Tư duy lý luận
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:38
13858 Lượt xem
(LLCT) – Về bản chất, tư duy là quá trình nhận thức hiện thực khách quan của con người ở trình độ cao – trình độ con người phản ánh được hoạt động của họ vào trong ý thức. Đó là quá trình con người sản sinh ra những tri thức mới từ những tri thức đã thu nhận được trước đó do có sự tác động trực tiếp của hiện thực khách quan lên các cơ quan cảm giác của con người,trên cơ sở đó con người từng bước hình thành nên hệ thống các khái niệm, phán đoán, suy luận lôgic.
Cơ sở tự nhiên của tư duy đó là bộ óc con người và quá trình phản ánh hiện thực khách quan bởi bộ óc con người. Còn cơ sở xã hội của tư duy đó là lao động và ngôn ngữ. Trong đó, cơ sở xã hội đóng vai trò quyết định đến sự hình thành và phát triển của tư duy. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen đã có nhận xét như sau: “chính việc người ta biến đổi tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên”(1).
Ở thời kỳ đầu, khi đời sống của con người còn phụ thuộc vào giới tự nhiên bên ngoài, “một giới tự nhiên thù địch đối lập và không hiểu nổi đối với họ”(từ dùng của Ph.Ăngghen), hiểu biết của con người về thế giới xung quanh còn hạn chế thì con người chỉ có thể hình thành được một ít kinh nghiệm về một số lĩnh vực nào đó có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ mà thôi. Do đó ý thức của con người lúc này “cũng mang tính động vật như chính đời sống xã hội ở giai đoạn ấy; đó là một ý thức quần cư đơn thuần”(2).
Nhưng khi mà lực lượng sản xuất phát triển (trước hết là công cụ lao động đã có những cải tiến nhất định), năng suất lao động xã hội ngày một cao, sản phẩm xã hội đã có dư thừa, phân công lao động xuất hiện, xã hội hình thành lớp người chuyên lao động trí óc, đó cũng là lúc tư duy loài người từng bước phát triển, con người có khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa các sự vật hiện tượng riêng lẻ để xây dựng nên hệ thống khái niệm, phạm trù, rút ra những quy luật. So với giai đoạn thấp của thời đại mông muội, nhận thức của con người đã đạt đến một trình độ cao hơn về chất, tư duy lý luận, tư duy khoa học ra đời. C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết rằng: “Phân công lao động chỉ trở thành phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần. Bắt đầu từ lúc đó,ý thức có thểthực sự tưởng tượng rằng nó là một cái gì khác chứ không phải là ý thức về thực tiễn hiện có, rằng nó có thể thực sựđại biểu cho cái gì đó mà không đại biểu cho một cái gì hiện thực cả; bắt đầu từ lúc đó, ý thức có khả năng tự giải thoát khỏi thế giới và chuyển sang xây dựng lý luận “thuần tuý”, thần học, triết học, đạo đức, v.v..”(3).
Tư duy lý luận là quá trình con người phản ánh hiện thực khách quan một cách gián tiếp, mang tính trừu tượng và khái quát cao bằng hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật. Ở đó, chủ thể nhận thức sử dụng ngôn ngữ và các thao tác tư duy để nắm bắt các mối liên hệ mang tính bản chất, tìm ra các quy luật vận động nội tại tiềm ẩn trong khách thể nhận thức của con người.
Tư duy lý luận có những đặc trưng cơ bản sau: Một,sự xuất hiện của tư duy lý luận gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người. Cùng với sự phát triển của sản xuất, của trao đổi và các mối quan hệ xã hội khác, các hành động và thao tác trí óc của con người ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp hơn, nhờ đó tư duy lý luận từng bước xuất hiện và phát triển năng lực của mình. Hai,tư duy lý luận phản ánh hiện thực khách quan một cách gián tiếp, là sự sản sinh ra những tri thức mới trên cơ sở những tri thức kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình nhận thức. Những tri thức lý luận được duy trì và hoạt động thông qua hệ thống khái niệm, phạm trù, quy luật lôgic. Ba,tư duy lý luận sử dụng các phương pháp nhận thức, như: lịch sử và lôgic; phân tích và tổng hợp; quy nạp và diễn dịch; trừu tượng hóa và cụ thể hóa v.v.. và làm cho các phương pháp này trở thành nội dung lôgic bên trong của sự vận động tri thức để nhận thức hiện thực khách quan. Bốn,đối tượng mới của tư duy lý luận là những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra. Tư duy lý luận phải có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi – đặc biệt là những vấn đề bức xúc – mà cuộc sống đặt ra cho con người và xã hội loài người.
So với tư duy kinh nghiệm, tư duy lý luận đóng một vai trò hết sức to lớn trong nhận thức và cải tạo thế giới. Nhờ có tư duy lý luận khoa học mà con người mới phát hiện ra được các quy luật vận động và phát triển của hiện thực khách quan, hướng sự vận động đó vào phục vụ lợi ích của con người. Ph.Ăngghen chỉ rõ rằng: “một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”(4).
Tư duy lý luận có thể là khoa học nhưng cũng có thể không khoa học. Chỉ những tri thức lý luận nào phản ánh đúng bản chất, vạch ra được mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng; chỉ ra được quy luật, xu hướng vận động, phát triển v.v.. của hiện thực khách quan (của tự nhiên, xã hội) thì đó mới là tư duy lý luận khoa học.
Trong thời đại ngày nay, tư duy lý luận khoa học là tư duy lý luận mácxít. Về thực chất, tư duy lý luận mácxít là tư duy biện chứng duy vật khoa học (cả trong tự nhiên lẫn trong xã hội) – một hình thái tư duy được hình thành trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn, những tri thức khoa học mà loài người đã đạt được từ xưa đến nay và luôn luôn được vận dụng một cách tiện lợi vào thực tiễn sinh động, phong phú để không ngừng bổ sung, hoàn thiện và phát triển.
Xuất phát từ tình hình thực tế của xã hội Việt Nam trong những thập niên 80 thế kỷ XX; xuất phát từ bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác; đứng trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi chúng ta “phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy”, coi đổi mới tư duy là khâu “đột phá” cho toàn bộ quá trình đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng ta khẳng định: “Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”(5). Nhờ chọn đúng khâu đột phá mà Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức và “đạt đượcnhững thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”(6).
Trong những năm qua, mặc dù chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tuy vậy, so với yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, thì “Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao… Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”(7). Để khắc phục tình trạng trên, tại Đại hội XII, Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trước mắt là: “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(8).
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017
(1), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tâp, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.720, 489.
(2), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.44, 45.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ VI,Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.124.
(6), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng,
Hà Nội, 2016, tr.65, 192-193, 20.
PGS, TS Trần Sỹ Phán
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh