Từ ánh sáng đến mây: Hollywood đang phát triển thế nào – BBC News Tiếng Việt
Từ ánh sáng đến mây: Hollywood đang phát triển thế nào
- Zoe Kleinman
- Phóng viên Công nghệ Kinh doanh
31 tháng 10 2016
Nguồn hình ảnh, AP
Chụp lại hình ảnh,
Phim Star Trek Beyond có sự tham gia của Công ty hiệu ứng hình ảnh Atomic Fiction
Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với việc truyền tải phim và các chương trình truyền hình đến các thiết bị kỹ thuật số thông qua tiện ích đám mây nhờ dịch vụ của Netflix, Amazon Prime, iPlayer và YouTube.
Điện toán đám mây cũng có tác động rất lớn đến phương thức sản xuất loại hình giải trí này.
Atomic Fiction của Mỹ và Canada là công ty thực hiện hiệu ứng hình ảnh cho các bộ phim Star Trek Beyond, Deadpool và Allied, phim sắp ra mắt của Brad Pitt.
Thế nhưng Laurent Taillefer, chuyên viên giám sát đồ hoạ điện toán của studio này tin rằng công ty của ông sẽ khó có thể cạnh tranh với những studio lớn hơn nếu không có sự hỗ trợ của một hệ thống điện toán đám mây mạnh.
Ông cho biết việc dựng hình, tức quá trình sắp xếp tất cả các thành phần chính của một bộ phim như hình ảnh, âm thanh, đồ hoạ, thành bản cuối cùng có thể mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có một hệ thống máy tính rất lớn.
“Số lượng cảnh phim chúng tôi xử lý… mức độ chi tiết của nội dung, ví dụ như việc tái dựng hình ảnh khu Manhattan sao cho trông như thật trong bộ phim The Walk của đạo diễn Robert Zemeckis đòi hỏi phải đầu tư một hệ thống máy tính rất tốn kém, điều mà một studio nhỏ như chúng tôi khó có thể cạnh tranh nổi,” ông Taillefer nói tiếp.
Nguồn hình ảnh, AP
Chụp lại hình ảnh,
Phim Allied của Brad Pitt và Marion Cotillard sắp ra mắt tháng 11
Vì thế Atomic Fiction sử dụng một dịch vụ dựng hình đám mây gọi là Conductor, một hệ thống điện toán cực mạnh mà công ty có thể truy cập khi cần.
“Với phim Deadpool”, ông nói, “một số cảnh quay về thành phố có quá nhiều chi tiết về mô hình và kết cấu khiến việc dựng hình đòi hỏi dung lượng bộ nhớ lớn hơn dung lượng sẵn có trên các máy tính tiêu chuẩn.”
“Những cỗ máy đám mây có thể đáp ứng dung lượng mà chúng tôi cần khi dựng những cảnh quá phức tạp.”
“Rất hấp dẫn”
Hai công ty khác cũng cung cấp dịch vụ đám mây thuộc Google là Zync và Rayvision với mô hình kinh doanh “chỉ trả cho những gì bạn dùng”, giúp hỗ trợ các studio nhỏ cạnh tranh với những công ty lớn trên thế giới.
Ông Simon Robinson, nhà khoa học đứng đầu của The Foundry, một công ty chuyên sản xuất các công cụ phần mềm cho ngành điện ảnh nói nhiều dự án phim thích đám mây ở khả năng đáp ứng dung lượng rất lớn của nó.
“Khi bạn có thể sản xuất ra một sản phẩm mà chỉ có các công ty lớn mới làm được, điều đó thật hấp dẫn. Bạn vừa có dung lượng lớn vừa có cơ hội tiếp cận để ‘chơi’ với các anh lớn trong nghề.”
Nguồn hình ảnh, MARAUDER FILM/THE FOUNDRY
Chụp lại hình ảnh,
Công ty Foundry cộng tác với các nhà làm phim qua dịch vụ đám mây như hãng phim Marauder khi thực hiện phim khoa học viễn tưởng Is This Heaven
Thời chưa có đám mây, các studio gặp rất nhiều trở ngại khi xử lý những file dữ liệu khổng lồ, một vấn đề nảy sinh khi chuyển từ cách làm phim truyền thống sang phim số.
Để tạo ra các hiệu ứng đặc biệt cho phim trong thế kỷ 21, chúng ta cần có một hệ thống xử lý dữ liệu chỉ có thể được thực hiện bởi các siêu máy tính.
Một bộ phim trong quá trình sản xuất có thể đạt đến dung lượng một petabyte dữ liệu, tương đương 1 ngàn terabyte ổ cứng. Và tất cả những dữ liệu này cần được chuyển đi khắp nơi để chỉnh sửa, tải lên, tải xuống bởi nhiều đội ngũ khác nhau tham gia vào quá trình làm hậu kỳ phim.
Hiển nhiên chúng ta có thể thấy rõ nhiều tiện ích khi cho đám dữ liệu này vào một nơi vừa xa vừa an toàn mà vẫn dễ tiếp cận.
‘Tự cô lập’
Tuy nhiên trong khi những gã khổng lồ có tiếng về dịch vụ đám mây nhưAmazon, Microsoft và Google sở hữu những trung tâm dữ liệu có dung lượng lớn để cho thuê thì các studio ở Hollywood lại tỏ ra rất chậm chạp trong việc khai thác “không gian chung” này, họ thích tự xây dựng hạ tầng đám mây riêng hơn.
Tại sao? Một lý do thôi, đó là do các studio ở Hollywood đã đầu tư quá nhiều tiền vào các trung tâm dữ liệu và đám mây riêng của họ nên chưa muốn từ bỏ ngay thứ mà họ đã đầu tư tốn kém, cho dù có nhiều lựa chọn khác rẻ hơn.
Tính an toàn cũng là một mối quan tâm khác.
Nguồn hình ảnh, Hulton Archive
Chụp lại hình ảnh,
Công nghệ làm phim ở Hollywood đã thay đổi rất nhiều kể từ thời King Vidor (trái) làm đạo diễn
Ông Robinson nói, “Các bạn thấy đấy, ngành công nghiệp điện ảnh bị ám ảnh bởi tính an toàn và dữ liệu.”
“Về mặt an toàn thì hiện nay rất nhiều công ty đám mây có thể đáp ứng tốt… nhưng cái mà mọi người hay lo lắng chính là những điều không hềm ới, đó là lỗi về con người và lỗi do con người gây ra.”
Tiến sĩ Richard Southern, giảng viên cao cấp về hoạt hoạ vi tính của Đại học Bournemouth đồng ý rằng trong thế giới đầy rẫy tội phạm công nghệ, các studio hiện đang trong tình trạng tự cô lập. Như MPC, công ty hiệu ứng hình ảnh hiện đang làm việc với các dự án phim của Marvel, không bao giờ chịu cho phép một hệ thống công cộng như thế tham gia vào quá trình sản xuất phim của họ.
Một mối quan tâm khác nữa là tốc độ và độ tin cậy của mạng đám mây.
Nguồn hình ảnh, LEON NEAL
Chụp lại hình ảnh,
Một kỹ sư thiết kế đồ hoạ của công ty hiệu ứng hình ảnh Framestore đang làm việc với một phân cảnh trong phim Gravity
Tiến sĩ Southern nói “Cứ cho là bạn đang dựng hình với tốc độ khoảng 30 khung hình/giây, mỗi khung hình có thể lên đến 100 megabyte, nếu mạng bạn đang làm việc quá yếu thì sẽ rất khó để có thể truyền toàn bộ dữ liệu.”
Đó là lý do vì sao các studio có khả năng tài chính tốt quyết định tự xử lý dữ liệu và tự xây dựng những “trang trại server” của riêng mình.
Việc truyền tải dữ liệu có dung lượng khổng lồ cho các dự án phim vẫn mất rất nhiều thời gian và thời gian được tính bằng tiền để trả cho nhà cung cấp dịch vụ đám mây, ông Robinson nói thêm.
“Hiện nay vẫn còn một chút e ngại. Kiểu như chúng tôi đang đứng giữa ranh giới của việc Tôi có thể mua cho mình (một phần cứng) và Tôi có thể tìm tới các nhà cung cấp (đám mây) lớn.”
“Cách nào cũng đáng để thử nhưng chi phí thì vẫn thế nên cuối cùng họ vẫn sẽ “Thôi quên đi, tôi tự tậu một mạng đám mây riêng cho xong.”