Truy thu thuế là gì? Quy định của pháp luật về truy thu thuế

Trong quá trình hoạt động kinh doanh thì việc phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế là vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng nghiêm túc thực hiện và có hành vi gian lận hoặc trốn. Truy thu thuế chính là biện pháp mà nhà nước sẽ thực hiện ngay lúc này. Vậy truy thu thuế là gì? Các quy định của pháp luật về truy thu thuế là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
 

truy thu thuế thu nhập cá nhân
Truy thu thuế là hoạt động của những cơ quan có thẩm quyền về thuế
 

Truy thu thuế là gì?

Truy thu thuế trong tiếng Anh gọi là là Back Taxes. Đây được xem là quyết định hành chính của cơ quan thuế trong việc yêu cầu các đối tượng phải nộp đầy đủ phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Truy thu thuế khi nào?

Truy thu thuế liên quan đến những khoản nợ thuế từ năm trước đó. Người nộp thuế có thể xuất phát từ việc vô tình hoặc cố ý nộp chậm, cụ thể gồm những hành vi như:

  • Người phải nộp thuế vi phạm việc kê khai thu nhập, không thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan nhà nước.
  • Người phải nộp thuế không báo cáo toàn bộ thu nhập kiếm được trong năm tính thuế.
  • Người nộp thuế bỏ qua việc kê khai thuế trong năm nhất định..

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp truy thu thuế TNCN hay TNDN đều xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật. Việc chậm nộp thuế có thể xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Do đó, về bản chất, truy thu thuế là quyết định hành chính, không cần phải xử phạt vi phạm. Trong trường hợp phát hiện cố ý vi phạm quy định nộp thuế thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền đứng ra xử lý.

*** Tham khảo thêm: Cách tra cứu nợ thuế doanh nghiệp chính xác, nhanh chóng và mới nhất
 

Các loại truy thu thuế hiện nay

Hiện nay, truy thu thuế có nhiều loại khác nhau. Tùy vào từng trường hợp mà sẽ có những quy định riêng về vấn đề truy thu hay xử lý chậm thuế. Cụ thể bao gồm:

  • Truy thu thuế thu nhập cá nhân
  • Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Truy thu thuế hộ kinh doanh.
     

truy thu thuế hộ kinh doanh
Tùy vào từng trường hợp mà có các quy định riêng về truy thu thuế hiện nay
 

Thời hạn truy thu thuế

Ngoài khái niệm truy thu thuế là gì, bài viết này sẽ giúp bạn biết rõ về thời hạn truy thu thuế như thế nào để qua đó lưu ý và thực hiện đúng. Cụ thể, căn cứ theo khoản 6 Điều 8 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, việc truy thu thuế được quy định như sau:
 

Nếu vượt quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền bị truy thu (bao gồm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước, được tính từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền chậm nộp tiền thuế, số tiền thuế trốn cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
 

Thời hạn truy thu thuế được quy định tại điểm a của khoản này chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và những khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai tự nộp vào ngân sách nhà nước.
 

Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc các khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của các nhân, tổ chức thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan khác nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a của khoản này.
 

thời hạn phạt truy thu thuế TNCN
Thời hạn truy thu thuế được quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP
 

Thẩm quyền truy thu thuế

Hiện nay, việc truy thu thuế thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế, cơ quan hải quan. Bao gồm các cơ quan là Cục thuế, Chi cục thuế, Tổng cục thuế, Cục hải quan, Tổng cục hải quan, Chi cục Hải quan (đối với loại hàng hóa xuất nhập khẩu). Bên cạnh đó, tùy vào từng đối tượng như cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp,… mà thẩm quyền truy thu thuế sẽ thuộc về những cơ quan khác nhau.
 

truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp
Tùy vào từng đối tượng mà thẩm quyền truy thu sẽ thuộc những cơ quan khác nhau
 

*** Tìm hiểu thêm: Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì và các quy định liên quan
 

Xử lý đối với hành vi trốn thuế

Theo Điều 17 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, quy định về việc xử phạt đối với hành vi trốn thuế cụ thể như sau:

 

  • Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế (NNT) có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm cụ thể dưới đây:

+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế (ngoại trừ trường hợp quy định tại điểm b, c Khoản 4 và 5 Điều 13 của nghị định này).
+ Không thực hiện ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, khai sai hoặc không khai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm thuế (trừ hành vi được quy định tại Điều 16 của Nghị định này).
+ Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ (ngoại trừ trường hợp NNT đã triển khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán và đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng); lập hóa đơn bán hàng hóa hoặc dịch vụ sai về số lượng, giá trị để khai thuế hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
+ Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để khai thuế làm giảm số số phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, miễn hoặc giảm.
+ Sử dụng chứng từ không hợp pháp hoặc tài liệu không phản ánh đúng bản chất hoặc giá trị của giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, được giảm, miễn hoặc hoàn; Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được bán, miễn, giảm hoặc hoàn.
+ Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, xét miễn thuế không đúng quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế đối với cơ quan thuế.
+ Người nộp thuế không có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm dừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 của nghị định này.

  • Phạt tiền từ 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với NNT thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
  • Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với NNT thực hiện một trong các hành vi quy định tài khoản 1 Điều này mà có tình tiết tăng nặng.
  • Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với NNT thực hiện một trong các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều này mà có 2 tình tiết tăng nặng.
  • Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với NNT thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có từ 3 tình tiết tăng nặng trở lên.
     

truy thu thuế nhập khẩu
Nhà nước sẽ thực hiện truy thu thuế nếu doanh nghiệp không chủ động thực hiện việc nộp thuế
 

Truy thu thuế có ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay không?

Việc truy thu thuế TNDN có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Khi bị truy thu thuế là đồng nghĩa với việc uy tín thương hiệu của doanh nghiệp bị giảm sút rất nhiều. Bên cạnh đó, các báo cáo tài chính là căn cứ để các nhà đầu tư quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không cũng như là các đối tác có quyết định nên hợp tác hay không.
 

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần cẩn trọng trước việc thực hiện và hoàn thành đúng các nghĩa vụ về thuế để đảm bảo sự phát triển toàn diện, ổn định và lâu dài của mình.

Hạch toán truy thu thuế thêm như thế nào?

Căn cứ theo Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014, chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/08/2016 của Bộ Tài Chính. Việc hạch toán truy thu thuế thêm như sau:
 

Thuế GTGT truy thu thêm

– Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp

– Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước

Thuế TNDN truy thu thêm

– Có TK 3334 – Thuế TNDN phải nộp

– Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước

Thuế thu nhập cá nhân truy thu thêm

Trường hợp khấu trừ vào tiền lương của người lao động kỳ này

– Nợ TK 334 – Phải trả cho người lao động

– Có TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Trường hợp do công ty trả

– Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước

– Có TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Khi nộp tiền thuế truy thu thêm

– Nợ TK 3331, 3334, 3335

-Có TK 111, 112

Trường hợp công ty bị truy thu thuế GTGT, Thuế thu nhập doanh nghiệp thì ngay tại thời điểm nhận được quyết định xử lý truy thu:

Hạch toán tiền thuế GTGT truy thu

– Nợ TK 811 – Chi phí khác

– Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp

Hạch toán tiền thuế TNDN truy thu

– Nợ TK 821 – Chi phí thuế TNDN

– Có TK 3334 – Thuế TNDN phải nộp

Khi nộp tiền thuế

– Nợ TK 3331, 3334

– Có TK 111, 1112

Hạch toán tiền phạt, tiền chậm nộp thuế

Khi nhận quyết định xử lý

– Nợ TK 811: Chi phí khác

– Có TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp

Khi nộp tiền phạt

– Nợ TK 3339: Phí lệ phí và các khoản nộp

– Có TK 111/112.

Trên đây là những thông tin về truy thu thuế là gì cũng một số vấn đề liên quan khác. Hy vọng rằng, bài viết này sẽ giúp các doanh nghiệp cẩn thận hơn trước các vấn đề về thuế và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình với nhà nước. Nếu bạn cần được hỗ trợ các vấn đề về pháp lý khác, vui lòng liên hệ đến Trí Luật qua hotline (028) 7304 5969 để chuyên viên tư vấn nhanh và tốt nhất nhé!