Từ tốt tới vĩ đại (Good to Great)

“Làm thế nào một tổ chức trở nên vĩ đại?”. Đây là điều ai cũng muốn tìm hiểu, khám phá. Jim Collins – nhà nghiên cứu, diễn giả và nhà tư vấn chuyên về lĩnh vực quản lý kinh doanh người Mỹ – đã tổng kết những điều cốt yếu nhất mà ông và nhóm cộng sự thu được sau một nghiên cứu kéo dài 05 năm. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu lịch sử hoạt của 1.435 công ty “tốt”, từ đó sàng lọc ra 11 công ty đã vượt vũ môn trở thành “vĩ đại”, đúc rút thành Cuốn sách “Từ tốt tới vĩ đại” (Good to Great). 

I- CON NGƯỜI KỶ LUẬT:

1- Nhà lãnh đạo cấp độ 5: 

Mọi công ty nhảy vọt đều có khả năng Lãnh đạo cấp độ 5 trong những năm chuyển đổi quan trọng. Lãnh đạo cấp độ 5 muốn nói đến một hình tháp năm (05) cấp bậc thể hiện năng lực điều hành, trong đó Lãnh đạo cấp độ 5 là cao nhất. Những Nhà lãnh đạo cấp độ 5 là sự kết hợp đầy nghịch lý giữa sự khiêm tốn cá nhân và nghị lực làm việc. Nhà lãnh đạo cấp độ 5 là những người tham vọng. Tất nhiên là, tham vọng đó trước hết vì công ty, mà không phải vì cá nhân họ. 

Nhà lãnh đạo cấp độ 5 tạo điều kiện cho người kế nhiệm đạt được những thành công lớn hơn trong thế hệ kế tiếp. Trong khi đó, những Nhà lãnh đạo cấp độ 4 chú trọng cái tôi, chỉ tạo điều kiện thất bại cho người kế nhiệm. 

Nhà lãnh đạo cấp độ 5 thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường và dè dặt. Ngược lại, hai phần ba công ty đối trọng có những nhà lãnh đạo có cái tôi cực lớn đã góp phần vào sự tan vỡ hay tiếp tục ở mức tầm thường của công ty. 

Nhà lãnh đạo Cấp độ 5 bị thôi thúc bởi một khát vọng cháy bỏng phải mang lại kết quả bền vững. Họ quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết để xây nên một công ty vĩ đại, cho dù quyết định đưa ra có khó khăn hay to lớn đến mức nào. Nhà lãnh đạo cấp độ 5 thể hiện một sự cần cù. Jim Collins ví như hình ảnh một chú ngựa cày thay vì ngựa biểu diễn.

Tấm gương và cái cửa sổ: Nhà lãnh đạo cấp độ 5 nhìn ra cửa sổ và cho rằng sự thành công là do các yếu tố không thuộc bản thân họ. Nhưng khi mọi việc không được như ý, họ lại nhìn vào gương và tự trách mình, nhận lãnh mọi trách nhiệm. Những nhà lãnh đạo của các công ty đối trọng thường làm ngược lại: họ nhìn vào gương để ghi nhận công lao của mình đóng góp vào sự thành công, nhưng lại nhìn ra cửa sổ khi cần đổ lỗi cho những kết quả không như ý.

2- Con người đi trước, công việc theo sau: 

Những công ty vĩ đại đưa vấn đề con người đi trước vấn đề công việc, trước tầm nhìn, trước chiến lược, chiến thuật, trước tổ chức công ty, trước công nghệ. Đối với họ, con người không phải là tài sản quan trọng nhất. Con người phù hợp mới chính là tài sản quan trọng nhất. 

Việc đầu tiên những nhà lãnh đạo khởi xướng quá trình chuyển đổi từ tốt đến vĩ đại làm không phải là định hướng xem sẽ lái chuyến xe buýt đi đâu rồi kêu gọi mọi người lên xe. Đầu tiên, nhà lãnh đạo phải tìm cho đúng người để mời lên xe, đồng thời mời những người không phù hợp xuống xe, rồi mới nghĩ xem sẽ lái chiếc xe về đâu. Jim Collins cho rằng, có ba lý do cho việc này:

Lý do thứ nhất: nếu bạn bắt đầu với “ai”, rồi mới tới “cái gì”, bạn sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường thay đổi. Jim Collins đặt câu hỏi: nếu người ta tham gia vào chuyến xe chỉ vì chuyện nó đang đi đến đâu, thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đi được vài cây số và bạn lại muốn đổi hướng? Lúc đó, chính bạn sẽ gặp rắc rối ngay. Thế nhưng, nếu người ta lên xe vì quan tâm đến những người cũng có mặt trên đó, thì sẽ dễ dàng đổi hướng. 

Lý do thứ hai: nếu bạn chọn đúng người trên xe, sẽ không có việc phải thúc đẩy hay quản lý con người. Một người phù hợp không cần được quản lý hay thúc đẩy, họ sẽ tự cảm thấy thôi thúc bởi một động lực bên trong. 

Lý do thứ ba: tầm nhìn vĩ đại mà không có con người vĩ đại thì vô nghĩa. Những công ty vĩ đại luôn tuyển đúng người, và có khả năng giữ những người thích hợp. Việc tuyển người của các công ty vĩ đại khắc nghiệt mà không tàn nhẫn. Họ không xem việc cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc công ty như là chiến lược đầu tiên để cải thiện hiệu suất. 

Theo Jim Collins, có ba nguyên tắc khi tuyển người và sử dụng người trong những công ty vĩ đại:

Nguyên tắc thứ nhất: khi còn do dự, đừng tuyển vội và tiếp tục tìm kiếm. Các công ty vĩ đại không theo đuổi mô hình quản trị ”thử nhiều người, chọn một người”. Thay vào đó, họ áp dụng phong cách sau: “Hãy dành thời gian khắc nghiệt tuyển những người A+ ngay từ đầu”. 

Nguyên tắc thứ hai: giao cho người giỏi nhất có cơ hội tốt nhất, mà không phải vấn đề lớn nhất. 

Nguyên tắc thứ ba: khi biết phải thay đổi nhân sự, hãy hành động ngay. Do dự để người không phù hợp vẫn làm việc là không công bằng với những người phù hợp. Tệ hơn là điều này có thể đẩy những người phù hợp ra đi. Hai câu hỏi sau sẽ giúp bạn. Một là, nếu đây là quyết định tuyển người, mà không phải là ‘liệu người này có phải ra đi không?’, liệu rằng bạn có tuyển người này không? Hai là, nếu người này đến gặp bạn để nói rằng họ muốn ra đi để theo đuổi một cơ hội mới tốt hơn, liệu bạn cảm thấy rất thất vọng hay trong lòng lấy làm mừng rỡ. 

Những công ty vĩ đại bao gồm những Nhà lãnh đạo cấp độ 5 và cộng sự, mà không phải những thiên tài và vạn người giúp việc như ở các công ty đối trọng. 

Những công ty vĩ đại đặt trọng tâm lên các tính cách cá nhân nhiều hơn trình độ học vấn, kỹ năng thực dụng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc. Một thực tế, một trong những yếu tố quan trọng để đưa công ty từ tốt đến vĩ đại có vẻ rất nghịch lý. Bạn cần những nhà điều hành, một mặt, phải biết tranh luận và đấu tranh, nhiều khi đến mức bạo lực, để tìm ra câu trả lời tốt nhất, nhưng mặt khác, phải chấp nhận đoàn kết vì một quyết định chung, bất kể mối quan tâm riêng.

II- SUY NGHĨ KỶ LUẬT: 

1- Đối mặt với sự thật phũ phàng:

Tất cả những công ty nhảy vọt đều bắt đầu quá trình đi tìm con đường đến vĩ đại bằng cách đối diện với sự thật phũ phàng của hiện tại. Vì không thể nào đưa ra những quyết định đúng mà không nghiên cứu toàn bộ quá trình với một sự đối mặt trung thực với thực tại. 

Một nhiệm vụ chính trong việc đưa công ty từ tốt đến vĩ đại là tạo một văn hóa trong đó mọi người có nhiều cơ hội được lắng nghe, và đỉnh cao là sự thật được lắng nghe. Nó bao gồm bốn (04) hành động cơ bản: 

Một là, lãnh đạo bằng câu hỏi, không phải bằng câu trả lời. 

Hai là, tham gia vào các cuộc đối thoại và tranh luận, đừng ép buộc. 

Ba là, thực hiện các cuộc phân tích, không đổ lỗi. 

Bốn là, thiết lập chế độ cờ đỏ để đưa thông tin lên thành thông tin không thể bỏ qua. 

Những công ty nhảy vọt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như những công ty đối trọng, nhưng họ phản ứng lại rất khác nhau. Họ đối mặt trực diện với tình hình. Kết quả là họ trở nên mạnh mẽ hơn sau đó. 

Một khái niệm tâm  lý quan trọng của công ty vĩ đại là Nghịch lý Stockdale: Giữ vững niềm tin rằng cuối cùng bạn sẽ chiến thắng, đồng thời đối diện sự thật phũ phàng của hiện tại.

2- Khái niệm con nhím: 

Jim Collins nêu ra Thuyết con nhím, bằng các phân tích sự khác nhau giữa loài cáo và loài nhím. Cáo là loài biết rất nhiều, rất khôn ngoan. Trong khi đó, nhím là loài chỉ biết mỗi một thứ duy nhất, nhưng có sự hiểu biết rất sâu sắc. Nhím luôn có khả năng nhìn thấu những vấn đề phức tạp qua những cái nhìn rất đơn giản. 

Để đi từ tốt lên vĩ đại đòi hỏi phải có sự thấu hiểu sâu sắc ba (03) vòng tròn giao nhau, được diễn dịch thành một khái niệm rõ ràng và đơn giản: Khái niệm con nhím (Hedgehog Concept): 

Vấn đề quan trọng nhất, đó là cần thấu hiểu tổ chức của bạn có thể trở thành giỏi nhất trong lĩnh vực gì. Tiếp theo, tổ chức của bạn không thể giỏi nhất trong lĩnh vực gì, mà không phải là bạn “muốn” giỏi nhất trong lĩnh vực gì. Khái niệm con nhím không phải là một mục tiêu, một chiến lược, một dự định, đó là phải là một sự thấu hiểu. 

Việc thấu hiểu vấn đề “giỏi nhất thế giới” là một tiêu chuẩn khắt khe hơn thế mạnh. Bạn có thể có thế mạnh nhưng không có nghĩa là bạn sẽ giỏi nhất thế giới trong lợi thế đó. Ngược lại, có nhiều hoạt động bạn có thể trở thành giỏi nhất trên thế giới, nhưng những điều ấy hiện tại bạn đang không làm. 

Để hiểu rõ động lực thúc đẩy cỗ máy kinh tế của bạn, hãy tìm một mẫu số chung (lợi nhuận trên mỗi x) có ảnh hưởng lớn nhất.
Các công ty nhảy vọt đề ra mục tiêu và chiến lược dựa trên sự thấu hiểu; các công ty đối trọng đề ra mục tiêu và chiến lược dựa trên sự can đảm giả tạo. Đi đến khái niệm con nhím là một quá trình lặp đi lặp lại, không phải là một sự kiện duy nhất.

III- HÀNH ĐỘNG KỶ LUẬT: 

1- Văn hóa kỷ luật:

Bảy vấn đề cơ bản của văn hóa kỷ luật, đó là:

Thứ nhất, [Tổ chức vĩ đại] = [Văn hóa kỷ luật] + [Tinh thần dám nghĩ dám làm cao].

Thứ hai, văn hóa kỷ luật thì khi chúng ta đề ra mục tiêu, phải thực hiện cho bằng được.

Thứ ba, công ty vĩ đại xây dựng sự tự do và trách nhiệm trong khuôn khổ. Văn hóa kỷ luật phải bắt đầu từ những con người kỷ luật, các công ty vĩ đại tuyển dụng những con người có kỷ luật. Những con người này không cần phải được quản lý, và sau đó họ quản lý hệ thống, mà không quản lý con người. Các công ty đối trọng cố gắng nhảy ngay vào hành động kỷ luật.

Thứ tư, các công ty vĩ đại đưa chuẩn mực lên một tầm cao mới. Họ xây dựng một văn hóa kỷ luật bền vững dựa trên ba vòng tròn. Trong khi các công ty ngắn ngày với Nhà lãnh đạo cấp độ 4 áp dụng kỷ luật lên công ty bằng quyền lực và chế độ độc tài của mình. Kết quả là, những công ty ngắn ngày có một sự vượt trội đáng kinh ngạc dưới quyền một người có kỷ luật thép, sau đó cũng là một sự tụt dốc cũng không kém phần kinh ngạc khi nhà độc tài ra đi mà không để lại văn hóa kỷ luật thật sự. 

Thứ năm, các công ty nhảy vọt đều thực hiện tốt câu thần chú đơn giản: “Bất kỳ điều gì không phù hợp với Khái niệm con nhím, chúng ta sẽ không làm. Chúng ta sẽ không tham gia vào các hoạt động kinh doanh không phù hợp. Chúng ta sẽ không mua lại những công ty không phù hợp. Chúng ta không tham gia vào các liên doanh không phù hợp. Nếu nó không phù hợp, chúng ta sẽ không làm. Chấm hết”. 

Thứ sáu, một công ty dễ chết vì phải tiêu hóa quá nhiều cơ hội hơn là chết vì đói cơ hội. Thử thách không còn là việc tạo ra cơ hội, mà là việc chọn lọc cơ hội. Một việc dù là “cơ hội ngàn năm có một lần” cũng không có ý nghĩa gì nếu nó không phù hợp với ba vòng tròn. 

Thứ bảy, tất cả những công ty vĩ đại đều thể hiện sự can đảm đáng nể chuyển hướng các nguồn lực vào một hay chỉ vài lĩnh vực. Một khi hiểu rõ ba vòng tròn, ít khi họ bắt cá hai tay.

2- Bàn đạp công nghệ:

Khái niệm con nhím sẽ quyết định về việc áp dụng công nghệ, mà không phải ngược lại. Đối với công ty nhảy vọt, công nghệ là chất xúc tác, mà không phải là nguyên nhân của đà đi tới. Những công ty vĩ đại chỉ có 20% sự thành công là do công nghệ, và 80% là do văn hóa công ty. Các công ty nhảy vọt đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới một cách chọn lọc.
Các công ty vĩ đại thường xuyên đặt câu hỏi: “Liệu công nghệ này có phù hợp với khái niệm con nhím của tôi không?”. Nếu có, họ phải là nhà tiên phong trong công nghệ đó. Nếu không, họ sẽ tự hỏi tiếp “Vậy có cần thiết phải có công nghệ này không?”. Nếu có, họ chỉ cần áp dụng để theo kịp đối thủ, mà không cần là nhà tiên phòng. Nếu không, họ bỏ qua công nghệ này. 

Những công ty vĩ đại không lo tụt hậu về công nghệ. Họ giữ được quan điểm cân bằng về công nghệ. Họ bình thản và không vồn vã chạy theo những thay đổi. Động lực của họ là sự sáng tạo và sự vươn lên xuất sắc. Ngược lại, những công ty tầm thường lo lắng trước những thay đổi công nghệ như những chú gà con sợ trời sập. Động lực của họ là sự lo sợ bị tụt hậu.

IV- BÁNH ĐÀ VÀ VÒNG LUẨN QUẨN:

Đối với các công ty nhảy vọt, việc chuyển đổi là một quá trình tích lũy ngày qua ngày, không phải là một cú hích duy nhất. Không có một thời khắc kỳ diệu nào cả, họ cứ chăm chỉ đẩy chiếc bánh đà, và rồi họ đạt đến thời điểm nhảy vọt. Họ hiểu rằng sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến sư thay đổi về chất. 

Những Nhà lãnh đạo cấp độ 5 của công ty nhảy vọt không cố gắng tạo tinh thần và truyền động lực cho nhân viên. Thay vào đó, họ đưa ra những bằng chứng cho nhân viên thấy những gì mình đang làm là hợp lý và sẽ đem lại kết quả. 

Các công ty nhảy vọt thường không công khai tuyên bố các mục tiêu lớn ngay từ đầu. Thay vào đó, họ bắt đầu đẩy chiếc bánh đà, từng vòng, từng vòng một. Khi chiếc bánh đà đã có đà và mọi người cảm nhận được điều ấy, họ sẽ cùng tham gia ghé vai đẩy chiếc bánh đà đi tiếp. 

Nhà lãnh đạo cấp độ 5 không quan tâm đến những chương trình lòe loẹt, tạo cho người ta cảm giác đang “lãnh đạo”. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc đẩy bánh đà để tạo “kết quả”. Họ không dành thời gian để “động viên nhân viên”, “tạo sự hòa hợp”, “quản  trị thay đổi”. Dưới những điều kiện phù hợp, những điều này tự nó được giải quyết. 

Các công ty đối trọng tuân theo một mô hình khác: vòng lẩn quẩn. Họ thường đẩy bánh đà theo hướng này, rồi dừng lại, chuyển sang hướng khác, rồi lại dừng lại, rồi lại chuyển sang hướng khác nữa. Thay vì tích lũy sức đà – theo từng vòng quay của chiếc bánh đà – họ cố gắng bỏ qua quá trình xây dựng nền tảng và tiến ngay đến bước nhảy vọt. 

Các công ty đối trọng thường cố gắng tạo bước nhảy vọt bằng cách thực hiện những vụ mua lại, sáp nhập với công ty khác một cách thiếu định hướng. Ngược lại, các công ty nhảy vọt chủ yếu dùng các vụ mua lại công ty sau khi đã đạt bước nhảy vọt, để tăng tốc cho một chiếc bánh đà vốn đã quay nhanh.
 
V- BÀI HỌC TỪ TỐT ĐẾN VĨ ĐẠI: 

Tổng kết lại, Jim Collins đã chỉ ra thực tế rằng, không có gì là “thần kỳ” trong cuộc bứt phá “Từ tốt tới vĩ đại” (Good to Great) đã được một số doanh nghiệp thực hiện thành công.  

Từ trên xuống, doanh nghiệp đó phải là một nhà quản trị biết đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết, biết lựa chọn những con người thích hợp cho doanh nghiệp để toàn bộ doanh nghiệp trở thành một khối thống nhất.  

Từ dưới lên, doanh nghiệp đó phải được cấu thành từ những con người cùng chia sẻ giá trị cốt lõi chung, những người không cần phải bị kiểm soát, thúc giục mà luôn tự tìm thấy động lực để nỗ lực hơn nữa, trở nên tốt hơn, xuất sắc hơn nữa.

Con đường thành công “Từ tốt tới vĩ đại” (Good to Great) cũng không có chỗ cho sự nóng vội, cực đoan hay trông chờ thái quá vào một cá nhân xuất chúng, một “cú hích” thần kỳ, một “khoảnh khắc định mệnh” nào đó. Số liệu thực tế đã nói với Jim Collins và nhóm nghiên cứu của ông điều ngược lại. Muốn bứt khỏi sự tầm thường để vươn lên tầm cỡ phi thường, hãy làm những điều nhỏ nhặt nhất với cùng sự cẩn trọng, chỉn chu như thể đó là điều quan trọng nhất. 

Con đường tới vĩ đại là con đường của sự tích lũy kiên trì, bền bỉ, không ngã lòng trước bất cứ thử thách nào, không lẩn tránh đối diện với bất cứ thực tế nghiệt ngã nào, không bị điều gì khiến bạn chệch hướng khỏi giá trị cốt lõi của mình. Hãy là một con nhím đích thực. Khi đó, không con cáo ma mãnh nào có thể đánh bại được bạn.

VI- NHỮNG CÂU NÓI TRUYỀN CẢM HỨNG CỦA JIM COLLINS:

1- ”Cuộc sống được tạo ra để bạn nhận những gì bạn xứng đáng, mà không phải những gì bạn muốn”.

2- ”Nếu muốn, bạn sẽ tìm cách. Nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do”.

3- “Nếu bạn làm việc chăm chỉ vì công việc của bạn, bạn sẽ chỉ đủ tiền để sống. Nhưng nếu bạn làm việc chăm chỉ cho chính bản thân bạn, bạn sẽ có một gia tài”.

4- “Chúng ta không nhận được gì từ thời gian. Chúng ta nhận được những gì mà chúng ta đã làm trong thời gian đó″.

5- “Động lực là thứ giúp bạn bắt đầu. Thói quen là thứ giữ cho bạn đi tới”.

6- “Những bức tường mà bạn dựng lên xung quanh mình có thể giúp bạn tránh được sự đau khổ, nhưng chúng cũng ngăn bạn có những niềm vui”. 

7- “Kỷ luật là nền tảng mà tất cả thành công được xây dựng. Thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ dẫn đến sự thất bại”.

8- “Nếu bạn không thiết kế kế hoạch cuộc sống của riêng bạn, rất có thể là bạn sẽ rơi vào kế hoạch của người khác”.

9- “Cuộc sống của bạn có đi lên hay không, tất cả nằm ở những Cuốn sách bạn đọc và những Người bạn gặp”.

10- “Hãy coi quá khứ là trường học và bước tới tương lai với sự háo hức”.

11- “Thảm họa kinh tế bắt đầu với một triết lý làm ít hơn và muốn nhiều hơn nữa”.

12- “Để thành công trong kinh doanh, đơn giản là chỉ cần nói với thật nhiều người hàng ngày. Và điều phấn khởi nhất là có rất nhiều người để bạn nói”.

13- “Nếu bạn thay đổi, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi cho phù hợp với bạn. Đừng chờ đợi mọi thứ sẽ thay đổi cho bạn vì nó sẽ không thay đổi. Thay đổi chính bản thân mình… và mọi thứ sẽ thay đổi theo bạn”.

14- “Đừng chỉ đọc những thứ dễ dàng. Bạn có thể được giải trí, nhưng bạn sẽ không bao giờ phát triển”.

15- ”Lời nói của bạn tạo ra giấc mơ để ai đó có thể hiểu được nó, để ai đó có thể nhìn thấy nó, để ai đó có thể hành động. Đó chính là vai trò của bạn.”

16- “Đây là lý do tại sao rất nhiều người không thành công. Họ chỉ chú tâm vào những việc vụn vặt. Họ dành quá nhiều thời gian vào những việc không mang lại hiệu quả”. 

17- ”Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta học, bởi những gì chúng ta biết và bởi những quyết định của chúng ta”.

18- “Tất cả chúng ta phải chịu một trong hai điều: nỗi đau của kỷ luật hoặc nỗi đau của sự hối tiếc hoặc thất vọng.

19- “Thời gian giá trị hơn tiền bạc. Bạn có thể nhận được nhiều tiền hơn, nhưng bạn không thể có được nhiều thời gian hơn”.

20- “Giá trị lớn trong cuộc sống không phải là những gì bạn nhận được. Giá trị lớn trong cuộc sống là những gì bạn trở thành”.

21- “Để giải quyết bất kỳ vấn đề, đây là ba câu hỏi để tự hỏi mình: Thứ nhất, những gì tôi có thể làm gì. Thứ hai, những gì tôi có thể đọc. Thứ ba, tôi có thể hỏi ai”.

22- “Bạn phải chịu trách nhiệm cá nhân. Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, các mùa hoặc gió, nhưng bạn có thể thay đổi chính mình”.

23- “Để hấp dẫn những mẫu người hấp dẫn, bạn phải là một người hấp dẫn. Để hấp dẫn những người có sức mạnh, bạn phải là một người có sức mạnh. Để hấp dẫn những người trung thành, bạn phải là một người trung thành. Thay vì tìm kiếm những người như thế, hãy thay đổi chính bản thân mình và rồi bạn sẽ hấp dẫn họ”.

24- “Đừng ước rằng mọi chuyện sẽ dể dàng hơn. Hãy ước bạn tài giỏi hơn. Đừng ước rằng bạn sẽ có ít rắc rối trong cuộc sống. Hãy ước bạn có nhiều kỹ năng hơn. Đừng ước cuộc sống của bạn có ít thử thách. Hãy ước bạn khôn ngoan hơn.”

25- “Kỷ luật là cầu nối giữa các mục tiêu và hoàn thành”. 

26- “Lợi nhuận thì tốt hơn tiền lương, vì tiền lương giúp bạn trang trải cuộc sống bình thường, còn lợi nhuận sẽ tạo ra cho bạn sự giàu có”. 

27- “Một mục tiêu tốt đẹp của lãnh đạo là để giúp những người đang làm kém làm tốt và giúp đỡ những người đang làm tốt để làm tốt hơn”.

28- “Giáo dục chính thức sẽ làm cho bạn một cuộc sống. Tự giáo dục sẽ làm cho bạn một tài sản”.

29- “Học tập là sự khởi đầu của sự giàu có. Học tập là sự khởi đầu của sức khỏe. Học tập là sự khởi đầu của tâm linh. Tìm kiếm và học hỏi là nơi mà quá trình tất cả điều kỳ diệu bắt đầu.

30- “Hạnh phúc không phải là một cái gì đó bạn trì hoãn cho tương lai. Nó là cái gì bạn thiết kế cho hiện tại”.

Luật sư Phạm Ngọc Minh – Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp