Trường hợp nào có vi phạm hành chính nhưng không xử phạt – Văn Phòng Luật Sư Tô Đình Huy

Trường hợp nào có vi phạm hành chính nhưng không xử phạt

Câu hỏi:

. Người thực hiện hành vi tuy có dấu hiệu vi phạm hành chính nhưng không bị xử lý về hành vi đó trong trường hợp nào?

Trả lời:

Theo nguyên tắc chung, mọi hành vi VPHC đều phải được phát hiện thực hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi thực hiện hành vi VPHC do pháp luật quy định. Tuy nhiên có những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hành chính đó là:
–  Trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết;
–  Sự kiện bất ngờ;
–  Thực hiện hành vi vi phạm trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Đây là những trường hợp loại trừ trách nhiệm hành chính quy định tại khoản 6 Điều 3 Pháp lệnh xử lý VPHC 2002.
Phòng vệ chính đáng là trường hợp người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, lợi ích của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước đang bị xâm phạm mà có hành vi chống trả cần thiết với hành vi xâm phạm nói trên. Hành vi phòng vệ chính đáng không bị xử lý hành chính; không phải là tội phạm.
Để thừa nhận một hành vi là phòng vệ chính đáng và loại trừ trách nhiệm với hành vi đó phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
–  Hành vi mà người phòng vệ chính đáng chống trả phải là hành vi vi phạm pháp luật.
–  Hành vi vi phạm pháp luật bị chống trả lại phải đang còn diễn ra, đang đe doạ các lợi ích hợp pháp.
–  Người thực hiện hành vi phòng vệ phải chống trả lại chính người đang thực hiện hành vi VPPL, nhằm loại bỏ sự nguy hiểm, ngăn chặn hành vi VPPL, bảo vệ lợi ích hợp pháp.
–  Sự trống trả phải ở mức độ cần thiết.
Mức độ cần thiết là mức độ vừa đủ khả năng loại trừ hành vi VPPL. Nếu sự chống trả là quá mức một cách  rõ ràng, ngoài phạm vi cần thiết thì không được coi là phòng vệ chính đáng. Người thực hiện hành vi chống trả phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá mức độ cần thiết của mình nhưng được giảm nhẹ đặc biệt. Tình thế cấp thiết là tình thế của một người đứng trước sự nguy hiểm do thiên tai, sự cố kỹ thuật hay nguồn nguy hiểm khác gây ra mà không còn cách nào khác phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Người thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết không bị xử lý hành chính.
Sự kiện bất ngờ là trường hợp người thực hiện hành vi trong trường hợp không có lỗi, không cố ý hoặc vô ý. Pháp luật của nhà nước ta quy định trách nhiệm đối với người vi phạm khi nào họ cố ý hay vô ý thực hiện hành vi vi phạm. Những đặc điểm của trường hợp sự kiện bất ngờ là:
–  Người thực hiện hành vi vi phạm không thấy trước hành vi của mình là vi phạm pháp luật, sẽ gây ra hậu quả.
–  Người thực hiện hành vi không thể thấy trước và không buộc phải thấy trước điều đó.
Trường hợp thực hiện hành vi đang trong tình trạng không có năng lực hành vi: đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh tật khác làm mất khả năng nhận thức và tự chủ hành vi của mình. Luật hành chính cũng như luật hình sự đều đòi hỏi chủ thể phải có đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi. Người không có năng lực hành vi không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Căn cứ vào yêu cầu bảo vệ pháp luật, căn cứ vào lỗi, căn cứ vào năng lực hành vi khoản 6 Điều 3 Pháp lệnh quy định ba trường hợp nói trên được loại trừ trách nhiệm hành chính của hành vi đã thực hiện. Đây là nguyên tắc xử lý VPHC đòi hỏi người có thẩm quyền nghiên cứu kỹ những tình tiết khách quan, chủ quan bảo đảm chính xác khi loại trừ trách nhiệm hành chính.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 1900 6279 để được luật sư tư vấn trực tiếp.