Tự thú của một lữ khách

“Đi khi ta còn trẻ” là tác phẩm mới nhất của cây viết Trương Anh Ngọc, truyền tải những thông điệp tân tiến và tích cực của một người lữ hành.

“Những ai đang sống sẽ nhìn thấy nhiều điều, những ai đi xa còn nhìn thấy nhiều hơn thế nữa…”, Trương Anh Ngọc viết trong Đi khi ta còn trẻ. Đây là tác phẩm thứ năm ông cho xuất bản.

Được viết nên trong hơn 10 năm khám phá khắp thế giới, Đi khi ta còn trẻ mang đến những triết lý mới, mang vóc dáng tổng hòa của một người giàu trải nghiệm.

Triết học của việc đi

– Những cuốn trước của ông thường tập trung vào một chuyến đi cụ thể như Italy và Pháp. Tác phẩm này của ông viết về địa điểm nào?

– Cuốn này tôi viết về việc đi nói chung thôi. Cuốn sách không nói về một địa điểm cụ thể nào cả, mà nói về triết học của việc đi và tập trung trả lời những câu hỏi: “Nhà của ta là ở đâu? Quê hương của ta ở đâu? Ta lấy tiền đâu để mà đi? Tại sao phải đi khi còn trẻ? Tại sao đến già vẫn phải đi”.

Đó là phần 1, còn phần 2 tôi viết về chuyến đi của một ông bố với con gái. Trong chuyến đi ấy, ông bố nhận ra được rất nhiều điều về giáo dục, về sự tử tế, về tính nhân văn.

Phần 3 tôi viết về chuyến đi trong đời, bàn về sự tử tế, niềm vui sống và cả cái chết. Tóm lại, cuốn sách nói về khái niệm rộng của từ “đi”, không chỉ gói gọn ở những chuyến đi chơi, đi du lịch… mà còn là những hành trình về mặt tư tưởng, hành trình sống trong cuộc đời.

sach du ky anh 1

Sách Đi khi ta còn trẻ. Ảnh: N.N.

– “Tiền đâu mà đi” cũng là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra. Trong cuốn sách này, ông giải đáp câu hỏi đó thế nào?

– Đây là câu hỏi mà các bạn trẻ Việt Nam đặt ra rất nhiều, trong khi các bạn trẻ nước ngoài tôi gặp thì không vậy. Các bạn trẻ nước ngoài biết chắc chắn họ cần làm gì để có tiền mà đi. Nhưng họ có suy nghĩ, ý tưởng, khát khao, hoài bão được đi kể từ khi còn trẻ. Cho nên tiền không phải điều quan trọng nhất đối với họ mà quan trọng là họ đi đâu và làm gì trên những hành trình ấy.

Nhiều người trẻ nước ngoài 19-20 tuổi chậm một năm học đại học để đi chu du thế giới một mình, để tích lũy kỹ năng, để được trải nghiệm và nhìn thế giới bằng mắt mình. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam ít được dạy về mặt tự lập, ít được dạy rằng họ cần độc lập về mặt suy nghĩ nên họ luôn nhìn người nước ngoài và băn khoăn: “Sao họ giàu thế? Sao họ kiếm tiền đi được nhiều thế?”. Điều cơ bản là phải có ước mơ, hoài bão muốn được tìm hiểu thế giới, từ đó, người ta mới có ý chí để lên đường.

Tiền chỉ là một công cụ của hành trình, để hiện thực hóa ước mơ. Còn để đi được, người ta cũng phải có kỹ năng đi như đặt khách sạn, đặt vé máy bay, khả năng xử lý sự cố trên đường, ngoại ngữ giao tiếp… Phải kết hợp nhiều yếu tố khác nhau thì ta mới thực hiện được chuyến đi, chứ không chỉ có tiền là được.

Nhiều người giàu ở Việt Nam có tiền nhưng họ cũng không đi, thậm chí không muốn đi. Vậy nên, đầu tiên là phải có ước mơ, nhen nhóm, nung nấu ước mơ rồi tìm cách khắc phục những yếu tố còn thiếu để lên đường.

– Đó có phải thông điệp chính của cuốn sách không? Rằng phải có ước mơ thì mới đi được?

– Không, Đi khi ta còn trẻ có nhiều thông điệp. Cuốn sách không chỉ viết về ước mơ được đi mà còn định nghĩa lại khái niệm “nhà”. Nhà, đối với tôi, không phải là một khối tài sản, mà là nơi ta thuộc về, nơi ta tìm thấy hạnh phúc.

Một người lữ hành không có một căn nhà cụ thể. Người lữ hành không xác định rõ họ sẽ ở đâu trong mỗi quãng đời của họ, mà họ ở bất cứ đâu họ cảm thấy phù hợp, cảm thấy hạnh phúc.

Theo định nghĩa ấy, tôi rất giàu và có nhiều nhà. Tôi đã ngủ trên những căn nhà của người lạ, nấu ăn trong những căn bếp của những người tôi chỉ biết tên. Nhưng ở những nơi ấy, tôi và gia đình nhỏ của mình đã có những khoảnh khắc rất hạnh phúc. Chính vì thế, tôi luôn xác định câu chuyện tài sản chỉ là câu chuyện nhỏ. Tài sản phục vụ mình trong cuộc đời, trong đó có việc đi, và việc đi mới là thứ khiến cho tôi hạnh phúc.

sach du ky anh 2

Tác giả Trương Anh Ngọc. Ảnh: FBNV.

Hành trình khám phá thế giới 10 năm và cho đến khi chết

– Cuốn sách này ông viết trong bao lâu?

– Cuốn sách này được tập hợp vừa sửa chữa trong hơn một năm đại dịch, nhưng những phần quan trọng nhất của cuốn sách thì được viết trong hơn 10 năm.

Bốn cuốn sách trước có địa điểm cụ thể, tôi đến đó, cảm nhận và viết. Nhưng cuốn sách này là tập hợp những cảm nghĩ tôi ghi lại sau mỗi chuyến đi. Đó là những điều đọng lại trong lòng người lữ hành sau chuyến đi, những dòng suy ngẫm về việc đi trong những lúc ngồi chờ ở sân bay: Tại sao ta phải đi? Ta đi như thế nào? Thế giới này có an toàn để ta chinh phục hay không?…

Sau tất cả, tôi nhận ra thực ra mình thuộc về những chuyến đi ấy. Hành trình trong thế giới này quá đẹp. Chính phần đầu tiên của cuốn sách này là tập hợp những điều tôi đúc kết lại sau hơn 10 năm đi đây đi đó. Có thể nói, tôi mất 10 năm để viết nên 50-60 trang đầu.

– Với nội dung mỗi bài viết khác nhau như vậy, ông có cảm thấy khó tạo mạch liên kết cho cuốn sách không?

– Không hề. Nếu đây là cuốn sách đầu tay của tôi thì mọi chuyện đã rất khác. Nhưng đây là cuốn sách thứ năm rồi.

Tôi có nhiều người theo dõi và đọc những bài chia sẻ tôi viết. Họ hiểu được những điều tôi truyền đạt. Khi cuốn sách này ra đời, tôi cảm thấy độc giả tiếp nhận rất nồng nhiệt và tôi đã có ngay những buổi ký sách thu hút hàng trăm bạn trẻ.

Tôi thấy nhiều bạn trẻ sử dụng hashtag #đi_khi_ta_còn_trẻ. Tôi nghĩ mình đã truyền cảm hứng cho họ.

Thông điệp tôi gửi gắm trong tác phẩm tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng phần lớn đều tích cực, nhận được sự đồng cảm của số đông, truyền cảm hứng cho nhiều người. Tôi nhận ra ý nghĩa ấy và lấy nó làm mắt xích cho nội dung cuốn sách.

“Tôi thà chết dưới bầu trời châu Phi hoặc giữa một thảo nguyên Mông Cổ, nơi tôi có thể thấy các vì sao, còn hơn là nằm ốm bệnh rồi chết trong bệnh viện”.

Trương Anh Ngọc

– Ông có nghĩ đến lúc dừng đi?

– Hồi xưa tôi chỉ muốn đến Italy và Pháp thôi, nhưng thời gian trôi, tôi nhận thấy đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Gần đây, tôi cuối cùng cũng đã đặt chân lên châu lục thứ năm – châu Đại Dương. Và sau những chuyến đi trở về, tôi nhận ra điều mình hướng tới trong những năm tiếp theo là giữ cho mình khỏe khoắn, minh mẫn để đi tiếp.

Cuốn sách này có cả điếu văn của tôi. Quan niệm về cái chết của tôi là: tôi thà rằng tôi chết dưới bầu trời châu Phi hoặc giữa một thảo nguyên Mông Cổ, nơi tôi có thể thấy các vì sao, còn hơn là nằm ốm bệnh rồi chết trong bệnh viện.

Ngay cả trong giai đoạn cuối đời, tôi vẫn muốn đủ sức để đi. Và với tôi, cái chết như thế mới có ý nghĩa.

Thế giới biến đổi từng ngày và chúng ta cũng vậy. Tôi cảm thấy tôi luôn muốn đuổi theo dòng chảy ấy. Chỉ cần tôi mở lòng với những khác biệt trên thế giới là tôi có thể đi cho đến cả khi đã già.