Trường hợp nào giáo viên sẽ bị tinh giản biên chế?

Tinh giản biên chế là một trong những chính sách nhằm loại bỏ những người không đạt tiêu chuẩn, dôi dư ra khỏi biên chế. Vậy với riêng đối tượng giáo viên (GV), sẽ bị tinh giản biên chế trong trường hợp nào?

Tại điều 3 Nghị định 108, có thể hiểu tinh giản biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách cho những người này.

Trường hợp nào giáo viên sẽ bị tinh giản biên chế? - Ảnh 1.

Theo Nghị định 113, giáo viên nếu thuộc trường hợp tinh giản biên chế, vẫn được hưởng các chính sách, hỗ trợ bằng tiền lương của tháng hiện hưởng

Theo đó, tại khoản 2, điều 1 Nghị định 113 sửa đổi bổ sung Nghị định 108 , viên chức là GV sẽ được thực hiện tinh giản biên chế trong các trường hợp sau: – Dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự; Dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; Chưa đạt trình độ đạo tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với từng vị trí đang đảm nhiệm nhưng không có vị trí khác hoặc không thể đào tạo lại hoặc tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị đồng ý; Chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nên bị hạn chế năng lực, không thể bố trí việc làm khác hoặc giáo viên đó tự nguyện tinh giản và được cơ quan, đơn vị quản lý đồng ý; Tại thời điểm tinh giản biên chế, có 1 năm được phân loại hoàn thành nhiệm vụ, 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; Năm trước liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế, GV bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Trong 2 năm liên tiếp liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ từng năm lớn hoặc bằng số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và được chi trả trợ cấp ốm đau…; Viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Như vậy, có thể thấy, GV sẽ bị tinh giản biên chế trong các trường hợp đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, tại Công văn 3043/BGDĐT-NGCNQLGD ban hành tháng 7-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tinh giản biên chế theo hướng không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hằng năm mà làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nghề nghiệp để làm căn cứ tinh giản biên chế.

Dù tinh giản biên chế vẫn phải bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu GV theo môn học và ưu tiên biên chế được giao để tuyển dụng GV mầm non, dạy các GV môn học mới ở phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới và được hưởng chính sách của Nhà nước.

Theo Nghị định 113, GV nếu thuộc trường hợp tinh giản biên chế, vẫn được hưởng các chính sách, hỗ trợ bằng tiền lương của tháng hiện hưởng, cụ thể như sau: Chính sách về hưu trước tuổi: Được trợ cấp nhiều nhất là 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH; Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng và 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH; Chính sách thôi việc ngay: Được trợ cấp 3 tháng lương để tìm việc làm và 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH; Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề: Trợ cấp tối đa 6 tháng tiền lương để đóng cho cơ sở dạy nghề và 3 tháng tiền lương để tìm việc làm…

Như vậy, khi đáp ứng yêu cầu của chính sách tinh giản biên chế nào thì GV sẽ được trợ cấp, hỗ trợ bằng tiền lương hiện hưởng theo mức của chính sách đó.