Từ câu hỏi của Jack Ma, định nghĩa lại về sự thành công của giới trẻ hiện đại
Trong một cuộc gặp gỡ mới đây ở Việt Nam, Jack Ma đặt một câu hỏi khá thú vị về những gì mà các bạn trẻ Việt đang làm: “Có rất, rất nhiều bạn trẻ, có phải tối nào họ cũng xuống phố chơi không? Với một đất nước trẻ như Việt Nam, việc của họ phải là làm ăn, kinh doanh trên mạng chứ?”. Câu hỏi này thật sự đã tạo nên một cuộc tranh luận không hồi kết trên rất nhiều diễn đàn và mạng xã hội của giới trẻ hiện đại, không chỉ về thói quen mà còn về động lực thành công trong cuộc sống.
Hiện diện trong thế giới này, không ai trong chúng ta không khao khát thành công. Nếu xem mỗi cá nhân là một cỗ động cơ, thì niềm khao khát thành công chính là thứ nhiên liệu mạnh nhất, giúp ta chuyển động tiến về phía trước.
Một số kết quả nghiên cứu xã hội học cho thấy, khi đặt ra lựa chọn cho người trẻ, mong muốn đạt đến thành công luôn dành quan tâm nhiều hơn so với có được hạnh phúc. Dễ kiểm chứng hơn, thử dò bằng Google, bạn sẽ thấy từ khóa “thành công” cho đến hơn 71 triệu kết quả, trong khi “hạnh phúc” chưa đầy 45 triệu.
Thành công là một khái niệm không đồng nhất. Mỗi người có một định nghĩa riêng. Mỗi thời đại, mỗi xã hội, dù dựa trên một số giá trị phổ quát chung, thì ý niệm về thành công vẫn có sự chuyển dịch. Và trong thế kỷ 21, thế kỷ của những sự thay đổi, định nghĩa thành công của người trẻ càng có những biến đổi mạnh mẽ, đa dạng hơn, thách thức hơn.
Với hầu hết chúng ta, thành công và ý nghĩa cuộc đời trùng khít với nhau, bởi đó chính là kết tinh chuỗi hành động của bản thân mình. Chúng ta đặt ra những mục tiêu để nỗ lực đạt tới. Học tập, làm việc, đua tranh, khẳng định tên tuổi là cách chúng ta từng bước chinh phục đỉnh cao. Hành trình chạm đến thành công là hành trình không có điểm dừng, bởi khi ta đặt chân lên nấc thang này, lại có những nấc thang cao hơn, thử thách hơn do xã hội kỳ vọng hay do chính bản thân buộc ta bước tới.
Khoảng thời gian ở tuổi thiếu niên và trưởng thành, câu hỏi thường trực trong mỗi người trẻ thường là: Tôi sống để làm gì? Thông qua va chạm và trải nghiệm, mỗi người tìm thấy một ý nghĩa riêng trên con đường mình đi, hình thành nên một mục tiêu để theo đuổi. Từ đó, định nghĩa về thành công thành hình.
Ở nghĩa cơ bản, thành công được hiểu là sự hoàn thành, đạt được một hay nhiều mục tiêu nào đó. Một cách hoa mỹ, các mục tiêu có tên là ước mơ. Khi ước mơ được thỏa mãn, con người chạm đến một trạng thái tinh thần mang tính kết quả là hạnh phúc. Thông thường, thành công được xem là đường dẫn đưa ta đến hạnh phúc, như lời chúc phổ thông nhất cả thế giới vẫn dành cho nhau: Thành công và hạnh phúc!
Mệnh đề được nhiều người sử dụng là “Tôi thành công trong … và tôi sẽ hạnh phúc”. Đặt từ nào ở dấu ba chấm chính là lựa chọn từng cá nhân tự điền vào. Trong một thời gian dài, với thế hệ 7x và 8x đời đầu ở Việt Nam, “sự nghiệp” gần như là từ duy nhất được chọn.
Điều này không khó giải thích. Xã hội chúng ta đã phải trải qua những thời điểm khốn khó, khiến những tiêu chuẩn sống cơ bản trở thành mục tiêu hàng đầu. Rất rõ ràng, cơm no áo ấm là ước mơ cả xã hội cùng hướng tới, và giai đoạn sau nâng cấp lên thành ăn ngon mặc đẹp. Nói một cách đơn giản, thành công đồng nghĩa với hoàn tất các nghĩa vụ như lập gia đình, nuôi dạy con cái, tiền bạc vật chất đủ đầy, có được danh vị cao trong xã hội thì càng tốt. Vì thế, trong tâm thức thế hệ cha anh chúng ta, tậu trâu/ mua xe, cưới vợ/ sinh con, làm nhà/ mua nhà được xem là những bước đi nhất định phải thực hiện, còn công thành danh toại là tiêu chuẩn ai ai cũng ước ao để khi đạt được, niềm tự hào mãn nguyện không chỉ riêng cho cá nhân người đó mà còn cả gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, bảng giá trị ấy bắt đầu được điều chỉnh. Khi người trẻ Việt kể từ thế hệ 9x bắt đầu hành trình trưởng thành, điều họ chọn để đặt vào dấu ba chấm kia không chỉ còn là “sự nghiệp”.
Lớn lên trong bầu khí quyển của Internet và cách mạng công nghệ, thụ hưởng lớn nhất của thế hệ Tôi chính là tầm nhìn mở mang và không khí tự do về tư tưởng. Những mẫu hình thành đạt mới xuất hiện, có thể gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng đến người trẻ. Một nghệ sĩ giỏi với nhiều giải thưởng danh giá được ngưỡng mộ, nhưng chúng ta vẫn dành sự ngưỡng mộ tương đương hay nhiều hơn thế cho ngôi sao trên mạng chưa từng qua trường lớp, chưa được bảo chứng bằng giải thưởng nào. Một vận động viên giành huy chương vàng bộ môn thể thao đỉnh cao được yêu quý ngang bằng một “phượt thủ” được nhiều người theo dõi. Một tỉ phú có hàng tỉ đồng trong tài khoản có sức hấp dẫn ngang ngửa một hot blogger hay một KOL có hàng trăm ngàn lượt like.
Thành công giờ đây mang đậm chất cá nhân, và trở thành một định nghĩa động. Quan niệm “thành – bại” thay đổi ở từng bạn trẻ, phụ thuộc vào trải nghiệm, góc nhìn, nhu cầu và quan điểm sống của họ. Quan trọng nhất, người trẻ không còn bó buộc vào các tiêu chuẩn xã hội hay hình ảnh do thế hệ trước áp đặt. Chúng ta tự đặt ra các tiêu chuẩn thành công của riêng mình. Nỗi sợ hãi trước sai lầm hay thất bại giảm nhẹ, chuyển thành sự chấp nhận để có được trải nghiệm. “Ta luôn có thể làm lại”, “Ngã chỗ nào, ta đứng lên từ chỗ ấy”, “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”… Đây không phải là cách động viên đơn thuần, mà là thái độ sống của người trẻ. Tự do và khoáng đạt hơn, họ tìm thấy nhiều con đường đến với thành công hơn.
Điểm chung giữa các hình mẫu thành công được giới trẻ yêu mến là khả năng truyền cảm hứng từ trải nghiệm và cuộc đời của họ. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng sách kĩ năng làm giàu, thay đổi bản thân rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Những cuộc nói chuyện của nhân vật thành đạt dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, nghệ thuật luôn thu hút rất đông người tham dự. Những cá nhân khởi nghiệp trở thành động lực mới của xã hội. Thành công là mục tiêu lớn. Thậm chí độ ám ảnh của nó với thế hệ hôm nay còn mạnh hơn so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, có được động lực, tìm ra con đường để đi đến mục tiêu lớn mới là hạnh phúc.
Cách đây 10 năm, một copywriter trẻ tuổi nổi tiếng trong làng quảng cáo Việt đột ngột rời bỏ công việc, khi sự nghiệp của anh đang trên đỉnh cao, trở về quê nhà sống yên tĩnh, làm những công việc được xem là khiêm nhường nếu so với các dự án triệu đô trước đây, tìm kiếm một ý nghĩa khác cho cuộc đời mình. Lựa chọn bất ngờ của copywriter ấy gây chấn động cho tất cả những ai từng biết anh, được bàn tán suốt thời gian dài cùng nhiều băn khoăn tiếc nuối. Nhưng, ở góc độ khác, câu chuyện người thực việc thực này như một từ khóa, mở ra một giai đoạn mới, với cách nhìn mang tính bước ngoặt của người trẻ Việt về thành công trên đường đời.
Thế giới hôm nay đang có một sự dịch chuyển giữa hai khái niệm “thành công” và “hạnh phúc”. Nếu ngày trước, thành công là chiếc máy bay ta phải bước lên để bay đến hòn đảo hạnh phúc, thì giờ đây, thành công chính là hạnh phúc. Nhà sáng lập Virgin Group – tập đoàn trị giá 5 tỉ đô la Mỹ, tỉ phú Richard Branson bày tỏ: “Với tôi, thành công thực sự phải được đo bằng hạnh phúc của chính mình.” Tất nhiên vẫn có người lựa chọn ngôi nhà lớn, garage đầy xe đẹp, du thuyền với máy bay riêng, và có nhiều tiền trong tài khoản làm ngưỡng thành công. Nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều lựa chọn, không còn luôn đúng như trước.
Thành công với một nghệ sĩ là những buổi diễn đỉnh cao và sự công nhận tài năng. Thành công với một vận động viên lại là những kỷ lục cần chinh phục. Một kỹ sư công nghệ cảm nhận thành công khi viết được các ứng dụng được sử dụng rộng rãi. Một bệnh nhân hồi phục sau ca phẫu thuật là thành công của bác sĩ… Thành công có thể là những điều lớn lao, nhưng cũng có thể là những mục tiêu giản dị, nhỏ bé, và thậm chí, không hẳn cần nhiều nỗ lực để chinh phục. Thành công là thứ thật tâm ta cảm nhận, chứ không phải điều ta trưng ra để chung quanh trầm trồ. Một kẻ lãng mạn sẽ cảm thấy thành công khi tìm thấy tình yêu của đời mình. Một diễn viên tài sắc vẹn toàn gác lại sự nghiệp, bởi với thiên hướng gia đình, cô rất mãn nguyện với ngôi nhà đầm ấm bên chồng và những đứa trẻ. Hay có những người, giống như anh chàng Gilbert Grapes trong bộ phim What’s Eating Gilbert Grapes, thành công chỉ là “trở thành một người tốt”.
Với giới trẻ hiện đại, có một khái niệm thành công gọi là trải nghiệm: Tận hưởng mọi điều mà cuộc sống này có thể mang lại. Hãy nhìn chiếc vali dán đầy logo các hãng bay của anh bạn yêu du lịch đã ghé thăm nhiều vùng đất ghi trong wishlist. Hãy ngắm tủ sách đầy ắp những bộ truyện tranh được sưu tập kỳ công của cô nàng say mê những trang sách thần tiên. Hãy xem Instagram của một fashionista hay một fashionisto thường xuyên có mặt ở các tuần lễ thời trang quốc tế… “Tôi ở đấy vào thời khắc ấy” thay thế cho “Tôi kiếm được gì ở đấy” trong quan niệm về thành công. YOLO (you only live once) là sự cô đọng của quan niệm này, và trở thành triết lý sống mới phổ biến trong giới trẻ.
Dù đa dạng đến đâu, trong mọi định nghĩa thành công luôn có những giá trị chung, những nền tảng bất biến trong mọi xã hội, được chấp nhận rộng rãi trong mọi thời đại. Đó là sự đảm bảo về tài chính, sức khỏe và các mối quan hệ. Một khả năng tài chính vững vàng giúp ta tự chăm sóc chính mình và người thân. Một sức khỏe tốt giúp ta thoải mái tận hưởng cuộc sống. Và các giá trị của tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu… đem đến cho ta niềm vui, sự cân bằng trong xúc cảm. Ba sự đảm bảo này mang đến sự an toàn. Tất nhiên, vẫn có các cá thể ngoại lệ, nhưng là số ít.
Sự lên ngôi của mạng xã hội sinh ra nhu cầu được biết đến, được có sức ảnh hưởng. Với vài người, như tỉ phú Warren Buffett, thành công đã vượt ra khỏi các yếu tố vật chất: “Thành công của tôi được đo lường thông qua bao nhiêu người yêu mến tôi”. “Được yêu mến” trở thành một kiểu thành công đặc trưng của thời đại mạng xã hội.
Ngược với Buffett, một tỉ phú khác là Bill Gates lại có cách nhìn khác, phản ánh xu hướng của bộ phận không nhỏ công dân hiện đại: Thành công là tạo ra các giá trị, không phải cho mình mà cho người khác, cho xã hội. Đồng quan điểm là nhà đồng sáng lập tờ báo điện tử Huffington Post, bà Arianna Huffington cho rằng thành công bao gồm bốn yếu tố chính: Hạnh phúc, khôn ngoan, sự diệu kì và khả năng cho đi. Trong đó, việc “cho đi” được nhấn mạnh. Nếu chỉ gom góp cho cá nhân, đó chưa phải thành công đúng nghĩa. Bạn còn phải tạo ra các giá trị cho cộng đồng.
Phải chăng, chính từ mong muốn làm giàu cho bản thân, tạo ra giá trị và lan tỏa giá trị đến cộng đồng mình, rộng hơn là đất nước mình, những người như Jack Ma rất được quan tâm, lắng nghe trong giới trẻ khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Gạch nối mang tên “thành công” giữa cá nhân và cộng đồng của Jack Ma không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân người trẻ, mà hơn hết, nó còn tác động đến cái nhìn của xã hội về thành công và làm sao hỗ trợ người trẻ thành công: “Triết lý kinh doanh truyền thống ‘có 20% doanh nghiệp lớn là thành công, 80% người trẻ và những doanh nghiệp nhỏ thất bại’ đã trở nên lỗi thời. Chí ít thì chúng ta phải chuyển sang tỉ lệ 80-20, nghĩa là cần giúp đỡ 80% người trẻ hay những doanh nghiệp trẻ. Nếu muốn thành công, giờ chúng ta cần quan tâm tới những người dưới 30 tuổi, những doanh nghiệp dưới 30 người. Đây là động lực của sự thay đổi.”
Dù mang tính cá nhân đến đâu, thành công vẫn là một sản phẩm xã hội. Nếu bạn chỉ có một mình, sẽ chẳng có thành công hay thất bại. Trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối, không có chỗ cho sự đơn lẻ. Do đó, định nghĩa thành công cũng mang tính chất thời đại, đến từ tất cả các khía cạnh trong cuộc sống, thỏa mãn được từng nhu cầu cụ thể. Thành công không chỉ dành cho bản thân ta, mà còn là các giá trị cho cộng đồng, xã hội. Nhận thức này đang ngày càng lan rộng, tác động tích cực đến người trẻ.
Ý nghĩa của thành công không phải là số lượng chiến tích thu thập được. Cho dù ngày hôm nay, mở bất kỳ trang mạng hay tờ tạp chí lifestyle nào, chúng ta đều dễ choáng ngợp trước hình ảnh các celeb với vô số tiện nghi tiền tỉ, rồi truyền thông và xã hội thường gán thành công vào một cuộc sống đáng kinh ngạc với những thứ hữu hình, thì cũng đừng vội chạnh lòng hay mặc cảm kém thành công. Bởi, trong mọi nền văn hóa, ý nghĩa thật sự của thành công không nằm ở những thứ lấp lánh bề ngoài.
Quay trở lại câu hỏi của Jack Ma về giới trẻ Việt Nam. “Có phải tối nào họ cũng xuống phố chơi không?”.
Có mục tiêu cụ thể, tập trung thời gian và trí lực cho nó, hành động thiết thực, là cách để mỗi cá nhân chúng ta thành công, và lan tỏa năng lượng tích cực đến vòng tròn quanh mình.
Xác định được định nghĩa thành công của riêng mình vốn dĩ không dễ dàng. Đó là điều chúng ta phải tự tìm ra, như lời Stephen Covey, tác giả cuốn sách The Seven Habits of Highly Effective People: “Hãy thử suy nghĩ về việc người ta sẽ nói gì về bạn trong chính đám tang của bạn, từ đó bạn sẽ tìm thấy định nghĩa thành công của mình.” Hàm ý của Covey chính là điều mà khá nhiều người quên lãng, trước khi bước vào cuộc chạy đua đến thành công: Xác định hệ giá trị của mình. Chúng ta là ai? Chúng ta thật sự muốn gì? Chúng ta đứng về phía những giá trị nào, vật chất hay tinh thần, cá nhân hay xã hội?…
Có những người tưởng như đạt được tất cả những gì tốt đẹp nhất, được nhiều người ngưỡng vọng, nhưng thâm tâm lại không hạnh phúc. Đó là do họ chạy theo hệ giá trị của người khác. Họ lao vào cuộc sống như một tay đua lao vào con đường sương mù, đi theo những biển chỉ dẫn của xã hội, hoặc của gia đình. Đích đến thường không phải là nơi họ thật sự tìm kiếm.
Xác định được hệ giá trị cho bản thân là quá trình đầy chông gai. Nhiều người nói rằng họ không hề biết mình muốn gì cho đến năm 40 tuổi, hoặc trễ hơn. Đó vẫn là kết quả của việc sống và trải nghiệm. Từng có thời đại mà chúng ta được gán cho hệ giá trị chung. Thời đại đó đã qua. Giờ đây, muốn thành công và hạnh phúc thật sự, mỗi chúng ta đều phải trở thành những kẻ phiêu lưu. Chúng ta phải tự mò mẫm trong sương mù, tự xác định những chỉ dẫn, tự đi vào những con đường sai rồi trở lại. Lắng nghe chính mình, tự điều chỉnh, từng chút một trong hành trình ấy, ta biết được bản thân mình cần gì và muốn gì.
Chúng ta có thể theo dõi, lắng nghe những người nổi tiếng như Warren Buffett, Bill Gates hay Jack Ma nói về thành công của họ. Gần gũi hơn, chúng ta học hỏi từ người thân, bạn bè. Khi còn trẻ, chúng ta thường phải dựa vào một ai khác, cần đến dẫn dắt tinh thần từ họ, không sao cả. Chúng ta có thể đi vào con đường của người đi trước, không sao cả. Nhưng luôn luôn, hãy lắng nghe con tim mình. Hãy để ý những đổi thay trong cảm xúc và tinh thần. Hãy đánh dấu những thời khắc quan trọng, khi con tim lên tiếng. Đó chính là dấu vết đưa ta đến đúng hệ giá trị của bản thân.
Thành công của tuổi trẻ chưa phải là tiền bạc hay tiếng tăm, mà là kiến thức và kinh nghiệm. Bước sang một giai đoạn mới, chúng ta lại cần đến những định nghĩa mới. Tất cả đều phải phù hợp với hệ giá trị riêng của mỗi chúng ta. Chỉ có xác định và trung thành với giá trị riêng của mình, chúng ta mới chạm đến được thành công thật sự và hạnh phúc thật sự.
Cuộc đời mỗi người là bức tranh do chính người ấy vẽ nên. Lựa chọn hành động tạo nên chi tiết cho bức tranh. Tinh thần và thái độ sống tạo nên những mảng màu. Vậy nên, hãy sống để khi nhìn lại bức tranh toàn cảnh, ta có thể hạnh phúc mỉm cười. Và đó chính là thành công lớn nhất với mỗi chúng ta, khi được nhận món quà sự sống.
Bài viết:
Nam Lâm
Minh hoạ:
Vũ Tuấn Anh
Thiết kế:
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ