Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương Thành Phố Hồ Chí Minh

HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH

Hoạt động khám phá môi trường xung quanh/ Nguyễn Thị Hiền// Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 4, 2014.- Tr. 26-27.

                                                                                                                   Nguyễn Thị Hiền

                                                                                                          CVC Vụ Giáo dục Mầm non

Hoạt động cho trẻ mầm non khám phá môi trường xung quanh nhằm giúp trẻ tiếp xúc với môi trường qua đó để hình thành biểu tượng về thế giới xung quanh. Dạy trẻ khám phá là giáo viên tổ chức hoạt động học theo nhóm nhằm phát huy năng lực giải quyết vấn đề và tự học cho trẻ.

–       Trong dạy học khám phá đòi hỏi người giáo viên gia công rất nhiều để chỉ đạo các hoạt động nhận thức của trẻ. Hoạt động của cô bao gồm: định hướng phát triển tư duy cho trẻ, lựa chọn nội dung của vấn đề và đảm bảo tính vừa sức với trẻ; tổ chức trao đổi theo nhóm; các phương tiện trực quan hỗ trợ cần thiết…Hoạt động chỉ đạo của giáo viên cần hỗ trợ để cho mọi trẻ đều trao đổi, hoạt động tích cực.

–       Trong dạy học khám phá, trẻ tiếp thu các tri thức khoa học thông qua con đường hoạt động thực tiễn nhận thức; Giáo viên kết luận, đưa ra nội dung của vấn đề, làm cơ sở cho trẻ tự kiểm tra, tự điều chỉnh tri thức bản thân.

Ưu điểm của dạy học khám phá

–       Phát huy được nội lực của trẻ, tư duy tích cực – độc lập – sáng tạo trong quá trình học tập.

–       Giải quyết thành công các vấn đề là động cơ kích thích tính tích cực ham hiểu biết của trẻ.

–       Hợp tác với bạn, tự đánh giá, tự điểu chỉnh bản thân là động lực thúc đẩy sự phát triển của cá nhân trong cuộc sống.

Đặc trưng của hoạt động khám phá

–       Đặc trưng của hoạt động khám phá là giải quyết các vấn đề học tập nhỏ và tích cực hợp tác theo nhóm để giải quyết vấn đề.

–       Hoạt động khám phá hình thành năng lực giải quyết vấn đề và tự học cho trẻ, tuy nhiên chưa hoàn thành hoàn chỉnh khả năng tư duy logic.

–       Tổ chức hoạt động khám phá thường xuyên trong quá trình dạy học là tiền đề thuận lợi cho phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ.

Động cơ của quá trình hoạt động khám phá môi trường xung quanh nhằm hình thành và phát triển bản thân của trẻ là phải có lòng ham muốn học tập.Trong quá trình hoạt đông tư duy, trẻ nỗ lực khám phá lại một vấn đề nào đó, dù đã đạt hiệu quả hay chưa trọn vẹn, đều là những động cơ trí tuệ kích thích lòng ham muốn hiểu biết cho trẻ.

Phương pháp tổ chức hoạt động khám phá

Xác định mục đích

–       Về nội dung:

+ Vấn đề học tập chứa đựng nội dung gì?

+ Vấn đề đã lựa chọn liệu khả năng trẻ có thể tự khám phá được không?

–       Về phát triển tư duy:

Giáo viên định hướng các hoạt động tư duy đặc trưng cần thiết ở trẻ là gì trong quá trình giải quyết vấn đề; hoạt động phân tích, tổng  hợp hoặc là so sánh  hoặc là trừu tượng và khái quát hoặc là phán đoán…

Lựa chọn phương tiện trực quan

Phương tiện trực quan thật sự cần thiết trong dạy trẻ khám phá, nó đóng vai trò là nguồn kiến thức, là động cơ kích thích sự hợp tác tích cực với cô và các bạn.

Các phương tiện trực quan đó có thể là: hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, mô hình…đã có sự gia công sư phạm của giáo viên và được thể hiện trong giấy, tranh, đèn chiếu, bảng dính hoặc là các thí nghiệm trực quan trong giờ học.

Tổ chức hoạt động

Trong quá trình này, giáo viên đóng vai trò như một trọng tài, lựa chọn những phán đoán, kết luận đúng của trẻ để hình thành kiến thức mới.

Hoạt động hợp tác học tập tích cực của học sinh thể hiện qua các yếu tố:

+ Mỗi trẻ, mỗi nhóm tích cực phát biểu, tranh luận.

+ Đa số các nhóm đều phát hiện được nội dung bản chất của vấn đề, tuy nhiên có thể sự khái quát còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác ở một vài nhóm.

Kết quả của hoạt động khám phá

Dạy trẻ khám phá phải đạt được mục đích là hình thành các tri thức khoa học cho trẻ, dưới sự chỉ đạo của giáo viên, nâng cao khả năng tự đánh giá, tự điểu chỉnh bản thân.

Vận dụng tổ chức hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh

Chủ đề: Nước và các hiện tượng tự nhiên

Đề tài: Sự kì diệu của nước

Đối tượng: mẫu giáo 4-5 tuổi.

Mục đích – yêu cầu:

1.    Kiến thức:

Trẻ biết được nước không màu không mùi không vị và có thể hòa tan một số chất khác.

Biết nước cần thiết cho đời sống của con người.

2.    Kỹ năng:

Chú ý quan sát, lắng nghe và trả lời câu hỏi của cô.

Làm một số thí nghiệm cùng cô.

3.    Thái độ:

Tích cực tham gia hoạt động, mạnh dạn tự tin phát biểu, tự giác uống nước vào mùa hè và những ngày trời nắng nóng.

Có ý thức bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Chuẩn bị

Mỗi trẻ 4 cốc, 1 chai nước, cát, muối, đường, sữa.

Bình chức nước, bình không chứa nước, ca hoặc cốc để vận chuyển nước.

Tiến hành hoạt động

1.    Ổn định tổ chức – gây hứng thú

Trước khi vào lớp học cô mời các con đi uống nước. Hỏi trẻ các con thấy uống nước vào hết khát chưa, có sảng khoái không, nước thế nào? Cho trẻ bình luận.

Để biết thêm về nước hôm nay cô sẽ tổ chức cuộc thi “Khám phá sự kì diệu của nước” nhé.

2.    Hoạt động khám phá

–       Phần thi thứ nhất: Bé thông minh nhanh trí

Trên bàn cô có một cốc nước các con hãy quan sát và cho cô biết con có nhận xét về cốc nước này nhé – cho 3 – 4 trẻ lên quan sát và nêu nhận xét về tính chất của nước: Nước không màu. Vì sao con biết nước không màu? (Nếu trẻ không trả lời được, cô thả vào cốc nước một vật hỏi trẻ có nhìn thấy vật đó không?- cô kết luận do nước trong suốt không màu nên con nhìn thấy được vật cô thả vào trong cốc.

Cho trẻ nếm để biết nước không vị; cho trẻ ngửi để biết nước không mùi.

Kết luận: Tính chất của nước là không màu (nước trong suốt) không mùi không vị và được gọi là nước sạch.

Ai biết nước sạch dùng để làm gì?Cho 2-3 trẻ trả lời.

Kết luận: Nước sạch dùng để nấu ăn, uống, tắm giặt…vì vậy chúng ta cần sử dụng nước sạch tiết kiệm và biết bảo vệ, giữ gìn nguồn nước sạch.

–       Phần thi thứ 2: Những nhà khoa học tài ba

Mời các nhóm về bàn của mình, mỗi con lấy 1 cốc nước, rót nước vào đến vạch cô đã đánh dấu, dùng thìa múc đường đổ vào cốc, nguấy đều xem điều gì xảy ra.

Kết quả kiểm tra: đường đã được hòa tan vào trong nước.

Cho trẻ nếm – hỏi trẻ thấy có vị gì?-vì sao lúc này nước lại có vị ngọt – do đường tan trong nước làm cho nước có vị ngọt.

Tương tự cho trẻ dùng cốc thứ 2 lấy muối  hòa tan trong nước để xem kết quả.

Lấy cốc thứ 3 dùng sữa milo hòa tan và kiểm tra kết quả.

Cốc thứ 4 dùng cát hòa vào nước, kiểm tra kết quả hỏi trẻ có nên thử nước sau khi đã hòa tan cát vào đó không? Tại sao?Làm thế nào đó để nguồn nước không bị ô nhiễm.

Kết luận: Nước ô nhiễm là nước đã bị pha các chất bẩn: rác, cát, đất, một số hóa chất…vì vậy chúng ta cần phải giữ vệ sinh chung để nguồn ngước không bị ô nhiễm.

–       Phần thi thứ 3: chung sức “Vận chuyển nước đổ vào bình”.

Chia lớp thành 2 đội các bạn có nhiệm vụ luân phiên nhau vận chuyển nước đổ vào bình theo thứ tự lần lượt từng bạn một. Kết thúc bản nhạc đội nào chuyển được nhiều hơn đội đó chiến thắng.

3.    Kết thúc

Phát phần thưởng cho đội chiến thắng và quà cho các bạn học tập tích cực.