Tự học là gì? Các phương pháp tự học hiệu quả

Tự học là phương pháp học được rất nhiều thầy cô giáo nhắc tới, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thực hiện phương pháp này hiệu quả. Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu cách để có thể tự học hiệu quả nhé!

1. Tự học là gì?

Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về “tự học”. Trước hết, “tự học được hiểu là sự động não, suy nghĩ, sử dụng năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích…) và có khi cả cơ bắp (khi sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất của chính bản thân người học (tính trung thực, khách quan, có chí tiến thủ, kiên trì, nhẫn nại, lòng say mê khoa học), cả động cơ, tình cảm, cả nhân sinh quan, thế giới quan để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”.

Có quan điểm khác cho rằng: “Tự học là hình thức hoạt động nhận thức của cá nhân nhằm nắm vững hệ thống tri thức và kỹ năng, do chính người học tự tiến hành trên lớp, ngoài lớp hoặc không theo chương trình và sách giáo khoa đã quy định.”

Nhìn chung, khái niệm tự học có thể mang lại rất nhiều quan điểm từ các góc nhìn của các chuyên gia khác nhau. Nhưng suy cho cùng, những định nghĩa về sự tự học luôn có điểm chung trong đặc trưng, đó là tính chủ động và linh hoạt. Đó chính là quá trình tự làm việc, tự tiếp thu kiến thức mà không có sự hướng dẫn của người khác, hoặc chỉ được hướng dẫn ở những bước sơ khai ban đầu. Tự học đề cao đến phương pháp tự tìm kiếm và chủ động học hỏi, trau dồi các kiến thức mà không cần đến người hướng dẫn và không cần một sự thúc giục nào.

 

2. Bản chất của tự học

Tự học là học với sự tự giác cao độ, là quá trình người học tự tìm ra ý nghĩa của việc học và làm chủ hoạt động học tập của mình. Bản chất của tự học là quá trình người học cá nhân hoá việc học nhằm thoả mãn nhu cầu học tập, tự giác tiến hành các hoạt động để thực hiện có hiệu quả mục đích và nhiệm vụ học tập đề ra. Tự học chỉ thực sự tồn tại nếu:

  • Nhu cầu tự học xuất phát từ mong muốn làm phong phú sự hiểu biết của bản thân người học để hoàn thiện nhân cách của mình.
  • Tự học được thực hiện thông qua làm việc, tự học có hiệu quả khi người học biết cách học, có ý chí học tập, có kỹ năng và biện pháp học.

 

3. Các hình thức tự học

  • Tự học hoàn toàn: là hình thức mà người học hoàn toàn độc lập hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mình, vai trò của người học là nhân tố trọng yếu nhất trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Hình thức tự học này còn gọi là tự nghiên cứu của các nhà khoa học.
  • Tự học có sự điều khiển, chỉ đạo của giáo viên nhưng không trực tiếp: Hình thức tự học này đòi hỏi người học phải có tính tự giác và tính tự lực cao, phải tuân thủ theo chỉ dẫn của thầy. Hiệu quả của hình thức tự học này phụ thuộc vào vai trò người hướng dẫn và vai trò tích cực, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ học tập của người học.
  • Tự học dưới sự tổ chức, chỉ đạo, điều khiển trực tiếp của giáo viên: Thông qua biện pháp tổ chức, định hướng, thiết kế chỉ đạo của giáo viên nhằm giúp người học tự tổ chức, tự thiết kế, thực hiện hoạt động học tập của mình bằng hoạt động tự nghiên cứu, tự kiểm tra, tự điều chỉnh nhằm hoàn thành nhiệm vụ học tập. 

 

4. Ý nghĩa của việc tự học

Tự học có ý nghĩa quan trọng quyết định trực tiếp sự phát triển của người học. Các nhà tâm lý học cho rằng: bản chất của sự hình thành và phát triển tâm lí con người là quá trình tiếp thu và lĩnh hội hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mà loài người đã phát hiện, tích luỹ và tồn tại dưới dạng hệ thống hoá tri thức khoa học. Tự học có ý nghĩa rất lớn đối với người học, đặc biệt là sinh viên trong môi trường đại học bởi nếu không có sự tự học thì sinh viên không thể hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Nhờ hoạt động tự học mà người học có thể hình thành được những năng lực cơ bản, từ đó có thể “học tập suốt đời”, sau khi ra trường có thể tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội.

 

5. Hạn chế của việc tự học

  • Khó tập trung tự học: Việc tự học đòi hỏi sự tập trung rất lớn từ người học. Người tự học phải có khả năng quản lý chính mình, đặt ra mục tiêu và nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó.  Vì thế, nếu muốn tự học có hiệu quả, trước tiên người học phải vượt qua cảm giác chán nản và quyết tâm theo đuổi kiến thức tới cùng.
  • Sai định hướng khi tự học: Trong xã hội hiện nay, kiến thức có thể học ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, điều này có thể khiến cho người tự học đi lạc hướng trong quá trình học. Nếu không xác định được rõ vấn đề và mục tiêu tự học, người học sẽ dễ dàng sa đà vào một nội dung nhất định khiến việc học tốn nhiều thời gian và hiệu quả không cao.

 

6. Phương pháp tự học hiệu quả

– Xác định mục tiêu học tập chi tiết: Để tự học có hiệu quả, trước tiên người học cần xác định rõ mục tiêu của quá trình này. Đặt ra mục tiêu cụ thể sẽ giúp người học đi đúng hướng, từ đó học được những kiến thức và kỹ năng mà bản thân mong muốn.

Mỗi cá nhân khác nhau thường có những mục tiêu tự học khác nhau. Đối với các bạn học sinh, sinh viên thì mục tiêu của viện tự học là để phục vụ cho thành tích học tập trong trường. Với mục tiêu này, người học cần vạch ra một kế hoạch rõ ràng, định hướng các nội dung cần học và ôn lý thuyết kèm với bài tập hoặc thực hành. Đối với người đi làm, mục tiêu tự học hoàn toàn khác, nó mang tính ứng dụng thực tế cao hơn. Ví dụ: do môi trường làm việc tiếp xúc với người nước ngoài nên nhân viên công ty bắt buộc phải tự trau dồi việc giao tiếp ngoại ngữ để quá trình trao đổi công việc thuận lợi hơn.

– Chia nhỏ mục tiêu và lên kế hoạch tự học: Sau khi đã xác đinh được mục tiêu, người học cần lên kế hoạch để tự học hiệu quả. Để không bị mơ hồ, người học cần chia nhỏ mục tiêu, phân tích vấn đề và lên kế hoạch từng bước thực hiện. Người học cần tìm hiểu về những thành phần tạo nên kiến thức, kỹ năng mình cần học tập, sau đó lên kế hoạch tiếp cận, tìm hiểu sâu và học được kiến thức một cách toàn diện nhất.

– Lựa chọn phương thức tự học phù hợp. Tự học không nhất thiết là tự mình học tập từ đầu đến cuối. Trong quá trình tự học, người học có thể tìm đến người hướng dẫn để cùng tạo ra một hướng đi cụ thể, từ đó việc tự học sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Đồng thời, tự học không có nghĩa là người học ngồi một chỗ để tự nhồi nhét các kiến thức vào đầu. Có rất nhiều phương pháp khiến quá trình tự học trở nên thú vị. Theo đó, người học có thể tìm kiếm nội dung học tại Youtube, tham dự các hội thảo chia sẻ kiến thức và tự học theo hình thức nhóm. Tuỳ vào khả năng và thói quen mà người học tự tìm cho mình phương pháp hiệu quả nhất.

– Tối đa hoá sự tập trung: Khác với hình thức học tập ở trường lớp là tuân theo lịch trình sẵn có và có sự hướng dẫn chi tiết của giáo viên, tự học đề cao sự chủ động từ ý thức của bản thân. Vì vậy, để việc tự học đạt hiệu quả thì tập trung là yếu tố vô cùng quan trọng. Để tối đa hoá sự tập trung, người học cần tự loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng để tập trung 100% cho thời gian tự học của mình.

>> Xem thêm Kiến thức là gì? Cách để bổ sung kiến thức mỗi ngày

Trên đây là toàn bộ thông tin mà Luật Minh Khuê muốn cung cấp cho bạn đọc xoay quanh vấn đề tự học và các phương pháp để quá trình tự học diễn ra hiệu quả. Nếu bạn còn bất kì thắc mắc nào liên quan đến các vấn đề pháp lý thì vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 thông qua số hotline: 1900.6162 để được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Xin trân trọng cảm ơn!