Tự chủ tài chính là gì? Tự chủ tài chính cá nhân, cơ quan, tổ chức

Điều kiện để đảm bảo tự chủ tài chính đối với sự nghiệp công lập là gì?. Luật Minh Khuê xin giới thiệu bạn đọc “Tự chủ tài chính là gì? Tự chủ tài chính cá nhân, cơ quan, tổ chức?” để trả lời cho câu hỏi trên.

1. Tự chủ tài chính là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

Hiểu đơn giản là tự chủ tài chính là trạng thái mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có khả năng kiểm soát được vấn đề chi và tạo ra được thu bằng nhiều phương thức khác nhau để thực hiện các hoạt động, đáp ứng nhu cầu cho bản thân, cơ quan, tổ chức mình.

 

2. Vai trò của tự chủ tài chính

Tự chủ tài chính là cơ chế mà các đơn vị sự nghiệp công lập được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đối với các khoản thu, chi của đơn vị nhưng không được vượt quá mức khung theo quy định.

Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính sẽ giúp đơn vị đó chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra đơn vị có thể tăng nguồn thu, phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội.

Thứ hai, thực hiện, cung cấp các dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp.

Thứ ba, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển; bảo đảm cho các đối tượng chính sách – xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xã, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.

 

3. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

3.1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1)

Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án:

Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%)
=
A
x
100%

B

A là các khoản thu, gồm:

(1) Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng và đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công)

(2) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.

(3) Nguồn thu hoạt động sự nghiệp:

+ Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

+ Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

+ Thu từ cho thuê tài sản công.

(4) Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi.

(5) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có)

(6) Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có)

B là các khoản chi thường xuyên giao tự chủ: chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương; chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chi hoạt động chuyên môn, quản lý; chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ; trích lập các khoản dự phòng; chi trả lãi tiền vay (nếu có); các khoản chi khác (nếu có).

Thứ nhất, đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trính khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định các nguồn sau:

  1. Số dự kiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;
  2. Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ.

Thứ hai, đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

 

3.2. Đơn vị sự sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2)

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên cần đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Thứ nhất, đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên được xác định bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Thứ hai, đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

 

3.3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3)

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định từ 10% đến dưới 100% sẽ được Nhà nước đặt hàng hoặc đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại:

  1. Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;
  2. Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;
  3. Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

 

3.4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4)

Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên bao gồm:

  1. Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định dưới 10%;
  2. Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

 

4. Những điểm mới trong quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

  • Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công:

Trước đây, tại Điều 12 Nghị định 16/2015/NĐ-CP cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thì nguồn tài chính của đơn vị không có sự tách bạch giữa nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Do đó, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã làm rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm: thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu từ hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; thu từ cho thuê tài sản công.

  • Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết:

Tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP chưa quy định rõ các hình thức liên doanh, liên kết và phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập. Và hiện nay, Nghị định 60/2021/NĐ-CP  thì đơn vị sự nghiệp công có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết. 

Ngoài ra, phân chia kết quả hoạt động liên doanh, liên kết được thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết: (1) Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới thì đơn vị sự nghiệp công tiến hành bổ sung toàn bộ kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết vào nguồn tài chính của đơn vị có hoạt động liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và (2) Hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới thì khoản tiền thu được từ kết quả phân chia của hoạt động liên doanh, liên kết sau khi chi trả các chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản đem đi góp vốn (nếu có); phần thu nhập được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công được quản lý và sử dụng theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!