Tư duy khởi sự kinh doanh – Phần XIV

4/ Tư duy khởi sự kinh doanh

4.1/ Khái niệm và vai trò

Trong tiếng Việt, tư duy để chỉ những suy nghĩ mang tính nền tảng cơ sở. Tư duy khác với suy nghĩ ở chỗ suy nghĩ chỉ gắn với các vấn đề cụ thể hàng ngày còn tư duy liên quan đến sự cân nhắc thấu đáo các vấn đề mang tính gốc rễ, cơ sở.

Tư duy khởi sự kinh doanh là tư duy gắn với hoạt động khởi sự kinh doanh. Tư duy khởi sự kinh doanh đề cập đến những suy nghĩ, cân nhắc căn bản và thấu đáo các vấn đề liên quan đến hoạt động khởi sự kinh doanh. Hoạt động khởi sự kinh doanh luôn gắn với quá trình tiếp theo là tiến hành các hoạt động kinh doanh. Vì thế, nói đến tư duy khởi sự kinh doanh cần bàn tới hai vấn đề gắn chặt chẽ với nhau là tư duy khởi sự và tư duy kinh doanh. Tư duy khởi sự kinh doanh đặt nền tảng không phải chỉ cho hoạt động khởi sự mà còn đặt cơ sở nền móng cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh diễn ra sau khởi sự.

Tuy duy kinh doanh tốt sẽ giúp người khởi nghiệp không bị nhầm lẫn khi tiến hành khởi sự cũng như ứng xử trong hoạt động kinh doanh. Tư duy khởi sự kinh doanh càng chuẩn xác bao nhiêu, càng có khả năng khởi sự và phát triển hoạt động kinh doanh dẫn đến thành công chắc chắn bấy nhiêu. Một người khởi sự kinh doanh trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng khác với người khởi sự không chuẩn bị kỹ lượng ở chỗ một người luôn tư duy thấu đáo trước khi khởi sự; còn người kia thì ít hoặc không chú ý nhiều đến điều này. Và kết cục của họ cũng khác nhau: một người thì khả năng thành công cao; còn người kia thì khả năng thành công thấp, khả năng thất bại hoặc không phát triển được cao.

4.2/ Hình thành tư duy khởi sự kinh doanh đúng

Như trên đã trình bày, tư duy khởi sự kinh doanh có thể xét ở hai góc độ là tư duy khởi sự và tư duy kinh doanh.

Thứ nhất, tư duy khởi sự

Nếu xét toàn bộ các quyết định gắn với khởi sự thì tư duy trước tiên phải là tư duy khởi sự kinh doanh trong điều kiện nào và như thế nào là có đủ điều kiện khởi sự kinh doanh? Tuy nhiên, chúng ta hãy giả định rằng người khởi nghiệp đã am hiểu điều này và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để khởi sự thì tư duy khởi sự gắn với việc đặt ra và trả lời các câu hỏi cơ bản sau:

+ Câu hỏi đầu tiên là khởi sự kinh doanh nhằm mục đích gì?

Việc đặt ra và trả lời câu hỏi này đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi nó định hướng đi và phương châm ứng xử lâu dài cho doanh nghiệp sẽ được tạo lập.

Có người khởi nghiệp nhằm mục tiêu làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Mục đích này chi phối hoạt động của anh ta và doanh nghiệp do anh ta lập ra theo hướng mọi hoạt động sẽ chỉ được quyết định tiến hành nếu nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Quá trình hoạt động của doanh nghiệp cũng đồng thời là quá trình mở rộng và phát triển hướng theo mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Có người lại khởi nghiệp chỉ với mục đích có công ăn việc làm và thoát nghèo. Những người này không có tham vọng lớn về phát triển kinh doanh cũng như tạo ra nhiều lợi nhuận. Tư duy này chi phối họ khi họ ra các quyết định phát triển kinh doanh là luôn tự “bằng lòng” với những thứ đã có; trong nhiều trường hợp, cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh dù được nah65n diện cũng không được những người này khai thác.

+ Câu hỏi thứ hai: tự mình khởi sự và điều hành hoạt động kinh doanh hay cùng làm với những người khác?

Mỗi cách tiến hành đều có ưu và nhược gắn với cách đó: nếu tự mình khởi nghiệp sẽ có thuận lợi là tự mình quyết định mọi việc, tránh được các rắc rối theo kiểu “trăm người, trăm ý”, được hưởng toàn bộ lợi nhuận song cũng có nhược điểm lớn là không phát huy được trí tuệ của nhiều người và phải gánh chịu toàn bộ rủi ro. Nếu nhiều người cùng khởi sự thì hoàn toàn ngược lại.

Người khởi sự cần cân nhắc rất thận trọng và quyết định cách tiến hành của mình. Cũng cần chú ý rằng nếu khởi sự nhiều người cần có điều kiện. Điều kiện đó là những người cùng khởi sự phải có cách ứng xử rõ ràng, hợp luật pháp theo kiểu “mất lòng trước, được lòng sau”. Không được tiến hành kiểu người Việt vẫn hay mắc phải: ngại cụ thể, không rõ ràng dẫn đến hậu quả là trong quá trình khởi sự hay kinh doanh phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn phát sinh giữa những người cùng khởi sự.

+ Câu hỏi thứ ba: khởi sự và kinh doanh ở đâu?

Khởi sự và tiến hành các hoạt động kinh doanh tại quê hương bản quán hay tại nơi có đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động kinh doanh sau này là câu hỏi không dễ dàng đối với rất nhiều người chuẩn bị khởi nghiệp.

Thông thường có hai loại người: loại phổ biến là nghĩ ngay đến kinh doanh tại quê hương vì đã quen biết; không sợ có những biến động mà mình khó lường trước. Loại người thứ hai thì không nhất thiết cứ phải khởi sự kinh doanh tại quê hương mà sẵn sàng tìm đến nơi có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động kinh doanh. Loại người thứ hai thường có ý chí cao, có sức chịu mạo hiểm cao nên cũng dễ thành công hơn loại người thứ nhất.

+ Câu hỏi thứ tư là khởi sự kinh doanh bằng cách nào? Câu trả lời quy định cách thức khởi sự: lập ra một doanh nghiệp mới, mua lại một doanh nghiệp đang hoạt động hay nhượng quyền thương hiệu.

Thứ hai, tư duy kinh doanh

Tư duy kinh doanh trả lời các câu hỏi cốt lõi về kinh doanh. Đó thường là các câu hỏi mang tính then chốt sau đây:

+ Kinh doanh sản phẩm/dịch vụ gì? Kinh doanh nhiều loại sản phẩm/dịch vụ hay chỉ phát triển một loại sản phẩm/dịch vụ nào đó đáp ứng những nhu cầu nhất định của xã hội và liệu mình có sẵn sàng thay đổi sản phẩm/dịch vụ theo sự thay đổi nhu cầu của con người hay cứ duy trì sản phẩm/dịch vụ mà mình thiết kế ban đầu?

Với vế thứ nhất, cũng có thể nói ngắn gọn: người khởi sự kinh doanh đặt ra và trả lời câu hỏi mình sẽ kinh doanh đơn ngành hay đa ngành? Cần chú ý rằng lịch sử phát triển kinh doanh của loài người là lịch sử bắt đầu từ hoạt động đa lĩnh vực – kinh doanh tổng hợp; rồi chuyển sang chuyên môn hóa – kinh doanh đơn ngành; gần đây tư duy lại chuyển từ kinh doanh đơn ngành sang kinh doanh đa ngành.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ người có tư duy kinh doanh tốt luôn hiểu rõ để chuyển từ kinh doanh đơn ngành sang đa ngành thành công cần có các điều kiện nhất định mà nếu không đảm bảo đủ các điều kiện đó sẽ dẫn đến thất bại.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Nguyễn Ngọc Huyền, Ngô Thị Viết Nga (đcb) – Giáo trình khởi sự kinh doanh – NXB ĐHKTQD 2016.

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…