Trường Chính trị
Tin tức – Sự kiện
Khái quát về dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước
Nguyễn Hoài Vinh, Khoa Nhà nước và Pháp luật
ThS Bùi Tuấn Đạt, Phòng QLĐT&NCKH
Dân chủ là một phạm trù lịch sử xuất hiện cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người, trong xã hội cộng sản nguyên thủy, hình thái kinh tế – xã hội đầu tiên của nhân loại, “dân chủ” xuất hiện với việc mọi thành viên trong cộng đồng đều có quyền lợi bình đẳng như nhau đối với của cải, vật chất; được phân chia đồng đều các chiến lợi phẩm từ săn bắn, hái lượm. Với ý nghĩa nguyên thủy đó, “dân chủ” trở thành một phương thức tồn tại, một nguyên tắc sống của xã hội cộng sản nguyên thủy. Mỗi cá nhân được bình đẳng về quyền lợi, được đối xử như nhau không có sự phân chia, không có đặc quyền, đặc lợi, quyền lực thuộc về mọi người.
Cùng với sự phát triển của trình độ sản xuất, xã hội bắt đầu có sự phân chia giai cấp và hình thành nên hình thái nhà nước đầu tiên – nhà nước chiếm hữu nô lệ, quyền lực công, quyền lực chung của cộng đồng lúc này bị tha hóa và nằm trong tay giai cấp thống trị, “dân chủ” trên phạm vi toàn xã hội biến mất, bất bình đẳng xã hội xuất hiện, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, với các hình thức nhà nước khác nhau, nhân dân liên tiếp đấu tranh giành lấy quyền dân chủ.
Về mặt học thuật, lần đầu tiên “dân chủ” được nhắc đến như một thuật ngữ chính trị và được biểu hiện dưới một chế độ chính trị là thời Hy Lạp cổ đại tại thành bang Athens, “dân chủ” tiếng anh là Democratic xuất phát từ tiếng Hy Lạp tức “là quyền lực nhân dân”, được thể hiện qua mô hình dân chủ Athens với việc nhân dân tham gia biểu quyết các vấn đề của nhà nước, các quyết định đưa ra trên cơ sở số đông.
Ở phương Đông, Nho giáo nguyên thủy sớm đưa ra tư tưởng : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý nhất, rồi đến đất nước, cuối cùng mới là vua), đây là tư tưởng rất gần gũi với tư tưởng dân chủ, coi trọng vai trò, vị trí của nhân dân, đưa nhân dân vào vị trí trung tâm của quyền lực chính trị. Tuy nhiên, tư tưởng này dần dần bị tha hóa, biến đổi để phù hợp với quyền lợi của giai cấp thống trị.
Theo Từ điển Tiếng Anh Oxford, “dân chủ” cũng để chỉ một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị (1953) Bác đã viết “dân chủ tức là dân là chủ”, người chỉ rõ “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Như vậy thông qua quan điểm rất ngắn gọn về dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên hai nội dung quan trọng của “dân chủ”. Thứ nhất, dân chủ tồn tại với tư cách là quyền của nhân dân, quyền được làm chủ chính quyền, làm chủ nhà nước, làm chủ chế độ, quyền lựa chọn, xây dựng nên cơ quan dân cử. Thứ hai, dân chủ là một chế độ chính trị, một hình thức nhà nước khi có sự tham gia của tất cả quần chúng nhân dân trong việc xây dựng, điều hành hoạt động của nhà nước, nhà nước đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Giữa “dân chủ” và “quyền làm chủ của nhân dân” có nhiều nội dung tương đồng thậm chí được sử dụng thay thế cho nhau, song về mặt nội hàm cần làm rõ ý nghĩa của khái niệm “quyền làm chủ của nhân dân” từ đó có cách sử dụng chuẩn xác. Dân chủ là một khái niệm rất rộng, vừa để chỉ một quyền của công dân, vừa chỉ một thể chế chính trị, vừa mang ý nghĩa xã hội, văn hóa, dân chủ trong đời sống chính trị, dân chủ trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội. “Quyền làm chủ của nhân dân” là một khái niệm rất cụ thể, nội hàm rất rõ ràng, quyền làm chủ là làm chủ chính quyền nhà nước, quyền tham gia vào các công việc của nhà nước, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, nhân dân làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ vận mệnh của đất nước. “Quyền làm chủ của nhân dân” là một khái niệm gắn liền với sự ra đời của nhà nước dân chủ nhân dân.
Trong thời kỳ phong kiến và thực dân đế quốc, nhân dân ta không có quyền làm chủ, số phận, địa vị chính trị của nhân dân là con số không, nhân dân chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, nhân dân không có quyền lực chính trị, chịu kiếp sống nô lệ, quyền lực nhà nước, chính quyền nhà nước lúc này là chính quyền của giai cấp thống trị, chính quyền của số ít. Khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân thực sự có quyền làm chủ, trực tiếp xây dựng nên chính quyền các cấp, bầu ra đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích của chính mình, nhà nước là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được khẳng định qua các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 2, Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Hiến pháp 2013 nhấn mạnh hai nội dung quan trọng: thứ nhất, nhà nước ta do nhân dân làm chủ; thứ hai, với việc thừa nhận tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Hiến pháp đã nhấn mạnh vị trí của nhân dân là người nắm giữ quyền lực nhà nước.
Hiện nay, cùng với sự mở rộng dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân không chỉ được nhắc đến trong lĩnh vực chính trị mà còn ở nhiều các lĩnh vực khác, trong đó có quyền làm chủ của nhân dân gắn với hoạt động quản lý nhà nước. Điều 28, Hiến pháp 2013 quy định:“1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Như vậy, Hiến pháp 2013 – văn bản luật có giá trị pháp lý cao nhất của Việt Nam đã khẳng định rất rõ công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước được thực hiện thông qua các nội dung sau:
Thứ nhất, nhân dân tham gia xây dựng chính quyền nhà nước thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
Thứ hai, nhân dân tham gia xây dựng pháp luật và các chủ trương, chính sách của nhà nước.
Thứ ba, nhân dân tham gia quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Thứ tư, nhân dân giám sát hoạt động quản lý nhà nước và phản biện xã hội.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước nói riêng đã trở thành một nội dung bắt buộc, được thừa nhận và đảm bảo thực hiện, được quy định rõ ràng, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Có thể nói, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước vừa củng cố, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân vừa góp phần to lớn vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay./.
Tài liệu tham khảo
1. Aristotle (Nông Duy Trường dịch và chú giải,2011), Chính trị luận (The Politics), Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
2. Nguyễn Hữu Hải ( 2015), Quản lý học đại cương, Nhà xuất bản Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa triết học (2004), Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.