Trường mầm non tư thục Hà Nội “đau đầu” tìm kiếm giáo viên
UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho trẻ mầm non được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ em theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%.
Gần 1 năm tạm dừng hoạt động, nhiều trường mầm non tư thục rơi vào cảnh không còn giáo viên cơ hữu do đa phần các cô đã chuyển nghề. Vậy nên, khi Hà Nội có quyết định đón trẻ trở lại trường, việc tuyển giáo viên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Biết tin nhà trường được hoạt động lại, chị Nguyễn Thị Hoa (chủ Trường Mầm non Ánh Sao) đăng tin tuyển giáo viên trong các hội nhóm trên Facebook với mức lương 7-8 triệu đồng/ tháng.
Thế nhưng, những ngày qua, không chỉ trường của chị Hoa mà các trường khác cũng đồng loạt đăng tin tìm người khiến nhu cầu tăng cao, giáo viên mầm non lại trở nên khan hiếm.
Theo chị Hoa thì nhiều cô giáo mầm non đã tìm công việc khác với mức lương tốt hơn, một số khác thì tổ chức nhóm lớp tự phát nên cũng có thu nhập cao hơn lương ở trường.
Vậy nên, dù đăng tin tuyển giáo viên 2 ngày nay, thậm chí chấp nhận hạ tiêu chuẩn tuyển dụng về trình độ và số năm kinh nghiệm nhưng chị Hoa vẫn không có hồ sơ nào ứng tuyển.
Các trường mầm non bắt đầu dọn dẹp, vệ sinh để đón học sinh đến trường vào tuần tới.
Cùng cảnh ngộ trên, chị Nguyễn Phương Nga – chủ 2 cơ sở mầm non tư thục tại Hà Nội cho biết, đợt dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua khiến nhiều giáo viên mầm non tại cơ sở của chị chuyển nghề sang làm công việc khác. Số người ở lại với chị giờ chỉ tính trên đầu ngón tay.
“Còn vài ngày nữa là trường mầm non được mở cửa trở lại, thế nhưng việc thiếu giáo viên là lo lắng chung của nhiều cơ sở mầm non tư thục chứ không riêng gì cơ sở tôi.
Tôi lo nhất là hiện nay giáo viên mầm non không tha thiết với nghề bởi lương thấp, công việc vất vả, sợ mở cửa trường học mà thiếu giáo viên thì cũng rất đau đầu”, chị Nga chia sẻ.
Hai cơ sở mầm non của chị Nga có khoảng 50 giáo viên và cô chăm nuôi. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại còn chưa nổi 10 người sẵn sàng quay trở lại với công việc vào ngày 13/4 tới khiến chị Nga khá đau đầu để tìm người.
Chị Nga chấp nhận tuyển giáo viên dạy tốt và trả mức lương cao hơn, quyền lợi nhiều hơn nhưng việc tìm người vẫn như mò kim đáy bể.
Trong khi đó, cô Trương Thị Ngọc Bích – Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) cho biết, nhà trường đã chủ động vệ sinh, trang trí lại lớp học, phòng chức năng; sửa chữa các thiết bị điện tử, đồ chơi ngoài trời cho trẻ cũng như rà soát về các trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Trường sẽ khảo sát phụ huynh học sinh xem tỷ lệ các trẻ đăng ký đi học trở lại như thế nào, ăn bán trú ra sao để bố trí nhân sự.
Tuy nhiên, khó khăn mà trường đang vướng hiện nay là thiếu nhân viên nuôi dưỡng. Trong hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nhân sự làm việc tại các công ty cung ứng suất ăn hay nhân viên nuôi dưỡng trong các nhà trường đã chuyển nghề để mưu sinh. Giờ đây, trường mầm non mở cửa thì việc kêu gọi đội ngũ này quay trở lại hoặc tuyển mới với mức thù lao xứng đáng là một vấn đề cần tính toán kỹ.
Giáo viên trường công háo hức
Cô Nguyễn Thị Mai Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, từ mấy ngày nay, khi Hà Nội quyết định cho học sinh tiểu học được đi học trực tiếp, các giáo viên trong trường đã rất hy vọng Hà Nội sẽ tiếp tục mở cửa với trường mầm non. Vì thế, các cô đều tích cực chuẩn bị để có thể đón học sinh của mình trở lại. Nhà trường cũng tích cực tuyên truyền đến phụ huynh để tạo sự đồng thuận.
“Chúng tôi thực hiện vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị bếp ăn bán trú vì đây là điều rất quan trọng với trẻ mầm non. Trường cũng lựa chọn xây dựng thực đơn tăng cường sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đi học. Mọi công tác sẽ sẵn sàng ở mức tốt nhất có thể để đón các con trở lại trường”, cô Hương nói.
Cũng theo cô Hương, do trẻ nghỉ học quá lâu nên dù thời gian năm học này không còn nhiều nhưng việc đi học trực tiếp trở lại sẽ giúp cho học sinh khi vào năm học mới sẽ có nền nếp hơn. “Cảm xúc rất vui, hạnh phúc và chúng tôi rất mong chờ ngày được đón học sinh tới trường”, cô Hương chia sẻ.