Trường Đại học Phenikaa lọt top 15 trường có công bố quốc tế nhiều nhất nước
Sinh viên trường Đại học Phenikaa trong lễ khai giảng
Trường Đại học Phenikaa được thành lập trên nền tảng ban đầu là Trường Đại học Thành Tây từ ngày 10/10/2007. Đến nay, trường chính thức đổi tên thành Trường Đại học Phenikaa và đang được đầu tư mạnh mẽ từ nguồn lực trí tuệ đột phá và tiềm năng tài chính hùng hậu của Tập đoàn Phenikaa.
PGS.TS Phạm Thành Huy cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Trường có gần 300 cán bộ, giảng viên, trong đó có 50 Giáo sư, Phó Giáo sư; gần 50% có trình độ tiến sĩ. Trường có 3 nhà khoa học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Ngoài ra, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, Trường có hơn 100 công bố quốc tế nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín ISI và Scopus, nằm trong TOP 15 trường đại học có công bố quốc tế ISI/SCOPUS nhiều nhất trong cả nước.
Trường đã vươn lên vào top đầu các cơ sở giáo dục đại học có nhiều nhà khoa học có công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế đạt trên 1000 trích dẫn (theo google scholar).
Đồng thời, Trường cũng đứng đầu trong bảng xếp hạng RePEc Việt Nam (bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu về kinh tế của Việt Nam).
PGS.TS Phạm Thành Huy hiệu trưởng nhà trường
PGS.TS Phạm Thành Huy cho hay, trường Đại học Phenikaa đang hướng tới một trường đại học đa ngành, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu và hướng nghiệp với mục tiêu vào Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á trong vòng 20 năm. Nền tảng triết lý giáo dục hiện đại mà trọng tâm của trường là sự “tự do sáng tạo”.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Trường đã trao đổi và ký thỏa thuận hợp tác với hơn 10 đối tác quốc tế là các trường đại học, viện nghiên cứu từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Cộng Hòa Ý nhằm xây dựng các chương trình đào tạo chung, chương trình đào tạo kết hợp 2+2, 3+1, phối hợp đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ), trao đổi cán bộ, các đề tài dự án nghiên cứu chung.
Ngoài các ngành truyền thống gồm: Kỹ thuật công trình xây dựng, Quản trị kinh doanh, Sinh học, Lâm nghiệp và Khoa học máy tính, trường đã mở thêm các ngành khối kỹ thuật – công nghệ mới phù hợp với nhu cầu, quy luật phát triển tất yếu của xã hội như: Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá, Kỹ thuật Ô tô, Kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ thông tin Việt – Nhật…
Đặc biệt, năm 2019, điểm trúng tuyển trung bình của đa số ngành đào tạo của Trường là 18 điểm, một số ngành có điểm trúng tuyển trung bình đạt mức 20-21. Số sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ 24 điểm trở lên chiếm gần 8%.
Tiến sĩ Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa khen thưởng sinh viên thủ khoa đầu vào khóa 13
Phát biểu tại lễ khai giảng, Tiến sĩ Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa cho biết, định hướng phát triển của Trường, trên cơ sở triết lý giáo dục: Tôn trọng – Sáng tạo – Phản biện, Trường sẽ phát triển cân bằng giữa Nghiên cứu – Đào tạo – Chuyển giao (theo hướng khởi nghiệp).
Trong nghiên cứu, Trường sẽ phát triển song song cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Quá trình đào tạo phải gắn liền với hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ kỹ năng thực tế để làm việc hiệu quả.
Ông Năng nhấn mạnh: “Đánh thức và hiện thực hoá tiềm năng của mọi người” là thương hiệu, định vị của trường ĐH Phenikaa.
“Nếu chúng ta giúp đào tạo một người bình thường có thể học để trở thành người có kiến thức và kỹ năng làm việc hiệu quả, hạnh phúc với những gì họ đạt được, người có tài năng thật sự sẽ trở thành tài năng xuất chúng, đó chính là thành công của chúng ta. Và một điều quan trọng hơn, chúng ta phải tạo ra được tác động tích cực đối với xã hội” – ông Năng nói.
Tiến sĩ Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa
Được biết, năm 2018, Tập đoàn PHENIKAA đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho trường.
Ông Năng cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn PHENIKAA sẽ tiếp tục đầu tư nhằm mục tiêu đưa Trường Đại học PHENIKAA đạt chuẩn quốc tế và vào top 100 châu Á.
Hồng Hạnh