Truyện tranh động – món ăn tinh thần mới
Moving toon Anh trai tôi là khủng long, Nhật ký sống sót của nữ phụ phản diện – Ảnh: POPS Comic
Trong tháng 5 và tháng 6, POPS ra mắt hai bộ moving toon Nhật ký sống sót của nữ phụ phản diện và Anh trai tôi là khủng long dựa trên truyện tranh Việt cùng tên. Với nội dung giả tưởng thú vị, hai bộ moving toon đều gây sốt khi phát qua ứng dụng POPS và YouTube.
Nhật ký sống sót của nữ phụ phản diện đã ra 10 tập, Anh trai tôi là khủng long đã ra 5 tập. Số lượt xem từ hàng trăm nghìn đến 1,4 triệu mỗi tập qua YouTube.
Nếu họa sĩ có câu chuyện hấp dẫn cộng với một hình thức thể hiện mới mẻ như moving toon thì công chúng sẽ sẵn sàng đón nhận.
Họa sĩ Lê Thắng
Moving toon – tạo cơ hội cho những nội dung sáng tạo
POPS giới thiệu moving toon là truyện tranh “dành cho người lười đọc”. Để sản xuất moving toon, POPS mua truyện tranh gốc của Việt Nam từ đối tác Comicola, một công ty sản xuất truyện tranh. Khác với phim hoạt hình (anime), moving toon tái sử dụng toàn bộ hình ảnh và khung truyện tranh gốc, chỉ bổ sung hiệu ứng và âm thanh. Trong đó, khi làm hoạt hình, họa sĩ phải vẽ lại toàn bộ tác phẩm.
Với moving toon, nhóm thực hiện cho rằng đang đi đúng hướng với số lượt xem khả quan. Không những vậy, theo ghi nhận của ứng dụng POPS, lượt đọc truyện gốc Nhật ký sống sót của nữ phụ phản diện và Anh trai tôi là khủng long tăng tỉ lệ thuận với lượt xem moving toon.
Đầu năm nay, POPS mua quyền sở hữu 6 tác phẩm gốc ăn khách của Comicola để phát triển các sản phẩm tương lai.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (tác giả Vân MC) – quản lý dự án POPS Comic – cho biết POPS đang là đơn vị duy nhất khai thác moving toon ở Việt Nam.
“Khái niệm moving toon còn rất mới trên thị trường quốc tế, mới xuất hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc – chị Vân nói – Moving toon là một sản phẩm trong chiến lược sáng tạo OSMU (One Source Multi Use – một nguồn nhiều sản phẩm) đang được các đơn vị giải trí trên thế giới hướng tới”.
Chỉ với một dòng sản phẩm nội dung gốc (truyện tranh), công ty sở hữu có thể chuyển thể thành nội dung động, phim người đóng, hoạt hình với chi phí chuyển thể thấp. Do vậy, POPS cho biết chi phí sản xuất moving toon “không quá cao” nhưng chưa tính đến lợi nhuận. Theo chị Vân, mong muốn của POPS là “tạo cơ hội cho những nội dung sáng tạo, đặc biệt là các loại hình giải trí mới của tác giả Việt Nam, đến với đông đảo bạn đọc như một sự đầu tư lâu dài”.
Lợi thế của POPS là có nhóm công chúng rộng hơn so với Comicola. Vì công chúng Comicola chủ yếu là độc giả yêu truyện tranh, còn POPS hướng đến công chúng của nhiều loại hình giải trí.
Do vấn đề bản quyền, moving toon ở Việt Nam hiện chỉ thực hiện với truyện tranh gốc của tác giả Việt. Anh Nguyễn Khánh Dương – giám đốc Comicola kiêm cố vấn POPS Comic – lý giải: “95% truyện tranh trên thị trường Việt Nam là của nước ngoài. Nhưng các đơn vị xuất bản Việt Nam chỉ có quyền xuất bản sách giấy, còn nếu chuyển thể truyện tranh nước ngoài thành moving toon cần xin phép tác giả gốc, nhà xuất bản gốc. Điều đó gần như bất khả thi”.
Cuộc chơi của những đơn vị chuyên nghiệp
Có thể xem moving toon như một thế hệ phái sinh của thể loại truyện tranh webtoon bùng nổ khoảng 10 năm trở lại đây. Về cơ bản, webtoon vốn đã là “con lai” giữa truyện tranh và hoạt hình với bố cục hình ảnh theo chiều dọc để tương thích với màn hình điện thoại thông minh. Cải tiến đáng chú ý nhất của moving toon là cử động của các nhân vật và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng được thêm thắt vào nền tảng truyện tranh có sẵn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn đọc Thanh Tuyền thừa nhận: “Khi chuyển từ truyện tranh truyền thống sang webtoon, mình cũng mất một khoảng thời gian dài để làm quen. Dù moving toon khá giống với webtoon nhưng những chuyển động vẫn có gì đó gượng gạo, đôi lúc lại lạm dụng hiệu ứng. Có lẽ, những khuyết điểm này sẽ dần được cải thiện nếu ngày càng có nhiều tác phẩm, họa sĩ tham gia vào trào lưu hơn”.
Theo họa sĩ Lê Thắng – viện phó Viện Truyện tranh và hoạt hình Việt Nam, moving toon là sự phát triển tất yếu khi văn hóa đọc đã được số hóa mạnh mẽ, thay thế cho các tác phẩm in ấn.
“Trong vài năm tới, moving toon có thể là một món ăn tinh thần mới cho các bạn trẻ đang tiếp xúc thường xuyên với công nghệ và yêu thích truyện tranh. Viện Truyện tranh và hoạt hình Việt Nam cũng đang hướng dẫn các bạn họa sĩ làm quen với thể loại này, tuy nhiên đối với một hình thức mới, cần phải thận trọng và có thêm nhiều thử nghiệm” – họa sĩ Thắng nhận định.
Cùng với xu thế phát triển của moving toon, một số doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu những phần mềm dựng moving toon (như Toonivie), đặc biệt là ở Hàn Quốc – nơi khai sinh thể loại này. Điều đó hứa hẹn cho sự trỗi dậy của moving toon như một trào lưu truyện tranh dành cho các họa sĩ độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ “ông lớn” nào.
Mặc dù vậy, theo họa sĩ Lê Thắng, nhìn chung moving toon vẫn là cuộc chơi của những đơn vị chuyên nghiệp khi mà bản thân những phần mềm này rất khó sử dụng, đòi hỏi chuyên môn cao và vì khối lượng công việc lớn nên họa sĩ còn phải có kỹ năng làm việc nhóm.
“Thêm vào đó, bạn đọc cũng cần quen dần với hình thức mới nên các họa sĩ phải kiên trì theo đuổi và xây dựng cốt truyện mạch lạc để thu hút người xem đến với mình” – họa sĩ Lê Thắng phân tích ở góc độ thị trường.
Sáng tác nhóm
Trong phần giới thiệu trên POPS và YouTube, cả truyện tranh và moving toon không ghi tên cá nhân mà ghi tác giả “POPS Comic”, họa sĩ “POPS Comic”.
Họa sĩ Đặng Ngọc Minh Trang (Mèo Mun Đen), quản lý đội họa sĩ POPS Comic, nói với Tuổi Trẻ: “Anh trai tôi là khủng long là sản phẩm theo kế hoạch chung của POPS, do các nhân viên trực thuộc POPS sản xuất. Do đó, nhân vật, hình ảnh và câu chuyện thuộc sở hữu của POPS.
Đây là hình thức rất phổ biến trên thế giới. Khi đọc các truyện tranh siêu anh hùng Mỹ như Batman, Spider-Man, độc giả chỉ biết tác phẩm đó thuộc sở hữu của DC và Marvel, không thuộc về một tác giả cụ thể nào”.
M.LY
Bad Luck – Số nhọ: truyện tranh Việt được chuyển thể thành phim