Trường Mầm non Tân Mai: Một số giải pháp rèn luyện những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi – Công đoàn – Cổng thông tin điện tử Quận Hoàng Mai
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số giải pháp rèn luyện những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời dặn dò với ngành học mầm non: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế nào trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, công tác giáo dục đào tạo thế hệ măng non – những người chủ tương lai của đất nước đã, đang và sẽ là chủ trương lớn của toàn Đảng, toàn dân. Là một giáo viên mầm non tôi nhận thấy rằng việc rèn luyện cho trẻ những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ là việc làm rất cần thiết. Qua đó sẽ hình thành cho trẻ những thói quen vệ sinh giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh, tự tin thích ứng với môi trường, chống chọi lại bệnh tật, trẻ sẽ lĩnh hội đầy đủ về chuẩn mực hành vi đẹp văn minh, có đủ phẩm chất đạo đức và hình thành nhân cách cho trẻ sau này.
Năm học 2018-2019, tôi được phân công phụ trách lớp mẫu giáo lớn 5-6 tuổi với 36 cháu, tôi nhận thấy rằng vẫn còn có rất nhiều trẻ chưa có thói quen vệ sinh, chưa có những hành vi ứng xử văn minh. Là năm cuối cấp trong cấp bậc mầm non trẻ cũng đã được rèn luyện trong các lứa tuổi nhỏ hơn nhưng ở nhà trẻ được bố mẹ nuông chiều, làm hộ trẻ mọi việc chính vì thế mà trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi văn minh vẫn còn rất hạn chế. Từ những cơ sở trên đã thúc đẩy tôi chọn đề tài: “Một số giải pháp rèn luyện những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi”.
2. Mục đích nghiên cứu:
Nghiên cứu nhằm hệ thống hóa, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất để giúp trẻ rèn luyện những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.
3. Bản chất cần được làm rõ của đề tài:
Thông qua việc nghiên cứu để chọn lọc các hình thức tổ chức tiết học, các phương pháp phù hợp áp dụng vào tiết học, lồng ghép tích hợp nhiều nội dung các môn học khác vào bài dạy một cách sáng tạo mềm dẻo, đưa nhiều yếu tố vui chơi vào bài dạy nhằm phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ. Từ đó giúp trẻ hiểu bài nhanh, khắc sâu lại kiến thức, kỹ năng hình thành cho trẻ ý thức, nề nếp vệ sinh, tổ chức kỷ luật tốt, để ngay từ khi còn nhỏ trẻ có những hành vi đạo đức chuẩn mực, có thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày là nền tảng vững chắc cho những lớp học tiếp theo, rèn cho trẻ thành con người mới XHCN phù hợp với yêu cầu giáo dục hiện nay.
4. Đối tượng nghiên cứu:
Học sinh lớp mẫu giáo lớn A4 do tôi là giáo viên phụ trách
5. Phương pháp nghiên cứu
a. Phương pháp điều tra khảo sát
b. Phương pháp quan sát đàm thoại
c. Phương pháp đối chiếu, so sánh
d. Phương pháp thực nghiệm (Dùng lời giải thích)
e. Phương pháp nghiên cứu tìm tài liệu
f. Phương pháp thu thập xử lý số liệu
g. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm
6. Phạm vi và kế hoạch nghiên cứu:
Nghiên cứu thu thập tài liệu, tìm hiểu thực tế trong thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019 hoàn thành.
– Tháng 9/2018 nghiên cứu và chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm
– Tháng 10/2018 xây dựng đề cương sáng kiến kinh nghiệm
– Tháng 12/2018 nộp về BGH sửa sáng kiến kinh nghiệm
– Tháng 1,2 /2019 viết các nội dung biện pháp sáng kiến kinh nghiệm
– Tháng 3 /2019 sửa sáng kiến kinh nghiệm
– Đầu tháng 4 /2019 hoàn thiện và nộp sáng kiến kinh nghiệm mầm non
PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
- Cơ sở lý luận:
Trong chương trình giáo dục mầm non, hoạt động rèn cho trẻ thói quen vệ sinh và hành vi văn minh là hoạt động hết sức gần gũi với trẻ và là hoạt động diễn ra hàng ngày. Đây được coi là một bộ phận không thể tách rời với công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Đi vào thực tế chúng ta biết rằng trẻ mầm non cơ thể trẻ rất yếu ớt, môi trường bên ngoài thì luôn luôn biến đổi, thêm vào đó trẻ ở độ tuổi này thuờng rất hiếu động, hay bắt chước, thích học hỏi, tìm tòi khám phá. Do đó cô giáo cần rèn cho trẻ có được những thói quen vệ sinh và những hành vi văn minh ngay từ khi còn nhỏ. Thông qua đó nhằm hình thành cho trẻ có những phép tắc giao tiếp, ứng xử ở mọi lúc, mọi nơi giúp trẻ phát triển toàn diện theo nhân cách con người mới.
Dạy trẻ cách tự chăm sóc, vệ sinh bản thân từ khi còn nhỏ là việc làm vô cùng quan trong đối với trẻ mẫu giáo, đặc biệt là đối với trẻ mẫu giáo lớn, lứa tuổi trẻ cần tự phục vụ được những nhu cầu đơn giản của bản thân để bước vào lớp 1. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng con mình chưa đến tuổi và làm thay con mọi việc thì có nghĩa là cha mẹ đang lấy đi quyền được khám phá, học hỏi và cơ hội phát triển bản thân của trẻ. Trái lại, một trẻ được cha mẹ và thầy cô khuyến khích, hướng dẫn và rèn luyện những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh thì trẻ đó sẽ sớm tự lập, có nề nếp tốt trong cuộc sống hàng ngày hình thành cho trẻ tính cách, nhân cách tích tực.
Trẻ mầm non được ví như tờ giấy trắng và cô giáo mầm non chính là người đặt bút vẽ những nét đầu tiên nên tờ giấy trắng đó. Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi, mỗi việc làm, lời nói đều bộc lộ phần nào phẩm chất, đạo đức, nhân cách của con người. Chính vì thế ngay từ nhỏ trẻ cần được uốn nắn, giáo dục từ cử chỉ lời nói, hành động văn minh lịch sự thì khi lớn lên trẻ mới trở thành người có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Cô giáo mầm non phải là người tạo ra cho trẻ môi trường sống tốt rèn luyện trẻ phải biết tu dưỡng bản thân từng ngày, từng giờ theo hướng tốt, nói lời hay, ý đẹp, đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai, cư xử với niềm nở đúng mực với mọi người.
2. Thực trạng vấn đề nghiên cứu
2.1. Thuận lợi:
– Trẻ đều cùng một độ tuổi 5- 6 tuổi, đa số trẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh ngoan ngoãn ham thích học hỏi, khám phá.
– 100% các cháu ăn bán chú tại trường.
– Ban giám hiệu nhà trường luôn đi sâu đi sát, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ phục vụ cho công việc vệ sinh.
– Đa số các bậc phụ huynh của lớp đều nhiệt tình, quan tâm chu đáo tới con em và thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình của con mình đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2.2. Khó khăn:
– Trẻ tuy cùng độ tuổi nhưng khả năng hòa nhập không đồng đều. Một số trẻ nhút nhát và đi học không đều: Đan Nguyên, Bảo Huân, Minh Nhật. Một số trẻ lại quá hiếu động: Minh Hiếu, Nghĩa Vũ, Nhật Minh, Duy Bảo, Tất Thành, làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trẻ.
– Hơn nữa trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn tâm lý trẻ đã ổn định hơn, trẻ 5-6 tuổi đang trải qua thời kì khẳng định bản thân, muốn làm theo ý mình và không phối hợp cùng bạn.
– Nhận thức về việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở một số bậc phụ kinh doanh tự do còn hạn chế.
– Một số trẻ sống trong môi trường không lành mạnh từ gia đình.
– Nhận thức của trẻ không đồng đều, một số phụ huynh chưa quan tâm đến con em mình.
– Một số phụ huynh quá nuông chiều, không muốn để trẻ tự phục vụ dẫn đến sự dạy bảo con không thống nhất.
Để khắc phục những khó khăn trên tôi đã tìm ra một số giải pháp sau:
2.3. Kết quả khảo sát dầu năm:
– Trẻ ở độ tuổi: 5 – 6 tuổi
– Số lượng : 36 trẻ
+ Trong đó: 19 cháu nam chiếm: 52,8%.
+ 17 cháu nữ chiếm : 47,2%
– Hoàn cảnh của trẻ:
+ Con cán bộ công nhân viên chức: 20 trẻ chiếm: 55,6%
+ Con buôn bán kinh doanh 15 trẻ chiếm : 44,4%
Tổng số trẻ được nghiên cứu là 36 trẻ
Nhóm đối chứng
Số lượng trẻ
%
10 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi tốt
28%
11 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi khá
31%
10 trẻ có thói quen vệ
sinh và hành vi trung bình
28%
5 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi yếu kém
13%
3. Biện pháp thực hiện:
3.1. Lập kế hoạch thực hiện rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ
Kế hoạch thực hiện rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ được tôi lập rõ ràng theo từng tuần, theo tháng và theo từng: Kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ.
Ví dụ 1: Ở sự kiện “Trường mầm non “: Tôi lên kế hoạch như sau:
Tuần
Nội dung dạy trẻ
Chuẩn bị
1
Dạy trẻ rửa tay, rửa mặt .
Dạy trẻ hành vi văn minh: Trẻ biết chào cô chào các bạn khi đến lớp.
– Khăn, vòi nước
– Tranh ảnh bé chào hỏi
2
Dạy trẻ tự xếp dép mũ lên giá, cất ba lô vào đúng tủ
Dạy trẻ hành vi văn minh: Trẻ biết nói lời cảm ơn xin lỗi
– Giá dép, dép, mũ và ba lô của trẻ
– Tranh ảnh liên quan
3
Dạy trẻ biết nhặt cơm rơi bỏ vào đĩa, lau tay vào khăn
Dạy trẻ hành vi văn minh: dạy trẻ biết chơi với bạn, không tranh dành đồ chơi với bạn
– Đĩa, khăn lau tay
– Tranh ảnh liên quan
Ví dụ 2: Ở chủ điểm “Bản thân”: Tôi lên kế hoạch như sau:
Tuần
Nội dung dạy trẻ
Chuẩn bị
1
Dạy trẻ rửa tay, rửa mặt.
Dạy trẻ hành vi văn minh: Dạy trẻ chào hỏi lễ phép với người lớn.
– Khăn mặt, xà phòng, khăn lau tay,chậu
– Tranh ảnh bé chào hỏi
2
Dạy trẻ xúc miệng nước muối, đánh răng
Dạy trẻ hành vi văn minh: ăn mặc, ứng xử phù hợp khi thời tiết thay đổi: Khi ra nắng biết đội mũ nón và biết mặc áo mưa khi trời mưa.
– Bình đựng nước muối, xô, bàn chải, kenh đánh răng
– Tranh ảnh liên quan
3
Dạy trẻ tự mặc quần áo
Dạy trẻ hành vi văn minh: dạy trẻ biết đòi hỏi người lớn phải cho mình ăn mặc gọn gàng sạch sẽ.
– Quần áo của trẻ
– Tranh ảnh liên quan
3.2. Lựa chọn những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ.
Với trẻ 5- 6 tuổi, tôi lựa chọn rèn cho trẻ những thói quen và hành vi văn minh gần gũi, nhẹ nhàng để trẻ có thể học được một cách dễ dàng. Ngoài những thói quen vệ sinh vứt rác đúng nơi quy định, xếp hàng, rửa tay, cách đi , đứng, nói năng…thì giáo viên cần rèn luyện thêm cho các cháu những thói quen vệ sinh và hành vi sau:
– Trẻ biết cách xưng hô chào hỏi.
– Trẻ biết cảm ơn, xin lỗi, vâng lời, lễ phép khi giao tiếp với mọi người và làm theo yêu cầu của cô.
– Trẻ biết nhường nhịn, vui chơi hòa thuận với các bạn và biết giúp đỡ bạn bè.
– Trẻ biết giữ gìn vệ sinh nhà cửa, trường lớp gọn gàng, sạch sẽ, bảo quản đồ dùng, đồ chơi, biết lấy và cất đồ chơi đúng quy định. Biết giúp cô lau bàn ghế, rửa đồ chơi, xếp lại giá đồ chơi gọn gàng ngăn nắp.
– Trẻ có thói quen vệ sinh tự phục vụ: Trẻ tự rửa mặt, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi đại tiện, lau mặt, chải tóc, đánh răng, xúc miệng nước muối. Trẻ tự mặc quần áo, biết đòi hỏi người lớn phải cho mình ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Trẻ biết gấp cất trải nệm, gối. Biết giúp cô giặt khăn, phơi khăn.
– Trẻ có thói quen bảo vệ cơ thể và ăn mặc phù hợp: Khi ra nắng biết đội mũ nón và biết mặc áo mưa khi trời mưa.
– Trẻ có thói quen nề nếp trong học tập: Trẻ biết thưa gửi, xin phép cô.
– Trẻ biết ăn uống sạnh sẽ, văn minh, lịch sự: Trẻ biết mời cô, mời bạn trước khi ăn, không nói chuyện trong giờ ăn, biết dùng tay , khăn che miệng khi hắt hơi, ho.
– Trẻ có ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng, tôn trọng người khác như: Không nhổ bậy, không vứt rác ra lớp học, nơi công cộng, biết sử dụng nước sạch…
– Trẻ có hành vi văn minh: Đi lại nhẹ nhàng, nói năng chuẩn mực, lễ phép, biết dùng tay, khăn che miệng khi hắt hơi, ho, ngáp, hỉ mũi; biết quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh…
– Trẻ có thói quen, hành vi bảo vệ môi trường, cây xanh: Không ngắt lá, bẻ cành, vứt rác bừa bãi…
3.3 Đổi mới hình thức, phương pháp, cách thức thực hiện việc rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ.
Với trẻ nhỏ, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo, lấy trẻ làm trung tâm, vì thế mà khi dạy trẻ các thói quen vệ sinh thay vì chúng ta vẫn tổ chức dạy trẻ dưới hình thức học cứng nhắc chúng ta nên tổ chức dưới hình thức các trò chơi như vậy sẽ thu hút rất nhiều trẻ tham gia.
Ví dụ 1: Khi dạy trẻ đánh răng, ở chủ điểm “Gia đình”. Thay vì dạy trẻ một cách cứng nhắc tôi tổ chức cho trẻ chơi : “ Chương trình ở nhà chủ nhật”.
Trò chơi 1: “Gia đình chung sức”: Tôi yêu cầu trẻ chơi theo nhóm xếp thứ tự quy trình đánh răng. Sau đó tự trẻ nhận xét và đưa ra quy trinh đánh răng đúng nhất. Sau đó cô đưa ra quy trình đánh răng và có thể làm mẫu lại cho trẻ xem.
Trò chơi 2 : “Gia đình vệ sinh”: Yêu cầu từng gia đình lên thực hiện thao tác đánh răng. Các gia đình còn lại quan sát và nhận xét. Tổ chức dưới hình thức trò chơi như vậy trẻ sẽ hứng thú hơn rất nhiều.
Ví dụ 2: Để dạy trẻ hành vi vứt rác đúng quy định tôi có thể tổ chức cho trẻ cuộc thi : “ Bé kể truyện giỏi”, yêu cầu trẻ kể về hành động biết vứt rác đúng quy định trẻ sẽ hứng thú hơn rất nhiều.(Hình ảnh1, phụ lục )
3. 4. Xây dựng môi trường sư phạm văn minh, sạch đẹp, ngăn nắp, trật tự, chuẩn bị cơ sở vật chất, học liệu, đồ dùng, đồ chơi đẹp, lạ mắt, hấp dẫn kích thích trẻ tham gia thực hiện tốt các quy định về vệ sinh và thể hiện hành vi văn minh.
– Hàng ngày tôi thực hiện vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp sạch sẽ, sắp xếp đồ dùng, giá góc ngăn nắp, gọn gàng. Từng giá góc để trẻ hoạt động học và chơi tôi đều làm mới chúng, trang trí hình ảnh ngộ nghĩnh, hấp dẫn trẻ. Qua những hình ảnh đó trẻ học, bắt chước những thói quen và hành vi văn minh.
Ví dụ 1: Góc phân vai được tôi chuẩn bị đồ chơi để trẻ chơi bán hàng, nấu ăn, gia đình, bác sĩ….
Ví dụ 2: Góc xây dựng được tôi trang trí hình ảnh bạn nhỏ đang xếp nhà, bên dưới giá tôi chuẩn bị cho trẻ rất nhiều đồ chơi: gạch, hoa, cây xanh…để trẻ thoải mái chơi.
Ví dụ 3: Góc nghệ thuật được tôi trang trí hình ảnh các bức tranh ,bên dưới có nhiều kéo, giấy màu, hồ dán…để trẻ hoạt động.
– Trẻ con thường bị hấp dẫn bởi những thứ đồ dùng, đồ chơi đẹp, mới lạ. chính vì thế tôi thường xuyên chú trọng trang trí môi trường, góc lớp sinh động, mới lạ thu hút trẻ tham gia vào các hoạt động.
– Sau mỗi sự kiện tháng tôi thay đổi cách trang trí và hoạt động ở các góc để tạo cảm giác mới lạ hấp dẫn trẻ. Tôi thường trang trí tranh ảnh, bài thơ mang tính chất giáo dục thói quen vệ sinh và hành vi văn minh:
Ví dụ 4: Ở chủ điểm gia đình: Tôi tranh trí hình ảnh bạn nhỏ biết khoanh tay lễ phép chào khách, bạn nhỏ giúp bố mẹ lau dọn nhà cửa, trông em…Qua đó trò chuyện giáo dục trẻ ngoan ngoan lễ phép với người lớn, biết quan tâm chăm sóc mọi người xung quanh.
– Bổ sung đồ dùng đồ chơi mới để kích thích trẻ tham gia hoạt động vệ sinh và thể hiện hành vi văn minh: Bàn chải đánh răng mới, ca cốc hình ngộ nghĩnh, khăn của trẻ có kí hiệu mà trẻ yêu thích.
– Trẻ sẽ hứng thú hơn rất nhiều khi trẻ được tự tay trang trí, chuẩn bị môi trường để trẻ hoạt động.
Ví dụ 5: Khi dạy trẻ có thói quen vệ sinh đánh răng: tôi tổ chức, gợi ý, hướng dẫn cho trẻ tự vẽ, dán, tô màu, buộc dây nơ…vào ca cốc có màu sắc ngộ nghĩnh, sinh động trẻ sẽ rất thích khi được sử dụng chính cái cốc đó để đánh răng
Đối với các giá góc đồ chơi, tôi thường xuyên tổ chức cho trẻ thi đua nhau lau dọn, sắp xếp đồ chơi gọn gàng. Trẻ không những rất hứng thú mà qua đó trẻ sẽ được hình thành thói quen gọn gàng ngăn lắp và ý thức giữ gìn bảo vệ đồ dùng đồ chơi.
Bên cạnh đó, ở mỗi chương trình mỗi tháng, tôi thường xuyên thu thập, sưu tầm tư liệu phục vụ cho các hoạt động giáo dục rèn thói quen và hành vi văn minh cho trẻ: Sưu tầm các bài thơ, bài hát, câu chuyện… có nội dung giáo dục thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ. Điều đó không chi làm cho tiết học sôi nổi mà con mang tính chất giáo dục cao.
Ví dụ 8: Khi tìm hiểu về: “Gia đình”: Tôi thu thập, sưu tầm bài thơ: “Làm anh”, bài thơ: “Giữa vòng gió thơm”, bài thơ: “ thương ông”…Truyện: “Bàn tay có nụ hôn, hai anh em, Mẹ vắng nhà ngày bão…”
Ví dụ 9: Khi tìm hiểu về: “Thế giới động vật”: Tôi thu thập, sưu tầm bài hát: “Thương con mèo, Trời nắng trời mưa…” Truyện: “chuyến đi xa của chú chuột nhắt, Thỏ bông bị ốm…”
3.5. Thực hiện rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi, thông qua tất các hoạt động của trẻ.
a, Hoạt động đón trẻ, trò chuyện điểm danh.
– Khi đón trẻ vào cô nhắc trẻ phải chào cô, chào bố mẹ, ông bà. Cô hướng dẫn trẻ hành vi thói quen xếp mũ nón vào giá, chải đầu, đi dép đúng chân.
– Khi trò chuyện đầu giờ và điểm danh dạy trẻ xưng hô lễ phép, đúng mực, sửa cho trẻ cách xưng hô với cô: Nói dạ, vâng, khi muốn phát biểu: Con thưa cô
– Trò chuyện với trẻ về công việc hàng ngày sau mỗi buổi sáng thức dậy: Bé phải làm những gì? Bé vệ sinh cơ thể như thế nào? Ăn mặc như thế nào để phù hợp với thời tiết?
– Cùng trẻ trò chuyện về chủ đề để rèn cho trẻ thói quen vệ sinh và hành vi văn minh.
Ví dụ : Khi tìm hiểu về: “Bản thân”: Tôi trò chuyện với trẻ về các bộ phận trên cơ thể, các giác quan của trẻ… Qua đó tôi giáo dục trẻ biết chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ cơ thể.
b, Hoạt động thể dục sáng:
Tôi luôn nhắc trẻ xếp hàng khi ra vào và lúc tập cần ngay ngắn
Tôi luôn đưa nội dung rèn luyện: Giáo dục trẻ chăm chỉ luyện tập thể dục để có cơ thể khỏe mạnh.
c, Hoạt động có chủ đích:
– Nhắc trẻ thói quen ngồi ngay ngắn, giữ trật tự, ngồi đúng tư thế, muốn phát biểu cần biết nói: Con thưa cô, vâng dạ…
– Tích hợp các hoạt động phù hợp, lồng ghép rèn kĩ năng cho trẻ:
Ví dụ 1: Trong giờ cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học truyện: “bàn tay có nụ hôn”.Tôi lồng ghép giáo dục trẻ ngoan ngoãn lễ phép, biết quan tâm chăm sóc ngững người thân trong gia đình, vâng lời người lớn.
Ví dụ 2: Qua giờ khám phá khoa học, khi trò chuyện về các giác quan tôi đưa ra các hệ thống câu hỏi: Con biết những giác quan nào? Ích lợi của từng giác quan? Hàng ngày con chăm sóc, bảo vệ các giác quan như thế nào? Kết hợp cho trẻ thực hành các thao tác chăm sóc bảo vệ các bộ phận, giác quan trên cơ thể: rửa tay, rửa mặt, đánh răng, xúc miệng nước muối…
d, Hoạt động ngoài trời:
– Khi cho trẻ ra hoạt động ngoài trời, sau khi cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, tôi giáo dục trẻ ăn mặc phù hợp với thời tiết.
Ví dụ 1: Con thấy hôm nay thời tiết như thế nào? Bây giờ là mùa gì? Mùa thu thời tiết như thế nào? Buổi sáng khi đi học con phải mặc quần áo như thế nào? Buổi trưa con mặc như thế nào? Nếu trời nắng con phải làm gì?
– Tôi không quên giáo dục trẻ biết yêu quý bảo vệ cảnh đẹp của thiên nhiên, không hái hoa ngắt lá, bẻ cành cây ở trường, lớp vườn hoa, không vẽ bậy lên tường.
Ví dụ 2: Khi cho trẻ quan sát cây khế trên sân trường: Tôi đưa ra câu hỏi hướng dẫn trẻ quan sát, và lồng ghép giáo dục trẻ như: Cây xoài trồng để làm gì? Làm như thế nào để cây khế lớn lên, ra hoa, kết quả cho chúng mình?
– Trong giờ chơi tự do: Trước khi trẻ chơi tôi luôn chú ý nhắc nhở trẻ chơi đoàn kết với bạn, không tranh dành đồ chơi, biết nói cảm ơn , xin lỗi khi mắc lỗi…
Ngoài ra, tôi còn cho trẻ tham gia các hoạt động như nhặt lá vàng, nhặt rác, chăm tưới cây, nhổ cỏ, dọn vệ sinh…
Từ đó giúp trẻ rèn luyện thói quen siêng năng, chăm chỉ tích cực trong các hoạt động lao động tự phục vụ cũng như lao động thiên nhiên, bảo vệ môi trường góp phần làm cho không khí trong sạch bảo vệ sức khỏe con người.
– Trước khi vào lớp tôi cho trẻ xếp hàng rửa tay.
e, Hoạt động góc:
– Khi cho trẻ hoạt động trong các nhóm, góc, tôi nhắc trẻ biết chơi đoàn kết, nhường nhịn bạn khi chơi và cùng chơi không đánh cãi nhau gây gổ bắt nạt bạn yếu.
Tôi luôn bao quát trẻ chơi, chơi cùng trẻ :
Ví dụ 1: Khi trẻ ở góc nấu ăn, tôi gợi ý trẻ biết làm các món ăn yêu thích, biết dọn dẹp rửa chén, bát đĩa xoong, chảo sau khi xong việc…biết tôn trọng yêu kính người lớn tuổi, người trong gia đình… biết giúp đỡ lẫn nhau, biết xưng hô phù hợp với các vai chơi.
Ví dụ 2: Khi đóng vai bán hàng, tôi dạy trẻ cách xưng hô ân cần, lễ phép, nhận đồ bằng 2 tay: Bác mua gì ạ? Bác mua mấy cân bí ạ? Tiền thừa của bác đây ạ. Cảm ơn bác….
– Tổ chức cho trẻ lau dọn, xếp lại đồ chơi trên giá gọn gàng. Thông qua giờ hoạt động góc giáo dục trẻ có thói quen bảo vệ, giữ gìn đồ dùng đồ chơi.
– Bên cạnh đó tôi còn cùng với trẻ tận dụng những phế liệu để tạo ra những đồ dùng, đồ chơi trẻ rất thích thú qua đó tôi giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Ví dụ 3: Khi tìm hiểu về: “Thế giới động vật” : Cho trẻ làm con vịt từ giấy vụn, xốp thảm; Cho trẻ làm con rùa từ quả bóng hỏng, con mèo từ hộp sữa…
f, Giờ ăn trưa :
– Tôi luôn chú ý tổ chức cho trẻ rửa tay trước khi ăn để hình thành thói quen vệ sinh cho trẻ . Trước khi ăn nhắc trẻ mời cô, các bạn, cầm thìa đúng tay, nhặt cơm rơi vãi, không cười đùa, nói chuyện khi ăn, không xúc cơm sang bát của bạn (Hình ảnh 16, phụ lục) Khi ăn phải nhai kỹ, nhai từ tốn, không nhai nhồm nhoàm, ăn hết xuất ăn của mình. Ăn xong biết cất bát thìa, bê ghế về đúng nơi quy đinh, biết xúc miệng, lau miệng, lau tay, đi vệ sinh trước khi vào phòng ngủ.(Hình ảnh 17, phụ lục)
– Khi trẻ uống nước tôi nhắc trẻ uống từ từ, không làm đổ, không làm vỡ cốc, không rót nước quá đầy, không thò tay vào bình nước, không uống nước lã. Uống xong úp cốc đúng quy định, gọn gàng.
g, Giờ ngủ :
– Tôi rèn cho trẻ giữ trật tự, không cười đùa, nằm thẳng chân, không trêu chọc bạn. Tôi cho trẻ đọc bài thơ giờ đi ngủ.
– Ngoài ra tôi còn kể chuyện cho trẻ để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Ví dụ truyện: “Tích Chu, Bác Gấu đen và 2 chú thỏ, Bông hoa cúc trắng, Gấu con bị sâu răng…” Qua đó trẻ hiểu và học được những thói que vệ sinh và hành vi văn minh.
– Thêm vào đó tôi còn mở cho trẻ nghe những bài dân ca, những khúc hát ru với âm lượng vừa phải như: “Mẹ yêu con, ru con mùa đông, cò lả…” Những khúc hát ru nhẹ nhàng êm ái sẽ nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ, hình thành cho trẻ tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước…
h, Hoạt động chiều:
– Trong các buổi hướng dẫn lao động vệ sinh buổi chiều tôi thường xuyên tổ chức, ôn luyện cho trẻ rèn luyện những thói quen và hành vi văn minh. Qua đó sẽ giúp trẻ được ôn luyện, củng cố các kỹ năng, thói quen hành vi văn minh được chính xác hơn.
Ví dụ 1: Vào chiều thứ 3: Tôi tập chung rèn cho trẻ thói quen vệ sinh: Lau mặt, rửa tay, chải tóc…
Ví dụ 2: Vào chiều thứ 5: Tôi tập chung cho trẻ rèn luyện ý thức lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường: Vệ sinh lau giá góc đồ chơi, lau bàn ăn, xếp ghế, chăm sóc cây … .
i, Hoạt động nêu gương cuối ngày:
– Nêu gương cuối tuần tôi đặc biệt lưu tâm và tuyên dương trước lớp những trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi tốt, cho trẻ lên cắm cờ thi đua.
– Khi nhận xét, đánh giá, tuyên dương trẻ cô cần có những lời lẽ, cử chỉ gần gũi, thân mật với trẻ, giúp trẻ dễ sửa sai cũng như duy trì những hành vi tối cho những lần sau.
l, Giờ trả trẻ :
– Tôi luôn nhắc trẻ lễ phép chào cô, chào các bạn trước khi ra về.
– Tôi trao đổi trực tiếp với phụ huynh về tình hình sức khỏe, đặc biệt là những thói quen trẻ đã có, hay chưa có để cha mẹ trẻ có hướng rèn thêm cho trẻ ở nhà.
k, Thông qua các chuyên đề giáo dục
Ví dụ 1: Chuyên đề: “Phát triển vận động”: Tôi đưa ra nội dung: Giáo dục trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể, tập thể dục thường xuyên để có cơ thể khỏe mạnh, trẻ biết rằng tham gia vào các trò chơi vận động giúp trẻ rèn luyện thể lực bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Khi xếp hàng phải xếp hàng ngay ngắn, không xô đẩy nhau, tập các động tác theo cô. …
Ví dụ 2: Chuyên đề: “Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học”: Thông qua các câu chuyện, bài thơ, các bài đồng dao ca dao…tôi lồng ghép giáo dục trẻ hành vi ăn minh: lễ phép với người lớn, quan tâm giúp đỡ mọi người, chăm sóc bảo vệ cây xanh, con vật…..
3.6. Bản thân cô giáo , người trực tiếp nuôi dạy trẻ phải luôn học tập, bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm, hết mực dạy dỗ yêu thương trẻ và là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
– Cô giáo cần nắm chắc yêu cầu rèn luyện và kỹ năng thực hành cho trẻ.
– Cô giáo cần nắm được phương pháp, cách thức giúp trẻ hình thành một thói quen vệ sinh và hành vi văn minh.
– Cô giáo hướng dẫn cho trẻ được nội dung, yêu cầu cần rèn thói quen và hành vi văn minh cho trẻ.
– Các bạn học sinh tuy còn nhỏ nhưng cũng có khả năng tiếp thu được những kiến thức thông thường vì vậy cô cần phải hướng dẫn cho các cháu biết những điều cần thiết của từng yêu cầu vệ sinh và những tác hại của việc không thực hiện đúng yêu cầu đó, lời hướng dẫn của cô phải đơn giản, rõ ràng, chính xác, dể hiểu.
– Chuẩn bị lời hướng dẫn và động tác mẫu.
– Các cháu có thể làm tốt các công việc tự phục vụ bản thân vì vậy đối với những việc có thể làm mẫu được cô cần chuẩn bị tốt lời hướng dẫn và làm thành thạo động tác mẫu, vừa làm vừa giải thích, cô có thể tập trước cho một cháu để cháu đó làm mẫu cho các cháu khác làm theo.
Ví dụ: Thao tác đánh răng một cháu thực hiện các cháu khác làm theo cô đọc lời hướng dẫn.
– Nhắc nhở các cháu thực hiện thường xuyên. Muốn hình thành một thói quen vệ sinh ngoài việc làm cho trẻ hiểu được ý nghĩa có kỹ năng cần phải làm cho trẻ được thực hành thường xuyên, có như vậy mới ăn sâu vào nếp sống của trẻ. Hành động sẽ trở thành thói quen khi đứa trẻ có nhu cầu từ bên trong.
Ví dụ 1: Ngày nào trước khi ăn trẻ cũng được rửa tay. Trẻ không được rửa tay trước khi ăn trẻ nhất quyết không chịu ngồi vào bàn để ăn cơm.
– Trẻ rất thích bắt chước và làm theo cô chính vì thế tôi luôn tổ chức cho trẻ sinh hoạt đúng theo kế hoạch trong ngày, thực hiện giờ nào việc ấy, tôi luôn giám sát trẻ (kể cả trong lúc trẻ chơi) để kịp thời uống nắn hành vi giao tiếp nói năng… không để trẻ chơi tự do mà không có sự giám sát của cô sẻ làm mất đi nề nếp thói quen tốt của trẻ. Một việc hết sức quan trọng của cô giáo trong việc giáo dục lễ giáo cho trẻ là giáo viên phải thật sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, dạy dỗ trẻ, tôi không đánh mắng doạ nạt trẻ mà tạo cho trẻ cảm giác an toàn, tin tưởng và tạo được bầu không khi thân mật giữa cô và trẻ. Tôi luôn đối xử công bằng vô tư với các cháu, xưng hô với trẻ là cô, gọi trẻ là cháu hoặc con không bao giờ xưng hô tục tĩu… Đặc biệt là tôi rất tôn trọng trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ, không lấn át, hoặc cắt ngang lời của trẻ. Khi hỏi trẻ, chào lại trẻ tôi thường nói, chào trọn câu để cháu học tập. Ví dụ: “Cô chào tất cả các con”. Khi trẻ làm giúp việc gì thì tôi thường cảm ơn khen ngợi trẻ. Đối với các bậc phụ huynh và đồng nghiệp, tôi thường nói năng niềm nở, hoà nhã, thân mật, không nói năng tục tĩu, xưng hô mày tao trước mặt trẻ. Tôi thường đến lớp với trang phục gọn gàn sạch sẽ. Như vậy muốn trẻ có được những hành vi tốt thì trước hết cô giáo phải là người mẫu mực để trẻ trẻ noi theo.
Vì vậy cô giáo cần phải từ rèn luyện bản thân và tuân thủ những yêu cầu vệ sinh chung của nhà trường. Thực hiện tốt lời nói đi đôi với việc làm.
Mọi sinh hoạt của lớp có nề nếp làm cho lớp học vui tươi, đầm ấm. Tất cả những cái đó ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thói quen cho trẻ. Lớp học sạch đẹp các cháu sẽ không lỡ vứt rác bừa bãi, cháu không vứt đồ chơi lung tung, mọi thứ trong lớp đều được sắp xếp theo đúng nơi quy định.
Nếu hàng ngày cô giáo thực hiện nghiêm túc thời gian biểu cháu sẽ thực hiện đúng giờ nào việc ấy. Với những việc làm tốt được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ thành thói quen tốt.
3. 7 . Phối hợp với phụ huynh cùng rèn trẻ thói quen vệ sinh và hành vi văn minh
– Xây dựng góc tuyên truyền giáo dục trẻ để phụ huynh nắm được nội dung giáo dục. Thường xuyên thay đổi nội dung giáo dục, hình thức góc tuyên truyền phải đẹp, phong phú và đa dạng.
Ví dụ 1: Trang trí hình ảnh quy trình dạy trẻ rửa tay, rửa mặt…hình ảnh giúp trẻ có hành vi văn minh: Bé nhặt rác bỏ vào thùng rác, bé tưới cây, bé xếp đồ chơi…
– Muốn hình thành được cho trẻ được các thói quen vệ sinh văn minh thì nhà trường và gia đình phải thống nhất yêu cầu giáo dục vệ sinh đối với trẻ. Nhà trường và giáo viên thông báo, cầu biện pháp giáo dục vệ sinh cho phụ huynh biết, yêu cầu phụ huynh cần theo dõi giúp đỡ và cho biết tình hình thực hiện ở nhà để cùng phối hợp rèn luyện cho trẻ.
– Vào các dịp họp phụ huynh đầu năm, tôi chuẩn bị rất kỹ tài liệu để tuyên truyền cho phụ huynh kiến thức, kỹ năng, cách hướng dẫn trẻ để cùng phối hợp rèn trẻ các thói quen, hành vi văn minh trong mọi tình huống thường ngày.
– Vào giờ đón trả trẻ tôi tranh thủ thời gian trao đổi thông tin cần thiết giáo dục trẻ về cách vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ để phụ huynh nắm được.
4. Kết quả đạt được
Qua thực hiện, ứng dụng đề tài một năm học tôi nhận thấy:
1. Đối với giáo viên
– Giáo viên nhận thức được tầm quan trọng trong công tác rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ
– Giáo viên nắm vững được kiến thức, phương pháp và biết thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ ngày càng được củng cố vững vàng và đạt hiệu quả cao.
2. Đối với trẻ
– Qua một năm học áp dụng nội dung yêu cầu và các biện pháp rèn luyện thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo lớn, nhìn chung cuối năm học các cháu đã hình thành những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh một cách khả quan.
– Đa số trẻ rất hứng thú tham gia vào các hoạt động rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh.
– Đa số các cháu đã thành thạo những kỹ năng cần đạt của lứa tuổi.
* Kết quả cụ thể:
Tổng số trẻ được nghiên cứu là 36 trẻ
Nhóm đối chứng
Nhóm thực nghiệm
Số lượng trẻ
%
Số lượng trẻ
%
10 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi tốt
28%
21 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi tốt
58,3%
11 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi khá
31%
10 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi khá
28%
10 trẻ có thói quen vệ
sinh và hành vi trung bình
28%
5 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi trung bình
13,7 %
5 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi yếu kém
13%
0 trẻ có thói quen vệ sinh và hành vi yếu kém
0%
3. Đối với phụ huynh:
Sau khi nghiên cứu và triển khai đề tài tôi được sự ủng hộ của đa số phụ huynh trong lớp. Các phụ huynh đều rất nhiệt tình hỗ trợ tôi cùng rèn cho trẻ những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh.
– Đa số phụ huynh đã nhận thức rõ vai trò, ích lợi của việc rèn thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ.
– Các phụ huynh còn nắm được các kĩ năng, phương pháp thực hành rèn các thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ.
Sáng kiến kinh nghiệm của tôi đã được thực hiện tại lớp tôi phụ trách tôi đã ứng dụng những giải pháp trên và kết quả là trẻ có được những thói quen và hành vi văn minh rất tốt.
PHẦN III: KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ
1. Kết luận
Trong một năm tìm tòi nghiên cứu đề tài: “Một số giải pháp rèn luyện những thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi”. Đây là việc làm hết sức mới mẻ đối với tôi. Trong quá trình nghiên cứu tôi luôn được sự quan tâm chu đáo từ ban giám hiệu nhà trường đã chỉ dẫn tôi nghiên cứu theo đúng yêu cầu của ngành. Việc nghiên cứu này đã giúp cho tôi có cơ hội được nghiên cứu, học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn góp phần lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ.
2 . Khuyến nghị:
Để thực hiện tốt chương trình chăm sóc giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ đặc biệt là trong hoạt động dạy trẻ “thói quen vệ sinh và hành vi văn minh cho trẻ” đạt kết quả tốt nhất tôi mạnh dạn kiến nghị với các ban ngành và các cấp lãnh đạo một số vấn đề sau:
Phòng GD&ĐT mở thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng dạy trẻ “thói quen vệ sinh và hành vi văn minh” cho trẻ (5 – 6) tuổi.
Tạo điều kiện cho chúng tôi đi tham quan nhiều trường điểm để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức cho bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó đạt kết quả tốt hơn.