Trường mầm non An Thạnh – Đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non trong …

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội được thực hiện, hầu hết các trẻ nhỏ trong thời điểm này, các hoạt động vui chơi- giải trí được diễn ra tại nhà. Tuy nhiên, không gian của mỗi ngôi nhà có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ, nếu thiếu sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc, tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ khi vui chơi.  

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh chóng, Tổng Giám đốc Điều hành Unicef đã nhận định: “Trong đại dịch Covid-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em đang tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình, chúng ta cần hỗ trợ trẻ em thích ứng với thực tế mới này”. Vì vậy, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần quan tâm và tạo ra môi trường vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà, ngoài việc quan tâm đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ tăng sức đề kháng, phòng chống các tác nhân gây bệnh bên ngoài, đồng thời cha mẹ hoặc người chăm sóc cũng cần lưu ý đến việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ trong chính ngôi nhà của mình, hướng dẫn trẻ chủ động phòng chống tai nạn thương tích.

Sau đây là một số biện pháp giúp cha mẹ hoặc người chăm sóc phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần của trẻ trong mùa dịch Covid-19:

Tạo môi trường an toàn tuyệt đối cho trẻ.

+ An toàn về sức khỏe: Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ uống nước đầy đủ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tăng sức đề kháng, phòng tránh các bệnh thường xảy ra với trẻ khi thời tiết chuyển mùa; đặc biệt chú ý hướng dẫn trẻ có thói quen trong việc phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 như: Vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng theo đúng 6 bước; đánh răng, súc miệng bằng nước muối; đeo khẩu trang đúng cách khi đi ra đường, hoặc khi tiếp xúc với người ngoài; không chạy đến chơi ở những chỗ đông người. Để giúp hình thành các thói quen cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc phải làm gương để trẻ bắt chước làm theo. 

+ An toàn về tâm lý: Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần dành nhiều thời gian giao tiếp với trẻ, yêu thương, chăm sóc trẻ chu đáo, tạo cảm giác vui vẻ cho trẻ, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ phù hợp với lứa tuổi; tránh dọa nạt, phạt mắng thô bạo với trẻ. Khi cho trẻ ăn uống cần giáo dục trẻ ăn uống đúng cách; không la hét, dọa nạt, mắng, bịt mũi, dùng đũa, thìa ngáng miệng trẻ để đổ thức ăn, ép trẻ ăn…điều đó ảnh hưởng không tốt cho trẻ trong quá trình tiêu hóa thức ăn, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, sợ bữa ăn.

+ An toàn về tính mạng: Tạo cho trẻ không gian chơi trong nhà đảm bảo an toàn, nền nhà tránh trơn trượt, không để các vật sắc nhọn, phích nước, ổ điện và các đồ chơi không đảm bảo an toàn trong phòng chơi của trẻ, những đồ dùng nguy hiểm cần để ngoài tầm với của trẻ. Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ chơi phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Khi trẻ chơi với các đồ chơi, người lớn cần phải giám sát, hoặc hướng dẫn kỹ cho trẻ trước lúc chơi. Không gửi trẻ nhờ ở nhà người quen khi cảm thấy không đủ an toàn, hãy lưu ý và cân nhắc kỹ vì những tai nạn xâm hại tình dục chủ yếu xảy ra khi thủ phạm trực tiếp là những người thân bên cạnh trẻ; không để trẻ tiếp xúc hoặc nhận quà từ người lạ để tránh các trường hợp bắt cóc trẻ. Khi đi ra đường không cho trẻ tiếp xúc với người lạ mặt, biết gọi người lớn khi người lạ mặt đến gần hoặc trêu chọc.

Phòng, tránh một số tai nạn có thể xảy ra với trẻ.

+ Phòng tránh tai nạn đuối nước: Tai nạn chết đuối có thể xảy ra do trẻ sơ ý ngã vào chậu nước, lu nước, bể nước ngầm không có nắp đậy, cống rãnh đầy nước, hầm, hố có nước mà không có nắp đậy hoặc do ao hồ gần nhà. Do đó, người lớn luôn ở bên cạnh để giám sát trẻ, không để trẻ chơi những nơi không đảm bảo an toàn như ao, hồ, kênh rạch, xô, chậu chứa nước; không để trẻ vào nhà vệ sinh một mình, luôn theo dõi trẻ em khi chúng nghịch nước hoặc tắm rửa; các giếng nước, bể nước phải xây cao thành, các dụng cụ chứa nước như lu, hủ, thao, xô phải có nắp đậy chắc chắn. Nếu có điều kiện, hãy dạy trẻ tập bơi sớm. Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần tìm hiểu cách xử lý ban đầu một số tai nạn đuối nước để có thể sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ kịp thời.

+ Phòng tránh tai nạn giao thông: Không cho trẻ ra đường một mình, không để các anh, chị chở trẻ đi trên các phương tiện giao thông. Khi cho trẻ đi bộ phải dắt trẻ đi trên vỉa hè, đi phía tay phải để tạo thói quen cho trẻ. Khi người lớn chở trẻ đi trên các phương tiện giao thông xe đạp, xe máy cần cho trẻ ngồi an toàn.

+ Phòng tránh dị vật đường thở: Tắt đường thở đưa đến ngạt là nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc tàn tật ở trẻ em, do đó cha mẹ hoặc người chăm sóc cần biết được cách phòng tránh và sơ cứu nạn nhân ngạt nếu có trường hợp xảy ra. Để hạn chế những rủi ro không đáng có, phụ huynh không cho trẻ cầm các đồ chơi quá nhỏ có thể cho vào miệng, mũi (nhất là các loại hạt nhỏ, mẫu bút sáp màu nhỏ, đất nặn được vo tròn nhỏ…); khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt cần bóc bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn (mãng cầu, nhãn, chôm chôm, nho, táo,…), nghiền nhỏ các loại hạt (hạt óc chó, hạt mắc ca, hạt điều, hạt đậu phộng…); giáo dục trẻ khi ăn không được vừa ăn vừa đùa nghịch hoặc nói chuyện; không ép trẻ ăn, uống, khi trẻ đang khóc, đang buồn ngủ, đang ho. Nếu có trường hợp dị vật đường thở xảy ra, phụ huynh hãy thực sự bình tĩnh, tự tin xử trí sơ cấp cứu ban đầu tại chỗ, đồng thời chuyển ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời cho trẻ.

+ Phòng tránh cháy, bỏng: Phụ huynh cần phải kiểm tra thức ăn trước khi cho trẻ ăn, uống. Tránh cho trẻ ăn thức ăn, uống nước khi còn quá nóng: không cho trẻ đến gần nồi đun bếp ga, bếp củi, nồi canh hoặc phích nước còn nóng; không để trẻ nghịch diêm, bật lửa và các chất khác gây cháy, bỏng. Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng, lạnh. Để diêm, bật lửa, bàn là, nước nóng, nến, đèn dầu xa với tầm với của trẻ. Lưu ý không để trẻ đến gần ống xả của xe máy khi vừa dùng vì rất dễ gây bỏng, khi bị bỏng thường bỏng sâu, dễ nhiễm trùng và để lại sẹo. Giáo dục cho trẻ biết đồ vật và nơi nguy hiểm. Hướng dẫn trẻ cách xử lý các loại bỏng đơn giản bằng cách đưa chỗ bỏng dưới vòi nước chảy từ 10 – 15 phút, nếu không có cha mẹ hoặc người chăm sóc ở nhà thì dùng miếng ni lông sạch bao quanh chỗ bỏng để giảm các trường hợp nhiễm trùng, sau đó gọi người lớn đến giúp đỡ.

+ Phòng tránh điện giật và phòng tránh các vết thương do vật sắc nhọn: Treo, đặt những ổ điện phía trên cao, tránh xa tầm tay trẻ, tăng cường sử dụng các ổ điện có nắp đậy, có rơ le tự ngắt khi có chập điện để bảo vệ trẻ. Kiểm tra thường xuyên đường điện, đồ điện (nồi cơn điện, bàn là, quạt…) đề phòng chuột cắn, không để hở nguồn điện. Sắp xếp đồ đạt trong nhà hợp lý, không để vướng khi trẻ đi lại, bọc cạnh, mép nhọn của bàn ghế, đồ vật bằng các miếng cao su, nhựa để tránh gây thương tích cho trẻ. Giáo dục trẻ không sờ vào ổ điện, không tự động cắm các đồ dùng vào ổ điện; tránh để những vật sắc nhọn bằng kim loại, mảnh thủy tinh, gốm, sắt…ở nơi vui chơi của trẻ.

+ Phòng tránh động vật cắn: Không để trẻ chơi ở các bụi cây rậm phòng tránh các con rắn, rết, ong…cắn trẻ; không cho gia súc, gia cầm vào nhà ở, nơi nuôi trẻ hoặc nơi trẻ chơi.

+ Phòng tránh tai nạn do ngộ độc: Không để bếp than, bếp củi đang đun hoặc đang ủ gần nơi sinh hoạt của trẻ. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến các món ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn các thức ăn ôi thiu, mốc. Không cho trẻ chơi những chai, lọ đựng thuốc, đựng màu gây độc hại cho trẻ; Không được đựng thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc chuột, a-xít…vào chai nước khoáng, nước ngọt, lon bia, dầu ăn..; thuốc chữa bệnh phải để trên cao ngoài tầm với của trẻ.Quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hóa chất.

+ Phòng tránh việc xâm hại trên mạng xã hội: Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ trẻ kết nối internet, có biện pháp quản lý thời gian xem truyền hình và tiếp xúc với mạng xã hội để giúp trẻ phòng tránh các đối tượng xấu lợi dụng để tiếp xúc và đăng các nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục…có dấu hiệu lạm dụng, bắt nạt, quấy rối trẻ, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Ngoài việc phòng, chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần hướng đẫn trẻ tự làm một số việc tự phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày đồng thời thường xuyên trò chuyện, vui chơi, tương tác với trẻ,sử dụng nguyên vật liệu thiên nhiên, nguyên vật liệu đã qua sử dụng để giúp trẻ vừa học vừa chơi nhằm hình thành nề nếp, thói quen, kỹ năng sống tích cực. Hy vọng với một số biện pháp trên sẽ giúp các bậc phụ huynh nhận biết được cách phòng tránh những hành động nguy hiểm, những nơi không an toàn, những vật dụng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ góp phần hạn chế tối đa tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ tại nhà. Hãy cùng cộng đồng nêu cao khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh và phòng tránh các tai nạn hơn xử trí tai nạn”, “Chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn xã hội”./.