Từ điển định nghĩa ‘nhà báo là ăn bám’: Đại diện nhà xuất bản nói gì?

(VTC News) –

Cuốn “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” của tác giả Huỳnh Công Tín nêu định nghĩa nhà báo là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình khiến nhiều người bất ngờ.

Ông Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin trên. Nhà xuất bản đang khẩn trương yêu cầu các đơn vị biên tập kiểm tra lại cuốn sách và thông tin đến công chứng sớm nhất.

Cuốn sách này tổng số 1.392 trang, khoảng 20.000 từ, xuất bản lần đầu năm 2007.

Từ điển định nghĩa 'nhà báo là ăn bám': Đại diện nhà xuất bản nói gì? - 1

Từ điển “Từ ngữ Nam Bộ” do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007 với 1.392 trang (trái) và năm 2009, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in lại với 1.472 trang (phải). 

Liên quan vấn đề trên, chia sẻ với báo chí, TS Huỳnh Công Tín, chủ biên sách “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” chia sẻ đây là từ điển về từ ngữ Nam Bộ dùng trong lời nói của người Nam Bộ, chứ không phải từ ngữ trong từ điển Tiếng Việt. Trong lời chú giải có để (nb) tức “nghĩa bóng”, nên từ “nhà báo” không phải chỉ những người đi làm báo mà nói về những người thất nghiệp.

Khi học ra trường hay bị hỏi làm nghề gì thì người Nam Bộ hay nói vui “làm nhà báo”, ý nói “tôi còn thất nghiệp, ăn bám gia đình, chưa có công ăn việc làm, còn phụ thuộc vào người khác”, chứ không phải “nhà báo” chỉ những người làm nghiệp vụ báo chí. 

Tuy nhiên, chuyên gia ngôn ngữ không đồng ý với cách lý giải như vậy của tiến sĩ Tín. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cách định nghĩa nhà báo như vậy đây không phải ngôn ngữ địa phương, chỉ là cách nói đùa sau đó lan truyền và trở nên phổ biến.

Ông ví dụ, ở miền Bắc, người dân có cách nói tương tự như “ăn bám”, “ăn báo cô” – tức chỉ những người không việc làm, nhàn rỗi thất nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói đùa thông dụng ở địa phương, không phải văn hoá hay từ ngữ đặc trưng đại diện cho văn hoá địa phương.

“Tác giả sách này chưa phân biệt được giữa cách nói thông dụng ở địa phương và ngôn ngữ đặc trưng vùng miền, địa phương. Ngôn ngữ địa phương có hệ quy chiếu, tiêu chuẩn riêng để phân biệt với những từ ngữ thông dụng, nói đùa”, vị chuyên gia nói.

Mặt khác, GS Đạt cũng cho rằng, “nhà báo” là từ dành cho các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… làm nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm báo chí phục vụ công chúng. “Tác giả Huỳnh Công Tín – chủ biên sách, cần giải nghĩa rõ từ ngữ, tránh tạo ra hiệu ứng xấu đến nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí”.

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài bày tỏ, không có cơ sở để khẳng định trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người Nam Bộ thường sử dụng từ “nhà báo” theo nghĩa “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”. Cách nói này chỉ xuất hiện ở một số ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu.

Ví dụ, người A hỏi: Thời gian qua anh/chị làm gì? Người B trả lời: Tôi làm nhà báo. Từ “nhà báo” trong câu này phải được đặt trong ngữ cảnh A và B là bạn học của nhau, đã tốt nghiệp đại học, nhưng B chưa xin được việc làm. Dĩ nhiên câu nói này chỉ có A và B hiểu, người ngoài không hiểu theo nghĩa “thất nghiệp”, “ăn bám”,…

“Nghĩa bóng về “nhà báo” với nghĩa tiêu cực như vậy không phù hợp để đưa vào từ điển. Từ “nhà báo” là người chuyên làm nghề viết báo (theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê biên soạn), chứ không có nghĩa chuyển chỉ người “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”, ông Hoài nói.

Ông cũng cho rằng, từ “nhà báo” không có trong phương ngữ Nam Bộ, mà chỉ xuất hiện trong một ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu. Phương ngữ là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội. Ngoài ra, về bản chất “nhà báo” là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo theo quy định của Luật Báo chí năm 2016.

Hà Cường

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ