Tư duy mới của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Biên phòng – Dựng nước và giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam. Kế thừa bài học kinh nghiệm truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhận thức lý luận của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc không ngừng được bổ sung, phát triển, phù hợp với tình hình cụ thể của cách mạng. Quan điểm về bảo vệ Tổ quốc trở thành một bộ phận quan trọng trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta, là “kim chỉ nam” cho quân và dân ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng bên lề Hội nghị Quân ủy Trung ương (phiên họp lần thứ 5) năm 2022. Ảnh: Hồng Pha
Qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, phương châm và phương thức bảo vệ Tổ quốc. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình tình mới (còn gọi là Nghị quyết số 28-NQ/TW). Đây là nghị quyết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng ta đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới mới, có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường.
Với những thành tựu, kinh nghiệm về lý luận, thực tiễn sau hơn 25 năm đổi mới đất nước và tổng kết sâu sắc 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, ngày 25/10/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong bối cảnh mới.
Vấn đề đầu tiên, then chốt, mang tính đột phá trong tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc là quan điểm về đối tác, đối tượng. Đây là một quan điểm rất mới, rất kịp thời của Đảng ta, đã tháo gỡ được vướng mắc lớn trong nhận thức, mở đường, định hướng chiến lược cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác.
Cùng với đó, chúng ta nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về nội dung bảo vệ Tổ quốc, đó là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa, con người Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Trên cơ sở đó, Đảng ta xác định rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá Việt Nam của các loại đối tượng cần nhận diện đúng, cảnh giác cao; đó là: Đối tượng có âm mưu, hành động xóa bỏ CNXH, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” Quân đội ta; đối tượng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, có tham vọng chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là xâm lấn biển, đảo Việt Nam; đối tượng ở trong nội bộ ta, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực.
Từ việc xác định trên, Đảng ta chỉ rõ sự liên kết giữa các đối tượng ấy trong chống phá cách mạng Việt Nam và biện pháp đấu tranh phòng, chống; trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị. Đảng khẳng định sự cần thiết phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Về phương châm bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta chỉ rõ: Kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; kiên quyết, kiên trì đấu tranh; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với phi vũ trang; lấy đối ngoại làm biện pháp quan trọng để bảo vệ Tổ quốc thời bình; thực hiện nhất quán nguyên tắc “bốn không” nhằm thêm bạn, bớt thù; xử lý khôn khéo các mối quan hệ với các nước; quan tâm chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” và khu vực phòng thủ vững chắc… Thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã chứng minh tính đúng đắn, khoa học, sáng tạo của hệ quan điểm mà Đảng ta đã nêu trong nghị quyết này.
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Sóc Trăng tuần tra, kiểm soát trên biển. Ảnh Văn Long
Nhìn lại 10 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức rất lớn do biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; nhất là tình hình Biển Đông căng thẳng, phức tạp, có lúc cận kề chiến tranh. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; tránh được chiến tranh, xung đột, giữ được “trong ấm, ngoài êm” để phát triển đất nước; Quân đội ta được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cho toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Từ tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, Đảng ta đã ban hành Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Cùng với đó, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Cảnh sát Biển, Luật Biên phòng Việt Nam và nhiều văn bản khác ra đời đã góp phần hoàn thiện đường lối bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Rõ ràng, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã chứng minh tính đúng đắn, khoa học, biện chứng của sự thống nhất về lý luận và thực tiễn nên nghị quyết này giá trị bền vững. Đặc biệt, tư duy mới về đối tác, đối tượng và các nội dung bảo vệ Tổ quốc cần được đúc kết thành những bài học kinh nghiệm để phổ biến, quán triệt và học tập rộng rãi, đưa lý luận vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Đây là cơ sở lý luận – thực tiễn quan trọng để chủ động đấu tranh phòng, chống các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.
Vì vậy, Đảng ta đã chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình tình mới. Đây là việc làm cần thiết để tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ; đối tác, đối tượng của cách mạng; phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, phát triển quan điểm, giải pháp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; xác định đúng và trúng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bá Dương,
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng