Tư duy kinh tế nông nghiệp là phải bán sự khác biệt-Tư duy kinh tế nông nghiệp là phải bán sự khác biệt,Tin tức – Sự kiện
Tư duy kinh tế nông nghiệp là phải bán sự khác biệt
Current Time
2:08
/
Duration
6:30
Auto
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức lần đầu tiên nhắc đến khái niệm: Người nông dân chuyên nghiệp. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần làm gì để trở thành chuyên nghiệp?
– Nền nông nghiệp của chúng ta vốn mù mờ về thông tin, mù mờ về dữ liệu để điều hành, người nông dân sản xuất mù mờ về thị trường, thị trường thì mù mờ về xuất xứ, nguồn gốc nông sản, đôi khi cơ quan quản lý cũng mù mờ về cung cầu. Đó là một thực tế.
Không những vậy, nông nghiệp Việt Nam còn là nền nông nghiệp đánh đổi. Lâu nay chúng ta vẫn suy nghĩ bán được bao nhiêu, thu được bao nhiêu tiền, nông dân lợi nhuận bao nhiêu mà không tính chi phí đầu vào như thế nào. Một thời gian dài quá tập trung nâng cao năng suất đã khiến chúng ta đánh đổi môi trường sinh thái, cộng đồng, sức khỏe nông dân bị ảnh hưởng khi sản xuất không đúng quy trình.
Đó là hệ lụy kéo dài của một nền nông nghiệp không chuyên nghiệp, tự phát. Do đó, muốn chuyển nền nông nghiệp mù mờ, đánh đổi phải dựng lên, kiến tạo nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Mà muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn có nông dân chuyên nghiệp phải tri thức hóa.
Nghĩa là người nông dân không thể làm theo kinh nghiệm mãi, không lúc nào cũng “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường cạnh tranh khốc liệt, nếu sản xuất nghiệp dư sẽ không đảm bảo sự cạnh tranh bền vững, nếu có cũng chỉ thắng lợi trong một vài mùa vụ.
Do vậy, việc Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp, tôi đánh giá rất đúng thời điểm, vì chúng ta không say sưa trên thành quả nhất thời mà muốn đi con đường dài.
Nông dân là người bỏ cây giống đầu tiên xuống ruộng, người đầu tiên bỏ tôm cá xuống ao. Có thể nói, nông dân là người đầu tiên của chuỗi ngành hàng, đầu có xuôi đuôi mới lọt, do vậy phải hỗ trợ nông dân chuẩn hóa được sản phẩm thì bán ra thị trường mới được giá.
Để làm được những điều đó, nông dân phải được trang bị kỹ năng, có tinh thần hợp tác với cộng đồng, biết dựa vào sức mạnh cộng đồng chứ không đi lên một mình, cùng nhau tham gia vào cộng đồng của nông dân, có thể bắt đầu từ hội quán, chi tổ hội nghề nghiệp để cùng chia sẻ, hướng dẫn nhau cách làm ăn. Bắt đầu từ đó, câu chuyện tri thức hoá đã hình thành. Ví dụ như ở Hội quán Đồng Tháp, giờ người nông dân đã thẩm thấu được câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.
Thực ra, tri thức hóa nông dân không phải là cái gì cao siêu, cũng không có nghĩa đưa nông dân vào trường học. Tất nhiên, cũng có những khóa học ngắn giúp nông dân bổ trợ kiến thức, kỹ năng, mỗi ngày một ít để làm tối ưu hóa năng suất lao động nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyên nghiệp hóa có thể bắt đầu từ việc người nông dân ghi nhật ký sản xuất, làm gì thì ghi vào đó để khi doanh nghiệp tìm đến hoặc khi giới thiệu sản phẩm thì giới thiệu kèm bản chỉ tiêu, quy trình chúng ta đã làm; có thể bắt đầu từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ đúng cách; biết sản xuất trên nhu cầu thị trường. Tôi cho rằng, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT phải cùng gắn bó với nhau trong sứ mệnh tri thức hóa nông dân, không để nông dân lẻ loi, cùng về làng khơi gợi điểm nghẽn trong nông nghiệp, lúc đó sẽ kích hoạt sự năng động trong mỗi người nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn.
Như vậy, theo Bộ trưởng, người nông dân chuyên nghiệp phải thay đổi, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất trong thói quen sản xuất từ trước đến nay?
– Đúng vậy, và nhiệm vụ của các ngành chức năng, hội đoàn thể là phải thuyết phục được họ thay đổi, không chỉ sản xuất mà còn lắng nghe tín hiệu thị trường để từ đó giảm thiểu rủi ro. Cả hệ thống Hội Nông dân từ Trung ương đến cơ sở cùng đồng hành với bộ phận khuyến nông của Bộ NNPTNT, thậm chí hội viên nông dân cũng là khuyến nông viên, khuyến nông cộng đồng để tạo ra sức mạnh.
Thời gian tới, tôi sẽ bàn với Hội Nông dân Việt Nam làm sao mỗi cán bộ Hội cơ sở là một khuyến nông cộng đồng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình, phải chuẩn hóa quy trình sản xuất từ đầu, nhu cầu thị trường như thế nào, cung đáp ứng được bao nhiêu, chế biến như thế nào? Khi người nông dân trả lời được những câu hỏi đó thì đó chính là người nông dân chuyên nghiệp. Khi đó, các tầng nấc trung gian trong tiêu thụ nông sản sẽ được giảm bớt, bởi cứ thêm một tầng nấc là lợi nhuận của nông dân lại bị bào mòn.
Nếu định nghĩa về người nông dân chuyên nghiệp, theo Bộ trưởng, người nông dân đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
– Theo tôi, người nông dân chuyên nghiệp là biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình; biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế.
Nông dân chuyên nghiệp là trước hết là người, có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai.
Nông dân chuyên nghiệp cũng là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.
Nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội; là người vừa có sức khoẻ về mặt thể chất, vừa có sức khoẻ về mặt tinh thần, một bầu nhiệt huyết chảy tràn trong một cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh.
Hiện nay có một xu hướng là rất nhiều người trẻ tìm về đầu tư vào nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, đây có phải là những nhân tố tạo động lực kích thích nông dân đổi mới, chuyên nghiệp hóa?
– Chính xác là như vậy. Câu chuyện tri thức hóa nông dân, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp có nhiều hướng đi, từ trên xuống, từ dưới lên, từ những câu chuyện các bạn trẻ lội ngược dòng về nông nghiệp.
Tôi mới lên vùng trồng chè Suối Giàng của Yên Bái, tại đây có những bạn trẻ người Hà Nội nhưng bỏ phố lên rừng làm trà với người dân, tạo thành một không gian văn hóa trà độc đáo, vừa giữ được bản sắc văn hóa, thu hút khách du lịch vừa mang lại thu nhập cho người dân.
Hay ở Đồng Tháp cũng đang có nhiều bạn trẻ tìm về xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thuận thiên rồi một chàng trai từ Sài Gòn lên Tuyên Quang trồng cây dược liệu, không chỉ được trải nghiệm, làm giàu, chính những người trẻ còn dẫn dụ đồng bào mình cùng làm, cùng hưởng.
Nói cách khác, họ là những người mang tri thức về làng, mang sự năng động của đô thị về làng và mang cả thị trường về làng nữa.
Như sản phẩm trà Suối Giàng, trước bà con hái sao theo kinh nghiệm, bây giờ họ làm ra những chiếc hộp trà đẹp, sang trọng như chứa đựng cả đất trời của vùng trà. Kèm theo đó, họ còn có cuốn sách giới thiệu về từng loại trà: “Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/Một vùng rộng lớn giống chè Shan/Cây to tán rộng vươn trong gió/Cành lớn búp non nổi tiếng vang”. Đó chính là tri thức, đó chính là biểu hiện sinh động của quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở đây. Và, chủ thể của sản phẩm này không chỉ bán hàng (là những búp chè khô) mà bán cả một câu chuyện. Tư duy kinh tế chính là bán sự khác biệt.
Do vậy, điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách khuyến khích những mô hình như vậy, nghĩa là chúng ta đừng quên đi đàn chim sẻ đang ngày đêm lan tỏa những xu hướng mới trong sản xuất.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ tổ chức tại Lào Cai mới đây, Bộ trưởng có nhắc đến khái niệm: Nông sản hạnh phúc. Theo Bộ trưởng, những nông dân chuyên nghiệp thì sẽ có những nông sản hạnh phúc?
– Mới đây, khi đoàn câu lạc bộ khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đi Thái Lan dự một hội chợ lương thực thực phẩm quốc tế, tại hội chợ này tôi quan tâm đến khái niệm xu thế tiêu dùng thế giới. Họ đưa ra 3 loại nông sản: Nông sản dinh dưỡng, nông sản hạnh phúc và nông sản hòa hợp.
Rõ ràng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên, thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện, người ta không nghĩ đến ăn no mà còn ăn cho vui, cho ngon. Dù phân khúc này hiện nay chưa phổ biến nhưng nó sẽ là một xu thế trong tương lai.
Do đó, đã đến lúc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, làm ra những sản phẩm an toàn, trách nhiệm và khi nhắc đến cảm thấy tự hào.
Tại sao không nghĩ đến “nông sản hạnh phúc” khi được vận chuyển qua “cung đường hạnh phúc”đi qua Hà Giang, nơi sỏi đá cũng nở hoa, gắn liền với câu chuyện tự hào, xúc động về huyền thoại thanh niên xung phong mở đường, lưu mãi tuổi xuân? Tại sao không nghĩ đến “nông sản hạnh phúc”, những “ruộng bậc thang hạnh phúc” khắp miền Tây Bắc, được vun trồng, chăm sóc từ chính đôi tay, bằng cả tấm lòng và trái tim của “những người dân hài lòng và hạnh phúc”?
Nhiều năm liền, cứ nói đến nông nghiệp là nói đến sự vất vả, gian truân, hệ lụy là hiện nay có xu thế con em nông dân rời xa nông nghiệp. Nếu không trân quý nông dân, coi trọng sản xuất nông nghiệp thì trong tương lai sẽ có vấn đề xã hội, tạo sự đứt gãy của dòng chảy xã hội.
Do vậy, nhiệm vụ của ngành chức năng, các hội đoàn thể là phải kiên trì cùng người nông dân định hình lại nền nông nghiệp.
Nhiều năm qua, Hội Nông dân Việt Nam phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với rất nhiều nông dân được công nhận. Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 10 năm qua cũng tôn vinh những Nông dân Việt Nam xuất sắc. Theo Bộ trưởng, những nông dân đó đã được gọi là nông dân chuyên nghiệp chưa?
– Tôi cho rằng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là rất đáng trân quý và tôn vinh. Họ đã từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, đáp ứng được nhu cầu thị trường, vươn lên làm giàu, không những thế còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Họ sẽ là những nhân tố tích cực lan tỏa dần những cách làm hay.
Hiện, Bộ NNPTNT đang có ý tưởng thành lập nhóm nông dân chuyên nghiệp, hợp tác cùng nhau chia sẻ, cấu kết cộng đồng. Như một trận bóng, 11 cầu thủ trên sân nếu hòa hợp sẽ mạnh hơn đội bóng có 1 – 2 ngôi sao mà rời rạc. Do vậy, sau Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, mong Bộ NNPTNT và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tôn vinh những nông dân chuyên nghiệp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn báo điện tử Dân Việt.