Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng
Tháng 4 ở Trường Sa thật đặc biệt, bởi nơi đây 48 năm về trước, vào rạng sáng 14/4/1975, lực lượng của Đội 1 đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây và giải phóng đảo này sau 30 phút chiến đấu.
Lần lượt sau đó bộ đội Hải quân đã giải phóng các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết…và giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa vào ngày 29/4/1975 – trước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước một ngày, lập nên chiến công có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.
48 năm trôi qua, lớp lớp cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam thay nhau gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Quân dân Trường Sa chung sức đồng lòng, vững vàng nơi đầu sóng, cùng nhau xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp.
Đoàn công tác cùng quân dân xã đảo Sinh Tồn chào cờ tại cột mốc chủ quyền.
Giữa mênh mông sóng gió, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền, quân dân đảo Sinh Tồn (Quần đảo Trường Sa) và Đoàn công tác số 5 – TP.HCM thăm đảo cùng hát vang bài Quốc ca với niềm tự hào của những người con đất Việt.
10 lời thề được cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đọc dõng dạc, vang xa, thể hiện tinh thần quyết tâm vượt mọi thử thách nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trung tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, được sự yêu thương chăm sóc của nhân dân cả nước, sau 48 năm xây dựng và trưởng thành, xã đảo Sinh Tồn nói riêng, huyện đảo Trường Sa nói chung đã và đang có bước phát triển vững chắc. Cơ sở vật chất được quan tâm, đầu tư hoàn thiện; đời sống cán bộ, chiến sĩ, người dân ngày càng được ổn định nâng cao; cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Quân dân xã đảo Sinh tồn xin hứa tiếp bước truyền thống của cha anh; cán bộ chiến sĩ quân dân đảo Sinh Tồn luôn luôn cố gắng luyện rèn, không ngừng phấn đấu rèn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi điều kiện. Tăng cường quan sát tình hình trên không trên biển, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Cuộc sống hôm nay trên đảo Sinh Tồn đã có nhiều đổi mới, chị Lữ Kim Cúc (người dân trên đảo) cho biết, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, tỉnh Khánh Hòa, mỗi người dân đều nỗ lực, cố gắng nên cuộc sống đã ổn định và sung túc hơn. Từ lâu, Trường Sa là quê hương thứ 2 của gia đình chị. Dẫu đảo xa còn nhiều khó khăn so với đất liền, nhưng chị cùng gia đình cũng như toàn bộ người dân trên đảo rất tự hào vì được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chiến sĩ canh gác tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.
Theo Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, chiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam đã trở thành một mốc son lịch sử, là một đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Phát huy tinh thần chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hôm nay luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, làm điểm tựa để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Thế hệ sau rất biết ơn công lao, công sức, sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi luôn thấm nhuần tư tưởng bằng những việc làm cụ thể. Ngoài những nội dung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo, xây dựng các cụm chiến đấu để làm sao xứng đáng với các thế hệ cha anh đã hi sinh vì chủ quyền, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhà nước cũng như đồng bào, kiều bào nước ngoài, luôn giữ vững đảo, nơi tiền tiêu của Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ”, Thượng tá Phạm Thế Nhương cho biết.
48 năm đã trôi qua, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Đại úy Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang khẳng định: “Để thực hiện được tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi giáo dục cho cán bộ chiến sĩ về truyền thống của quân chủng, của vùng 4, của lữ đoàn, đặc biệt là gương các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từ đó để khơi dậy niềm vinh dự, tự hào cũng như trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ khi đặt chân lên thực hiện nhiệm vụ tại đảo”.
Sức sống trên đảo Đá Tây A.
Những ngày tháng 4 ở Trường Sa, không chỉ những người lính Hải quân có nhiều hoạt động thiết thực, lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa 29/4, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4, mà những người dân trên các đảo cũng luôn một lòng cùng chung tay, chung sức đồng lòng, gắn kết tình cảm quân dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc.
Anh Trần Văn Thanh, người dân đảo Đá Tây A tự hào: “Tình đoàn kết quân dân gắn bó như anh em một nhà, chia sẻ ngọt bùi, giữ vững ý chí để bảo vệ biển đảo Tổ quốc, quê hương”.
Trường Sa đầy nắng và gió; đầy cam go và thử thách. Song nơi đây, sức sống đang đơm hoa, kết trái và lớn mạnh từng ngày. Sức sống ấy được xây đắp bởi bàn tay và khối óc của quân dân trên đảo. Sức trẻ, tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm vượt khó của quân và dân đã giúp cho mỗi tấc đất, hòn đảo giữa biển khơi ngày càng thêm sức sống mới, đủ đầy và mạnh mẽ hơn.
Quân dân Trường Sa đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân./.