Truy thu thuế thu nhập cá nhân của người lao động trong trường hợp nào?


Truy thu thuế thu nhập cá nhân của người lao động trong trường hợp nào? Thòi hạn truy thu thuế thu nhập cá nhân là bao lâu? – Câu hỏi của anh Hòa (Thanh Hóa).

Truy thu thuế thu nhập cá nhân là gì?

Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích về truy thu thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên theo khoản 2, khoản 3 Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019 thì có thể hiểu đây là việc cơ quan thuế thực hiện thu các khoản thuế thu nhập cá nhân mà người nộp thuế phải nộp tuy nhiên người nộp thuế đã chậm đóng, người nộp thuế có thể vô tình hoặc cố ý chậm.

Thực trạng trốn thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, nhằm đảm bảo nguồn thu thuế của nhà nước thì cơ quan thuế có những biện pháp truy thu thuế để giải quyết vấn đề này, tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp người lao động đang thực sự gặp phải các khủng hoảng tài chính, không thể đáp ứng được việc nộp thuế đúng quy định. Những lúc này, tùy vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế cũng sẽ có những chế tài nhất định trên tinh thần hỗ trợ người nộp thuế hết sức để họ có thể gia hạn khoản thuế với thời gian lựa chọn. Điều này giúp người nộp thuế có thêm sự lựa chọn thanh toán và tránh được những cáo buộc hình sự.

Truy thu thuế thu nhập cá nhân

Truy thu thuế thu nhập cá nhân của người lao động trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)

Thời hạn truy thu thuế thu nhập cá nhân là bao lâu?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế

6. Thời hạn truy thu thuế

a) Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

b) Thời hạn truy thu thuế tại điểm a khoản này chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản này.

Theo đó, thời hạn truy thu thuế thu nhập cá nhân người lao động là 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện vi phạm.

Hết thời hạn này, người lao động không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp lại khoản thuế chưa đóng.

Nếu người lao động không thực hiện đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Cơ quan nào có thẩm quyền truy thu thuế thu nhập cá nhân của người lao động?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 và Điều 19 Luật Quản lý thuế 2019 về việc truy thu thuế thu nhập cá nhân thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế bao gồm các cơ quan là:

– Cục thuế;

– Chi cục thuế;

– Tổng Cục thuế.

Người lao động có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân có thể hiểu là hành vi không thực hiện khai báo, khai báo gian dối về mức thu nhập bản thân để không phải chịu thuế hoặc chịu mức thuế thấp hơn nhiều so với mức đúng phải chịu theo quy định pháp luật.

Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của người lao động như sau:

* Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người lao động khi có tình tiết giảm nhẹ khi thực hiện hành vi vi phạm sau đây:

– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

* Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

* Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP mà có một tình tiết tăng nặng.

* Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hai tình tiết tăng nặng.

* Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Ngoài ra, người lao động có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân phải:

– Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước;

– Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;