chính trị và kinh tế phải có tính văn hóa. Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triền lãm hội họa 1951”, 1951, Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa văn nghệTư tưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa văn nghệ

2.2. Quan điểm về chức năng của văn hoá

2.2.1. Bồi dưỡng tư tưởng đạo đức đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho con người

Người thường xuyên quan tâm đến bồi dưỡng lý tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đó là chức năng cao quý của văn hóa. Hồ Chí Minh nói phải làm cho văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đi sâu vào tâm lý quốc dân, để xây dựng tình cảm lớn cho con người. Trong Bài nói tại buổi khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, đăng báo Cứu quốc, số ra ngày 25/11/1946, Hồ Chí Minh viết: “Cần làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lấy tự do, độc lập làm gốc – văn hóa phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”.

2.2.2. Nâng cao dân trí

 Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền tợì của mình… phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Khi miền Bắc quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Người nói “chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống vui tươi, hạnh phúc”.

2.2.3. Bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp

Người căn dặn phải Bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới “chân-thiện-mỹ” để không ngừng hoàn thiện bản thân mình.

2.3. Quan điểm về tính chất của nền văn hoá

Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Hồ Chí Minh cho rằng nền văn hoá phải có ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cho rằng nền văn hoá phải có hai tính chất: tính xã hội chủ nghĩa về nội dung và tính dân tộc về hình thức.

3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa – văn nghệ

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã khai sinh ra một nền văn học, nghệ thuật cách mạng, và bản thân Người là chiến sĩ tiên phong về tư tưởng và phong cách sáng tác văn nghệ. Người là bậc thầy về văn chính luận, lý luận văn nghệ, truyện ký, thơ ca.. Gần một thế ký đã trôi qua kể từ những bài viết đầu tiên của Hồ Chí Minh, những người cầm bút hôm nay vẫn luôn coi những quan điểm của Người về văn nghệ như những hòn ngọc lung linh tỏa sáng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ gồm những nội dung cơ bản sau:

3.1. Văn nghệ là một mặt trận, anh em văn nghệ là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Trên cơ sở triết lý dùng văn hóa đánh giặc của dân tộc, tư tưởng này của Hồ Chí Minh được hình thành sớm, tiếp tục phát triển qua các giai đoạn cách mạng. Hồ Chí Minh bắt đầu tham gia vào mặt trận văn nghệ từ bài viết đầu tiên “Tâm địa thực dân” năm 1919. Người dùng ngòi bút của mình nhự một vũ khí sắc bén trong việc tố cáo, vạch trần tội ác thực dân trong các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, đồng thời thức tỉnh, định hướng, động viên; cổ vũ tinh thần đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Thông qua nhiều bài viết, Người đã “giải độc” cho người Đông Dương bằng luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng. Văn nghệ đã thực sự trở thành sợi dây bền chặt liên kết các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

Đảng ra đời, cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng đời sống mới. Tiến trình phát triển đó của cách mạng không thể tách rời những tác phẩm văn nghệ đặc sắc của Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp chính trị, một điều rõ nét là văn nghệ phải tham gia cách mạng. Phải “kháng chiến hoá văn hóa, văn hoá hóa kháng chiến”. Người cho rằng Văn nghệ là mặt trận “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Văn nghệ sĩ là chỉến sĩ “cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự tổ quốc, phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững vàng, tư tưởng đúng… đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết”. Họ phải nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, nghiệp vụ, đặc biệt phải có phẩm chất, bản lĩnh, tài năng để sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Theo Hồ Chí Minh “văn nghệ cần phải dũng cảm phê bình rất nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, nhũng lạm, lãng phí, lười biếng, quan liêu… Mặt trận văn nghệ không phải chỉ có “chống” mà còn phải “xây”, mà xây là chính và lâu dài. Phải ca tụng chân thật những người tốt, việc tốt để tìm gương nẫu cho chúng ta ngày nay và giáo dục con cháu ta đời sau. Xây và chống đểu là những cuộc chiến đấu khổng lồ. Vì vậy “trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

3.2. Văn nghệ phải gắn với thực của đời sống nhân dân

Điều cần thiết trước hết là văn nghệ phải gắn với thực tiễn của đời sông nhân dân, phải trở về với sinh hoạt thực tại của con người, không thể tuỳ ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được. Chỉ có như vậy mới tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật. Thực tiễn là cuộc chiến đấu một mất một còn vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng con người mới, đời sống mới. Văn nghệ phải phản ánh thực tiễn ấy, phải miêu tả cho hay, cho thật, cho hùng hồn.

Khi đến thăm phòng triển lãm văn hoá (10-1945), người ân cần trao đổi với các hoạ sĩ: “Thật là một thế giới thần tiên. Nhưng tôi nhớ mường tượng như Lỗ Tấn, nhà đại văn hào của cách mạng Trung Hoa đã nói một câu đại ý như thế này: Người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng thấy chán, thấy nhạt nhẽo và mới biết rằng muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật thì phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người”. Thực tại đem lại nguồn sinh khí vô tận cho văn nghệ. Chiến sĩ văn nghệ phải thật hoà mình với quần chúng và không được quên rằng “…chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tạo của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó – thì nhân dân cũng sẽ quên anh ta”. Thực tiễn không chỉ là nguồn nuôi dưỡng những sáng tác, mà còn là những tinh hoa trong sáng tác dân gian đã được chắt lọc từ “thế hệ này qua thế hệ khác. Nhân dân cũng sáng tác văn hoá văn nghệ và hưởng thụ văn nghệ, chúng ta thường gọi là sáng tác dân gian. Những sáng tác ấy là “những hồn ngọc quý”.

Hơn nữa, khi cầm bút, văn nghệ sĩ phải nhận thức quần chúng là đối tượng phản ánh. Vì vậy muốn phục vụ tốt quần chúng, văn nghệ phải đặt ra các câu hỏi: Viết cho ai? (đối tượng?). Viết làm gì? (Mục đích?). Lấy tài liệu đâu mà viết? Viết như thế nào? Mỗi một đối tượng phải có cách viết, cách nói khác nhau. Nhưng nói chung, viết phải thiết thực, tránh cái lối viết rau muống, viết dài (và cả ngắn) tha rỗng tuếch và ham dùng chữ. Nói cũng vậy: nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn, thì quần chúng thích hơn.

Như vậy, văn nghệ muốn phục vụ quần chúng nhân dân thì phải có chất liệu của cuộc sống. Muốn thế, văn nghệ sĩ phải “liên hệ và đi sâu vào đời sống cùa nhân dân”, phải “từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” để hiểu thấu dân tình, dân tâm, dân ý. Điều quan trọng là phải học cách nói của quần chúng. Hồ Chí Minh căn dặn: Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Vì vậy, phải dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu để cho ai cũng hiểu được. Trước khi nói và viết phải nghĩ cho chín.

Một khía cạnh khác là văn nghệ sĩ phải hiểu thấu quần chúng nhân dân. Họ là những ngườỉ không chỉ sáng tạo ra của vật chất mà còn là những người sáng tác rất hay nữa. Những sáng tác dân gian như tục ngữ, vè, ca dao… của quần chúng là những hòn ngọc quý. Nhân dân là những người đánh giá văn nghệ một cách khách quan, trung thực và chính xác. Đặc biệt, nhân dân phải được hưởng thụ các sản phẩm văn nghệ.

3.3. Phải có những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với dân tộc và thời đại.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Văn nghệ phải có những tác phẩm xứng đáng với dân tộc ta – một dân tộc anh hùng, với thời đại ta – một thời đại vẻ vang… Văn nghệ không phải chỉ miêu tả hay, chân thực sự nghiệp cách mạng của nhân dân ngày hôm nay, mà còn có tác dụng lưu truyền cho con cháu đời sau. Đó là những tác phẩm phải có tính nghệ thuật cao, cả về nội dung và hình thức. Nội dung thì phải chân thực và phong phú. Hình thức thì phải trong sáng và vui tươi. Một tác phẩm hay thì không nhất thiết dài, mà điều quan trọng là “tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm”.

Phải phán ánh cho hay, cho chân thật sự nghiệp cách mạng của nhân dân là yêu cầu cơ bản của văn hóa văn nghệ. Người nói: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích”. Vì thế, Người nêu rõ: “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người thấy nhiều loại hoa đẹp”. Như vậy văn nghệ phản ánh chân thực những gì đã có trong đời sống của nhân dân, mà còn hướng dẫn nhân dân loại bỏ cái giả, cái sai, cái không đúng, để vươn tới cái lý tưởng – đó chính là sự phản ánh có tính hướng đích của văn nghệ. Chính điều đó mở đường cho sự sáng tạo không giới hạn của văn nghệ sĩ./.

Chia sẻ bài viết: