Từ ngày 07/02/2022, vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ bị xử phạt ra sao?

Hoạt động xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình…

Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ bị xử phạt ra sao? Hãy cùng chúng tôi làm rõ trong bài viết dưới đây. 

Mức xử phạt

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ có thể xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, được quy định tại Điều 21 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP như sau: 

Điều 21. Vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định;

b) Không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng hoặc lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu theo quy định.” 

Diễn giải một số thuật ngữ

Lưu trữ hồ sơ

Lưu trữ hồ sơ là việc giữ gìn, bảo quản các loại hồ sơ, tài liệu nhằm theo dõi các hoạt động của doanh nghiệp.

Công trình xây dựng 

Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

Quy hoạch xây dựng

Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.

Biện pháp khắc phục hậu quả

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ sẽ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 2, Điều 21, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đó là buộc thực hiện việc lưu trữ hoặc bổ sung đầy đủ danh mục tài liệu lưu trữ.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng 

Căn cứ vào Điều 4 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, áp dụng nguyên tắc sau đây khi xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Thứ nhất, về hình thức xử phạt

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. 

Thứ hai, về mức phạt tiền

+ Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;

+ Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng; 

+ Mức phạt tiền này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân). 

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Do mức phạt trên 500.000 đồng sẽ áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 57, 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020. Theo đó thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo trình tự:

Bước 1:  Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Bước 2: Ký biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.

Bước 3: Giao biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng 

Căn cứ tại Điều 72, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này bao gồm:

– Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76, Điều 78, Điều 79 và Điều 80 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

– Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

– Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.

– Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà.

– Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 77 Nghị định 16/2022/NĐ-CP được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng 

Căn cứ vào Điều 73,74,75,76,77,78,79,80, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/09/2018, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là:

Thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng)

Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng) có quyền:

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.000.000 đồng.

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;

Thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng) có thẩm quyền xử phạt như sau:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng;

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. 

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng có thẩm quyền xử phạt như sau:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền đến 500.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; đến 210.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vi phạm có giá trị không vượt quá 1.000.000.000 đồng đối với các hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; đến 420.000.000 đồng đối với các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng)

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng) có quyền: 

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 100.000.000 đồng.

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng.

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. 

Thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có quyền: 

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền:

+ Đến 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

+ Đến 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân

Người có thẩm quyền xử phạt thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định 16/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm: 

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bao gồm 

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 200.000.000 đồng.

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bao gồm: 

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền:

+ Đến 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

+ Đến 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. 

Luật Hoàng Anh