Trường Đại học Sao Đỏ lấy thế mạnh “lõi” hướng tới đào tạo nghề logistics
Tham gia buổi làm việc có ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, PSG TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, đại diện Sở Công Thương Hà Nội, Hải Dương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, các cơ sở đào tạo chuyên ngành logistics.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hải cho rằng, thời gian qua logistics là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh. Theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, logistics chính thức được giao cho Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Cục Xuất nhập khẩu được giao là đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc
Cũng theo ông Hải, Cục Xuất nhập khẩu đã làm việc với các doanh nghiệp và nhận thấy nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành này là rất lớn, việc đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết trong thời gian tới.
Chính vì vậy, việc tận dụng kinh nghiệm từ các trường như Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Điện lực, Trường đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội … vốn trước đây chỉ đào tạo ngành nghề kỹ thuật là kinh nghiệm quý với Trường đại học Sao Đỏ.
Bà Nguyễn Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sao Đỏ cho biết, trải qua 54 năm hình thành và phát triển, Trường đại học Sao Đỏ có truyền thống đào tạo về khối ngành kỹ thuật. Nhà trường đang đào tạo 16 ngành thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông; Công nghệ thực phẩm; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Công nghệ may; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Việt Nam học; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp và xã hội, nội dung chương trình đào tạo của Nhà trường được thiết kế, xây dựng đảm bảo 50% lý thuyết, 50% thực hành. Nhà trường rất coi trọng việc bổ sung các kiến thức thực tiễn, ứng dụng cho sinh viên.
Bên cạnh đó, để giải quyết tốt việc làm cho sinh viên, Nhà trường luôn coi trọng việc đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sao Đỏ
Đến nay, Nhà trường xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng với nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH May Tinh Lợi, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ CAD/CAM Việt Nam, Công ty Viet Nam TCL Technology Electronics, Công ty TNHH Công nghệ NISSEI Việt Nam…
Hiện nay, Trường đại học Sao Đỏ có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Sao Đỏ là đơn vị sự nghiệp được Bộ Công Thương thành lập, có chức năng giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực ngành logistics của khu vực, Nhà trường đã lên kế hoạch hướng tới đào tạo chuyên ngành logistics. Buổi làm việc với Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ là cơ hội để Trường lắng nghe chia sẻ từ các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành logistics, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, giúp Trường có bước chuẩn bị tốt hơn cho công tác đào tạo.
Trao đổi tại buổi làm việc, PGS TS Trịnh Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, VALOMA hiện có 309 hội viên, từ các các trường đại hoc, cao đẳng, doanh nghiệp… Thời gian qua, VALOMA đã kết hợp với Bộ Công Thương trong những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ các cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics, đặc biệt là phát triển giảng viên, kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Tại cuộc thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực logistics từ những ngành lõi của các trường như Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Thương mại, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, … đại diện các trường cũng đưa ra nhiều ý kiến về tận dụng thế mạnh lõi để đào tạo ngành nghề dựa trên thế mạnh của đơn vị.
Đối với Trường đại học Sao Đỏ, quá trình ghi nhận từ sinh viên khoa kinh tế tại các doanh nghiệp logistics, thực tế cần bổ sung nhiều kiến thức. Vì vậy Khoa Kinh tế mong muốn có sự chia sẻ, bồi dưỡng giảng viên để công tác đào tạo logistics tốt hơn.
Bên cạnh đó, PGS TS Trịnh Thu Hương cho rằng, nếu Trường đại học Sao Đỏ mở ngành logistics sẽ phải đáp ứng chất lượng của đội ngũ giảng viên, ở đây là trình độ tiến sĩ với giảng viên chuyên ngành đúng.
Cũng về vấn đề này, GS TS Đặng Đình Đào, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, về cơ sở vật chất, Trường đại học Sao Đỏ có đủ điều kiện. Tuy nhiên, Trường nên đi theo hướng đào tạo nghề, sau đó sẽ đào tạo cử nhân. Hướng đào tạo mang tính bản sắc riêng, mở nghề đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo.
Trao đổi thêm tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logicstics cho rằng, nhà trường nên tính đến yếu tố xu thế khi mở ngành đào tạo, tránh ảnh hưởng nguồn lực, dự báo xu thế tương lai của nghề nghiệp. Đặc biệt, công tác đào tạo làm sao tránh việc doanh nghiệp phải đào tào lại.
Ghi nhận những ý kiến tại buổi làm việc, bà Nguyễn Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sao Đỏ cho biết, việc nắm bắt nhu cầu xã hội về ngành, nghề logistics, nhà trường sẽ đi theo hướng đào tạo nghề ngắn hạn, cấp chứng chỉ. Việc này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Sao Đỏ sẽ đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp.
Đồng thời, bà Nguyễn Kim Nguyên mong muốn VALOMA và Bộ Công Thương kết nối, hỗ trợ để trường thực hiện việc đào tạo nghề logistics của Trường đại học Sao Đỏ được tốt hơn.
Thăng Long