Từ đồng nghĩa là gì? Phân loại và lấy ví dụ về từ đồng nghĩa?
Từ đồng nghĩa là gì? Phân loại và lấy ví dụ về từ đồng nghĩa? Bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê sẽ giúp bạn tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến từ đồng nghĩa. Kính mời ban đọc tham khảo.
Mục Lục
1. Từ đồng nghĩa là gì?
Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.
Ví dụ:
- xe lửa = tàu hỏa
- con lợn = con heo
- đen = mực = huyền
2. Phân loại từ đồng nghĩa
Có 02 loại từ đồng nghĩa, gồm:
2.1. Từ đồng nghĩa hoàn toàn
Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối) là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế cho nhau trong lời nói.
Ví dụ:
- Bố = cha = tía = thầy: Đây là cách xưng hô người sinh ra mình, tùy theo từng vùng miền sẽ có cách gọi khác nhau
- Mẹ = má = u = bầm: giống như ba, mẹ là cách xưng hô chỉ người mẹ, người đã sinh ra mình
- Hổ = cọp = hùm: đều chỉ con hổ
2.2. Từ đồng nghĩa không hoàn toàn
Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối, đồng nghĩa khác sắc thái) là những từ tuy cùng nghĩa với nhau nhưng vẫn khác nhau phần nào đó về thái độ, tình cảm hoặc cách thức hành động.
Khi dùng những từ ngữ này, chúng ta cần phải cân nhắc lựa chọn đúng từ sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng.
Ví dụ:
- Chết, hy sinh, toi mạng, mất, ra đi, bị đâm đến chết, ngủm, tiêu, toi đời, lên đường, đi đứt, vào hòm, rũ xương, đi đời, đền tội, tan xương nát thịt, vong, đứt bóng, xuống mồ…. Từ nói về một người, mộ động vật mất khả năng sinh sống, không còn biểu hiện của sự sống nữa.
- Ăn, xơi, chén, hốc, thưởng thức, dùng bữa, nốc, dộng, tớp, xực….Chỉ hành động ăn
3. Bài tập về từ đồng nghĩa
3.1. Phần trắc nghiệm
Câu 1. Từ nào dưới đây không đồng nghĩa với những từ còn lại?
A. phang
B. đấm
C. đá
D. vỗ
Câu 2. Dòng nào chỉ các từ đồng nghĩa
A. Biểu đạt, diễn tả, lựa chọn, đông đúc
B. Diễn tả, tấp nập, nhộn nhịp, biểu thị
C. Biểu đạt, bày tỏ, trình bày, giãi bày
D. Chọn lọc, trình bày, sàng lọc, kén chọn
Câu 3. Từ nào không đồng nghĩa với từ “quyền lực”?
A. quyền công dân
B. quyền hạn
C. quyền thế
D. quyền hành
Câu 4. Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “gọn gàng”
A. ngăn nắp
B. lộn xộn
C. bừa bãi
D. cẩu thả
Câu 5. Từ ngữ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “trẻ em”?
A. Cây bút trẻ
B. Trẻ con
B. Trẻ măng
C. Trẻ trung
Câu 6. Nhóm từ nào đồng nghĩa với từ “hòa bình”?
A. Thái bình, thanh thản, lặng yên
B. Bình yên, thái bình, hiền hòa
C. Thái bình, bình thản, yên tĩnh
D. Bình yên, thái bình, thanh bình
Câu 7. Đồng nghĩa với từ “hạnh phúc” là?
A. Sung sướng
B. Toại nguyện
C. Phúc hậu
D. Giàu có
Câu 8. Từ nào dưới đây không đồng nghĩa với các từ còn lại?
A. Cầm
B. Nắm
C. Cõng
D. Xách
Câu 9. Dòng nào có từ mà tiếng “nhân” không cùng nghĩa với tiếng “nhân” trong các từ còn lại?
A. Nhân loại, nhân tài, nhân lực
B. Nhân hậu, nhân nghĩa, nhân ái
C. Nhân công, nhân chứng, nhân đôi
D. Nhân dân, quân nhân, nhân vật
Câu 10. Những cặp từ nào dưới đây cùng nghĩa với nhau?
A. Leo – chạy
B. Chịu đựng – rèn luyện
C. Luyện tập – rèn luyện
D. Đứng – ngồi
3.2. Phần tự luận
Bài 1. Tìm ít nhất 3 từ đồng nghĩa với các từ sau:
a. anh hùng
b. ác
c. ẩm
d. ân cần
e. bảo vệ
f. biết ơn
g. béo
h. chăm chỉ
i. biếng nhác
k. đoàn kết
l. dũng cảm
Đáp án
a. Từ đồng nghĩa với “anh hùng”: anh dũng, can đảm, can trường, dũng cảm, gan lì, gan dạ….
b. Từ đồng nghĩa với “ác”: ác độc, hung ác, tàn nhẫn….
c. Từ đồng nghĩa với “ẩm”: ẩm thấp, ẩm ướt, ẩm mốc…
d. Từ đồng nghĩa với “ân cần”: đon đả, nhiệt tình, niềm nở, quan tâm, thân mật,….
e. Từ đồng nghĩa với “bảo vệ”: ngăn cản, che chở, giữ gìn, phong vệ, che chắn…
f. Từ đồng nghĩa với “biết ơn”: nhớ ơn, mang ơn, đội ơn, lễ phép, vâng lời…
g. Từ đồng nghĩa với “béo”: mập, bự, đầy đặn, tròn trịa, to, béo phì…
h. Từ đồng nghĩa với “chăm chỉ”: siêng, cần cù, chịu khó, tần tảo, chuyên cần….
i. Từ đồng nghĩa với “biếng nhác”: lười, lười nhác, lười biếng,….
k. Từ đồng nghĩa với “đoàn kết”: đùm bọc, bao bọc, cùng nhau, chung sức….
l. Từ đồng nghĩa với “dũng cảm”: can đảm, gan dạ, gan trường…
Bài 2. Hãy so sánh các từ đồng nghĩa trong đoạn văn dưới đây:
a. Sau hơn 80 năm giời làm nô lệ đã làm cho nước ta bị yếu hèn đi, ngày nay chúng ta phải cùng nhau xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại. Hãy làm sai cho chúng ta theo kịp được các nước khác trên toàn cầu này. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà đã luôn mong đợi ở các em rất nhiều.
b. Màu lúa chín là một màu vàng xuộm trong rất đẹp. Nắng đã nhạt ngả màu thanh vàng hoe. Thêm vào đó là những chùm quả xoan vàng lịm và trông giống như những chuỗi tràng hạt bồ đề được treo lơ lửng.
Đáp án
a. Nghĩa của “xây dựng” gồm:
– Nghĩa thứ nhất: là cách thức xây dựng nên một hay nhiều công trình kiến trúc theo kế hoạch. Ví dụ: xây một ngôi trường, xây nhà, xây hồ bơi…
– Nghĩa thứ hai: là cách thức thành lập nên một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa…theo một hướng nhất định. Ví dụ: xây dựng nhà nước, xây dựng gia đình…
– Nghĩa thứ ba: là một cách để tạo ra những giá trị về tinh thần hoặc mang một giá trị văn hóa, nghệ thuật nào đó. Ví dụ: xây dựng một bài thơ, một giả thuyết….
– Nghĩa thứ tư: thể hiện thái độ, ý kiến, đánh giá với mục đích làm cho vấn đề, kế hoạch trở nên tốt hơn. Ví dụ: xây dựng bài trên lớp, góp ý thái độ làm việc….
Nghĩa của “kiến thiết”: là một quá trình xây dựng với quy mô lớn hơn.
Ví dụ: xây dựng kiến thiết nước Việt Nam
⇒ Về mặt nghĩa thì cả hai từ đề mang tính chất giống nhau. Nhưng so với xây dựng thì kiến thiết được dùng ở những quy mô lớn hơn.
b. Nghĩa của từ:
– Vàng xuộm: là màu vàng đậm lan đều khắp nơi. Trong đoạn văn, lúa vàng xuộm là lúa đã chín đều, người nông dân có thể thu hoạch được
– Vàng hoe: màu vàng của sự pha lẫn với đỏ, vàng tươi và ánh lên.
– Vàng lịm: sắc màu gợi lên sự ngọt ngào. Đây thường là màu của các loại quả đã chín già.
⇒ Ba cụm từ “vàng xuộm – vàng hoe – vàng lịm” là các từ đồng nghĩa vì chúng đều cùng chỉ màu vàng.
Bài 3. Phân biệt sắc thái nghĩa của những từ đồng nghĩa dưới đây:
a. “… những khuôn mặt trắng bệch, những bước chân nặng như đeo đá”
b. Bông hoa huệ trắng muốt
c. Đàn cò trắng phau
d. Hoa ban nở trắng xóa núi rừng
Đáp án
a. Trắng bệch: trắng nhợt nhạt, thiếu sức sống
b. Trắng muốt: màu trắng đều, ánh lên ánh sáng
c. Trắng phau: trắng tuyệt đối, không pha lẫn tạp chất
d. Trắng xóa: trắng đến lóa mắt trên một diện rộng
Bài 4. Chọn từ ngữ thích hợp trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh từng câu:
a. Câu văn cần được (đẽo, gọt, gọt giũa, vót, bào) cho trong sáng và súc tích
b. Trên sân trường, mấy cây phượng vĩ nở hoa (đỏ au, đỏ bừng, đỏ đắn, đỏ hoe, đỏ gay, đỏ chói, đỏ quạch, đỏ tía, đỏ ửng)
c. Dòng sông chảy rất (hiền hòa, hiền lành, hiền từ, hiền hậu) giữa hai bờ xanh mướt lúa ngô.
Đáp án
a. Gọt giũa
b. Đỏ chói
c. Hiền hòa
Bài 5. Xếp các từ: “giang sơn, thương người, đất nước, nhi đồng, sơn hà, trẻ thơ, nhân ái, nước non, nhân đức, con nít” vào các chủ điểm dưới đây:
Tổ quốc
Trẻ em
Nhân hậu
Đáp án
– Tổ quốc: giang sơn, đất nước, sơn hà, nước non
– Trẻ em: nhi đồng, trẻ thơ, con nít
– Nhân hậu: thương người, nhân ái, nhân đức
>> Xem thêm Từ đồng âm là gì? Ví dụ về từ đồng âm
Trên đây là bài viết về Từ đồng nghĩa là gì? Phân loại và lấy ví dụ về từ đồng nghĩa của Luật Minh Khuê gửi đến bạn đọc mang tính chất tham khảo. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn miễn phí pháp luật theo số hotline 1900.6162 để được đội ngũ Luật sư tư vấn pháp luật hỗ trợ giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách hàng. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!.