Từ 16/10, người vào Nam Định, Thái Bình không phải trình kết quả xét nghiệm
TPO – 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình vừa đồng loạt ra văn bản theo hướng nới lỏng các biện pháp kiểm dịch. Theo đó, từ 0 giờ sáng nay 16/10, người đến Nam Định, Thái Bình sẽ không phải trình giấy xét nghiệm COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, chiều 15/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định đã họp, ban hành một số biện pháp phòng, chống dịch mới.
Theo đó, từ 0 giờ sáng nay 16/10, người vào tỉnh Nam Định không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng phải tiến hành khai báo y tế với chính quyền địa phương nơi đi và về để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Người đến, về từ vùng cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ) hoặc các khu vực đang phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần.
Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.
Người đến, về từ vùng cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam) và vùng cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có xác nhận của cơ sở y tế) cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 2 lần. Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cách ly tại nhà 14 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 3 lần.
Người đến, về từ vùng cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh), tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.
Những trường hợp công vụ, đoàn ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý, công nhân tay nghề cao đi, về từ vùng cấp độ 2, 3 làm việc tại tỉnh có thời hạn phải có kế hoạch cụ thể, thành phần đoàn, thời gian vào tỉnh, lịch trình công tác và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam Định, do tỷ lệ tiêm vắc xin hiện đạt thấp, nên tỉnh này đã xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phù hợp với thực tế tại địa phương.
Hiện Sở Y tế tỉnh đang đánh giá cấp độ dịch tại địa phương làm cơ sở để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Nam Định đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn.
Tương tự, tối qua (15/10), tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản thay đổi một số biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Từ ngày 16/10, hầu hết các trường hợp về tỉnh này đều không phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, trừ vùng đỏ, cam và nơi đang phong toả.
Cụ thể, tất cả người đến, về Thái Bình phải có giấy tờ tuỳ thân, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, quét mã QR tại các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ của tỉnh. Ban chỉ đạo các cấp phân thành 2 nhóm đối tượng với người về để quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch. Nhóm 1 là đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều. Liều cuối cùng tiêm cách ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đến, về tỉnh) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương). Nhóm 2 là người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19.
Thái Bình không tiếp nhận người đến/về tính từ vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ) cùng các vùng đang phong toả. Các trường hợp đặc biệt (thực hiện công vụ, vận chuyển hàng hóa, hoàn thành cách ly tập trung, đi khám chữa bệnh…) từ vùng dịch cấp độ 3 vùng cam, vùng đỏ và các vùng phong toả khi vào tỉnh, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định chung, phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm, xuất trình các giấy tờ liên quan chứng minh phù hợp với lý do vào tỉnh.
Người lao động được doanh nghiệp mời vào làm việc phải được chính quyền đồng ý. Đối với các trường hợp vào tỉnh để thực hiện công vụ hoặc các đơn vị, doanh nghiệp mời người lao động từ các địa phương này đến làm việc tại Thái Bình thì phải có quyết định cử/mời người, kế hoạch làm việc, phương án vận chuyển, di chuyển, sinh hoạt đảm bảo an toàn và được chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi đến làm việc.
Riêng đối với người về từ các địa phương có số mắc COVID-19 cao (như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An…) khi về Thái Bình sẽ phải cách ly y tế tập trung 7 ngày tính từ ngày đến/về tỉnh, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 đối với người thuộc nhóm 1.
Trường hợp người thuộc nhóm 2 sẽ phải cách ly y tế tập trung 14 ngày tính từ ngày đến, về tỉnh, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ba lần vào ngày đầu, ngày thứ 7, ngày thứ 14 và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo.
UBND tỉnh Thái Bình cũng khuyến cáo người dân trong tỉnh Thái Bình không đến các địa phương ở vùng cam, vùng đỏ và các vùng đang phong toả, hạn chế đến các vùng xanh, nếu không thực sự cần thiết, đặc biệt là những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Cán bộ, người lao động của các đơn vị khi ra tỉnh ngoài phải được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị.
Từ ngày 16/10, tỉnh Nam Định cho phép các cửa hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh cà phê hoạt động trở lại, tạm thời phục vụ tối đa 50% công suất. Tất cả các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, buôn bán trên địa bàn phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR.
Ông Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GT-VT Nam Định cho biết, từ ngày 14/10, Nam Định đã cho phép vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ôtô đến các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Hiện Sở này đang tiếp tục xây dựng kế hoạch và thống nhất với các tỉnh, thành phố nơi đi/đến để tiếp tục mở rộng vận tải hành khách.