Truyền hình thực tế phát triển ở Việt Nam như thế nào?

Thứ sáu, 30/11/2018

Theo định nghĩa chung, truyền hình thực tế là thể loại chương trình truyền hình chú trọng vào việc phô bày các tình huống xảy ra không theo kịch bản diễn xuất với nội dung mang chất liệu thực tế mà không hư cấu, các nhân vật trung tâm là những người bình thường thay vì diễn viên chuyên nghiệp nhằm để thu hút xúc cảm hoặc tiếng cười. Ngày nay, hai mảng chính của truyền hình thực tế là các cuộc thi có giải thưởng lớn và các bộ phim ghi hình tình huống hài hước theo dạng sê-ri. Theo định dạng thông dụng, khán giả có thể can thiệp vào việc đánh giá thí sinh (đối với cuộc thi) và nội dung (đối với phim tình huống).

Được ra đời vào năm 1948, truyền hình thực tế thực sự bùng nổ từ đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, phim tài liệu và thời sự thường không được xếp vào loại truyền hình thực tế.

Tuy nhiên, mặc dù truyền hình thực tế là thể loại truyền hình hiện đại, được ưa chuộng, nhưng nó cũng là nguyên nhân của sự cạnh tranh khốc liệt của các nhãn hàng, thương hiệu, hãng giải trí trong ngành công nghiệp truyền hình. Trên khắp thế giới, người ta thi nhau sáng tạo ra các chương trình mới ở đủ mọi góc nhìn, mọi vấn đề cuộc sống nhằm tăng lượng rating cho nhà đài và làm hài lòng các hãng tài trợ.

Để một chương trình thực tế được lên sóng là một công việc khó khăn và gian nan hơn so với các game show có sẵn kịch bản cụ thể, nhưng cũng vì lẽ đó mà chương trình thực tế lại có thể dễ dàng chỉnh sửa điều chỉnh những thiết sót, khiếm khuyết của mình sau khi nhận được phản hồi từ khán giả hơn. Đó cũng là điểm đặc biệt giúp thể loại truyền hình này có được sự hưởng ứng nhiệt tình và sự quan tâm theo dõi của nhiều tầng lớp khán giả.

Thế nhưng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, nhiều người băn khoăn đặc câu hỏi truyền hình thực tế có thật sự “thực tế” hay cũng có kịch bản của nhà sản xuất? Bởi sau một vài năm phát triển đến bão hòa như hiện nay, một vài chương trình nhanh chóng mất dần khán giả và nhận không ít gạch đá từ phía dư luận vì những tình huống đã trở nên “quen thuộc”, và đặc biệt là không còn yếu tố bất ngờ như trước nữa.

Nếu nói các chương trình truyền hình thực tế không dựng sẵn kịch bản cho cả người chơi và giám khảo thì không đúng. Bởi bất cứ một chương trình nào, khi lên sóng, đều đã có dự tính của nhà đài, không thể không có kịch bản có trước. Tuy nhiên, chương trình truyền hình thực tế khác biệt hơn so với các chương trình truyền hình khác là ở yếu tố bất ngờ và sự gần gũi với thực tế. Các phiên bản quốc tế gần như làm tốt ở khía cạnh này, nhưng khi được Việt Nam mua bản quyền, nó lại là câu chuyện khác.

Ngoài yếu tố giải trí, yếu tố chuyên môn, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bật cập, nhiều tai tiếng về việc sắp đặt kết quả, dàn dựng, diễn theo kịch bản dramma.

Ở Việt Nam, truyền hình thực tế lại đang khiến khán giả “bán tín bán nghi” về sự chân thực đó. Một vài chương trình thực tế hiện nay, nhiều người cho rằng yếu tố bất ngờ không còn nữa mà thay vào đó là một “kịch bản”quen thuộc, nên không còn tạo sự tò mò cho khán giả.

Có thể thấy, khi mà các gameshow theo một format cho sẵn trở nên bão hòa, gây nhàm chán cho khán giả xem đài, thì các chương trình truyền hình thực tế như một cứu cánh trong việc góp phần làm cho bữa tiệc tinh thần của khán giả ngày một phong phú, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh những điểm mạnh không thể chối cãi đó, có một số chương trình truyền hình thực tế Việt Nam đã bộc lộ thiếu sót của mình và chính điều đó để lại những điểm trừ không đáng có trong mắt khán giả. Đôi khi, nó còn tạo nên sự xôn xao dư luận trong một thời gian dài và làm người ta nghi ngờ về độ chân thực của chương trình: liệu những gì khán giả đang xem có phải là sự thực hay chỉ là các màn dàn dựng của ban tổ chức nhằm tạo nên scandal với mục đích cuối cùng là tranh thủ sự quan tâm của xã hội – một chiêu bài làm tăng rating.