Trương Ngọc Ánh: “Những cuộc thi sắc đẹp uy tín sẽ có thí sinh chất lượng”
Sau hơn 4 tháng diễn ra, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 đã đi đến chặng cuối cùng. Đêm Chung kết sẽ diễn ra vào tối nay 16/7 tại TP. HCM. Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 đã thu hút rất nhiều gương mặt mới, lần đầu tiên tham gia đấu trường nhan sắc. Top 3 của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 sẽ có cơ hội đại diện Việt Nam tranh tài chính thức tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2022 được tổ chức vào cuối năm nay tại Philippines.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn diễn viên, NSX Trương Ngọc Ánh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi ngay trước đêm Chung kết.
Diễn viên, NSX Trương Ngọc Ánh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi
PV: Trước thềm Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, chị đánh giá như thế nào về chất lượng dàn thí sinh năm nay?
Trương Ngọc Ánh: Tôi đánh giá rất cao chất lượng thí sinh năm nay, không chỉ đồng đều mà các em còn rất tài năng và có ý thức cầu tiến. Chứng kiến sự chăm chỉ và đồng hành trong hành trình 4 tháng cùng các em thí sinh tôi thấy rõ sự lột xác, tiến bộ của các em.
PV: Sau 9 năm kể từ 2013, sự trở lại của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần này có ý nghĩa như thế nào?
Trương Ngọc Ánh: Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 là cuộc thi nhan sắc mang tầm vóc quốc gia nhằm tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, trí tuệ và tài năng đặc biệt của các thiếu nữ thuộc 54 dân tộc anh em sinh sống tại Việt Nam. Cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh những người đẹp thân thiện, mang vẻ đẹp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng với những câu chuyện truyền cảm hứng, mang ước mơ của phụ nữ Việt Nam vươn xa.
Trương Ngọc Ánh và đạo diễn Long Kan.
PV: So với các cuộc thi nhan sắc đình đám tại Việt Nam như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam… đâu là những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, thưa chị?
Trương Ngọc Ánh: Tôi chỉ có thể nói về cuộc thi của mình và tôi tự hào rằng cuộc thi HHCDTVN không đơn thuần là một sự kiện giải trí, đây còn là một hoạt động xã hội ý nghĩa với sứ mệnh tôn vinh giá trị bản sắc của từng dân tộc, tạo nên một nét riêng biệt. Đất nước ta có 54 dân tộc anh em là 54 nền văn hoá khác nhau, điều đó hẳn là một kho tàng văn hoá đáng quý và chúng tôi tự hào khi giới thiệu sự khác biệt của từng dân tộc trong văn hoá đến với khán giả đại chúng trong và ngoài nước.
PV: Có vẻ như những Hoa hậu ở các nhiệm kỳ trước chưa có nhiều hoạt động sôi nổi, gần như “biến mất” sau đăng quang. Chị có lo ngại việc này sẽ lặp lại? Chị kỳ vọng gì ở tân Hoa hậu lần này?
Trương Ngọc Ánh: Tôi mới chỉ làm năm đầu tiên của HHCDTVN mà bạn lại lo lắng về chuyện biến mất vậy là bạn nghi ngờ tôi đúng không? (Cười). Tôi đùa thôi, với những nhiệm kì trước tôi không ý kiến, riêng năm nay, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chúng tôi đã có rất nhiều kế hoạch cho các thí sinh của mình, không chỉ Hoa hậu thôi đâu.
PV: Trương Ngọc Ánh tham vọng như thế nào với Hoa hậu các dân tộc Việt Nam – chương trình đầu tiên ra mắt với sứ mệnh lan tỏa tôn vinh văn hóa Việt?
Trương Ngọc Ánh: Tôi chỉ có tham vọng là cuộc thi hoàn thành sứ mệnh lan toả các giá trị bản sắc – chân thật và nghị lực và tạo cơ hội cho những thiếu nữ thuộc các dân tộc khác nhau có cơ hội chạm vào ước mơ cuộc đời.
PV: Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Quy định trên tạo điều kiện cho hàng loạt cuộc thi hoa hậu, hoa khôi mở ra. Điều này dẫn tới sự bùng nổ các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam, chị nghĩ sao về điều này?
Trương Ngọc Ánh: Tôi cho rằng cuộc thi nào cũng có những tiêu chí và khán giả của riêng mình và nếu mình làm đúng theo mục đích ban đầu đề ra thì mỗi cuộc thi đều có những giá trị và sứ mệnh riêng nhất định để góp phần quảng bá du lịch, văn hóa các vùng miền, quốc gia, kích cầu nền kinh tế.
PV: Sự gia tăng ồ ạt này có ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc thi, chất lượng thí sinh?
Trương Ngọc Ánh: Điều này rất khó nói nhưng tôi nghĩ chất lượng cuộc thi sẽ quyết định chất lượng thí sinh và những cuộc thi uy tín sẽ có được những thí sinh chất lượng. Tôi rất vui vì Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm nay có đến 90% là các gương mặt mới, chưa từng tham gia một sân chơi nhan sắc nào. Thậm chí có nhiều em chỉ mới lần đầu bước catwalk trên đôi giày cao gót. Bên cạnh đó, cuộc thi quy tụ nhiều thí sinh đến từ các dân tộc khác nhau, đó chính là một điều đặc biệt mà tôi tự hào.
PV: “Hoa hậu giờ như nấm mọc sau mưa”, “Tôi có cảm giác bây giờ ai cũng có thể trở thành hoa hậu”… là nhiều ý kiến được đưa ra khi chứng kiến có quá nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức trong thời gian gần đây. Bản thân chị là đơn vị tổ chức một cuộc thi hoa hậu, chị có suy nghĩ gì không?
Trương Ngọc Ánh: Nếu tôi trả lời câu hỏi này của bạn thì khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còn”, “mẹ hát con khen hay” (cười), vậy nên, tôi xin được trích ý kiến của ông Nguyễn Quang Vinh – nguyên Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn – trả lời báo chí gần đây: “Mỗi người có quyền quyết định ủng hộ các cuộc thi chất lượng cao, phớt lờ sân chơi ‘ao làng’, để nó tự triệt tiêu. Đó là quy luật của nền kinh tế thị trường”.
PV: Để một cuộc thi hoa hậu là sân chơi sắc đẹp uy tín, những yếu tố cần có là gì thưa chị?
Trương Ngọc Ánh: Tôi nghĩ cần có rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là 1 BGK uy tín, công tâm, chính trực, 1 BTC sát sao, chỉn chu và đề cao chất lượng trong từng hoạt động, luôn coi thí sinh là trọng tâm, tìm kiếm vẻ đẹp đích thực từ trong ra ngoài, cả hình thể lẫn trí thức.
PV: Xin cảm ơn chị!./.