Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương Thành Phố Hồ Chí Minh

TỔ CHỨC THỰC HIỆN GIÁO DỤC HÒA NHẬP CHO TRẺ KHUYẾT TẬT TẠI TRƯỜNG MẪU GIÁO SAO SÁNG 7, QUẬN NGÔ QUYỀN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Tổ chức thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại trường mẫu giáo Sao Sáng 7, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng/ Nguyễn Thị Hồng// Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 1/2018.- Tr.:14-16,19.

                                                                           Nguyễn Thị Hồng

                                        Trường MG Sao Sáng 7, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng

 

Giáo dục hòa nhập (GDHN) là một trong những giải pháp tích cực giúp trẻ khuyết tật được tham gia học tập cùng với các trẻ bình thường xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh, đồng thời giúp trẻ phát triển bình thường, hình thành lòng nhân ái, yêu thương. Thực hiện Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật; Các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non hàng năm, sau khi được tổ chức Tầm nhìn thế giới World Vision hỗ trợ, tiến hành rà soát đã phát hiện trường mẫu giáo Sao sáng 7 có 06 trẻ bị mắc rối loạn phát triển (RLPT) ở phổ tự kỉ, một dạng khuyết tật trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Xác định trẻ mắc tự kỉ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học tập mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng đến gia đình và xã hội,nếu có sự phát hiện và can thiệp sớm sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, trường mẫu giáo Sao Sáng 7 đã mạnh dạn đăng kí thực nghiệm thí điểm mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ RLPT bắt đầu từ năm học 2014 – 2015.

Những khó khăn khi triển khai thực hiện mô hình

Bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ RLPT, nhà trường gặp rất nhiều trở ngại. Giáo viên chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thực và kỹ năng dạy trẻ RLPT vì vậy gặp khó khăn trong xác định khả năng và nhu cầu của trẻ RLPT trong lập kế hoạch giáo dục cho trẻ trong lớp hòa nhập. Việc chuẩn bị đồ dùng cho các giờ can thiệp cá nhân mất nhiều thời gian của giáo viên; chưa có kỹ năng thực hành trực tiếp trong can thiệp cá nhân cho từng dạng RLPT. Khoảng thời gian 01 giáo viên dạy can thiệp cá nhân, 01 giáo viên phụ trách lớp hòa nhập là những lúc gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc quản lý và tổ chức các hoạt động chiều của cả lớp hòa nhập.

Phụ huynh không công nhận là con mình bị RLPT, không hợp tác với giáo viên trong việc thiết lập hồ sơ và quá trình can thiệp. Học sinh khuyết tật đều rơi vào gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện cho con đi thăm khám và điều trị, phụ huynh không có điều kiện và thời gian để dạy con.

Bên cạnh đó, diện tích của nhà trường hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực hiện phòng hỗ trợ GDHN; trang thiết bị, nội dung hướng dẫn dạy từng dạng tật còn thiếu.

Giải pháp triển khai thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập tại trường

Tuyên truyền nâng cao nhận thực về công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trong trường mầm non

Nhà trường chủ động tuyên truyền về công tác GDHN trẻ khuyết tật dưới nhiều hình thức như: Bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; tuyên truyền tới phụ huynh thông qua mảng tuyên truyền; mời các bậc phụ huynh có con là trẻ khuyết tật tham gia các buổi hội thảo do trường, quận, Sở GD&ĐT tổ chức; giáo viên giáo dục trẻ trong lớp về các quy tắc ứng xử cũng như tinh thần giúp đỡ các bạn học hòa nhập tại lớp thông qua các buổi nêu gương cuối tuần…

Bồi dưỡng đội ngũ về kiến thức, kỹ năng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

Giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng của công tác GDHN trẻ khuyết tật, để nhiệm vụ này thực hiện có hiệu quả thì đòi hỏi giáo viên tham gia GDHN phải có kiến thức và có kỹ năng thực hiện. Nhà trường thành lập Ban chỉ đạo GDHN trẻ khuyết tật, hướng dẫn giáo viên cách lập kế hoạch GDHN, giáo dục cá nhân trẻ khuyết tật; lập hồ sơ và sử dụng hồ sơ GDHN trẻ khuyết tật của trường, của lớp. Khảo sát, phân loại chuyên môn đối với giáo viên bằng các hình thức như kiểm tra có báo trước; dự giờ đột xuất; kiểm tra định kỳ… Sau mỗi lần dự các hoạt động giáo dục, đưa ra nhận xét để giáo viên nhận thấy rõ ưu điểm và nhược điểm, rút kinh nghiệm sửa chữa để thực hiện tốt hơn công tác GDHN. Bên cạnh đó, cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn về công tác GDHN, tổ chức thảo luận, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn và thực hành áp dụng sau tập huấn. Nhà trường tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho 100% giáo viên các khối lớp về công tác GDHN; tổ chức lên tiết thực hành về GDHN và giáo dục cá nhân trẻ khuyết tật, giáo viên được dự giờ chéo, nhận xét, góp ý, trao đổi, chia sẻ cùng nhau. Tổ chức cho giáo viên tham quan học tập các giờ dạy can thiệp cá nhân tại các trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN trên địa bàn quận như trung tâm “Từng bước nhỏ”.

Xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

Đối với nhà trường:

Xây dựng kế hoạch thực hiện theo năm học, thường xuyên chỉ đạo sát sao, từng công việc, phân công cán bộ phụ trách mảng GDHN, các kế hoạch luôn có sự thống nhất trong toàn trường, đặc biệt là lớp trẻ RLPT. Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, thường xuyên có sự đánh giá theo từng chủ đề, học kỳ và theo năm học. Hỗ trợ về chuyên môn cũng như cơ sở vật chất giúp cho công tác GDHN đạt kết quả cao. Thường xuyên kiểm tra hồ sơ giáo viên, góp ý kịp thời giúp giáo viên làm tốt công việc của mình. Thực hiện sơ kết theo học kỳ, 9 tháng tổng kết theo quy định.

Đối với giáo viên:

Xây dựng kế hoạch theo năm, tháng, tuần và kế hoạch giờ can thiệp cá nhân căn cứ trên nhu cầu và khả năng của trẻ khuyết tật. Thường xuyên đánh giá sự tiến bộ của trẻ theo chủ đề và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời với những thay đổi bất thường của trẻ và gắn với các bài tập vừa sức với trẻ.

Việc lập kế hoạch trong giờ hòa nhập cho trẻ RLPT phải được làm song song với giáo án/kế hoạch bài học của cả lớp với 1 cột riêng. Sau thời gian thực hiện, giáo viên nhận thấy: các hoạt động của trẻ RLPT thường được thực hiện giống (hoặc điều chỉnh) mà không hoàn toàn khác biệt nên trong cách thể hiện trên giáo án dần được thay thế các cách nêu trên bằng việc đánh dấu * vào các nội dung, hoạt động cần điều chỉnh, với các hoạt động không điều chỉnh được giữ nguyên. Như vậy, giáo viên không cần mất nhiều thời gian trong việc xây dựng kế hoạch và dễ dàng hơn trong việc triển khai cũng như theo dõi.

Xây dựng môi trường vật chất và môi trường tâm lý thuận lợi cho trẻ khuyết tật học hòa nhập

Về môi trường vật chất:

Nhà trường rà soát thực trạng cơ sở vật chất, có kế hoạch cải tạo bổ sung theo từng năm học những đồ dùng, đồ chơi phù hợp với trẻ khuyết tật có ở các lớp. Bên cạnh việc phát động phong trào giáo viên sáng tạo đồ dùng, thiết bị, đồ chơi, nhà trường huy động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân như: Tổ chức Tầm nhìn thế giới, các bậc phụ huynh, các cộng tác viên đóng góp vật chất và công sức để có thêm nguồn thiết bị đồ dùng, đồ chơi phong phú, đa dạng, phù hợp khi tổ chức các hoạt động GDHN trẻ khuyết tật.

Về môi trường tâm lí:

Trẻ khuyết tật thường có những biểu hiện khác với trẻ bình thường cùng độ tuổi do khuyết tật tạo ra, dễ làm trẻ khác chú ý hoặc chế nhạo hoặc xa lánh. Vì vậy, yêu cầu giáo viên phải tạo ra bầu không khí vui tươi, ấm áp, chia sẻ trong trường lớp là yếu tố quan trọng giúp trẻ khuyết tật phát triển nhân cách và học tốt hơn. Trong các hoạt động GDHN, giáo viên kịp thời phát hiện ra điểm mạnh đó; khuyến khích kịp thời những thành công của trẻ khuyết tật; thường xuyên giáo dục trong lớp cảm nhận những khó khăn của bạn khuyết tật, thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ bạn trong các hoạt động.

Tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập trong nhà trường

Đối với các hoạt động giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật:

Nhà trường đưa ra nguyên tắc tổ chức thực hiện tại các lớp như sau: Trẻ khuyết tật được tham gia tất cả những hoạt động trong chế độ sinh hoạt như trẻ bình thường, có sự giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ từ phía cô và các bạn; Trong quá trình tổ chức hoạt động, giáo viên điều chỉnh mục đích, yêu cầu và các hoạt động cho phù hợp với khả năng của trẻ; trong một bài dạy cô luôn có những mục tiêu, câu hỏi riêng cho các cháu học hòa nhập; Sau mỗi chủ đề đều có đánh giá kết quả thực hiện của trẻ thông qua các biểu đánh giá với các mức độ (thực hiện độc lập, thực hiện dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chưa thực hiện được) từ đó cô đưa ra mục tiêu và các hoạt động hỗ trợ trẻ trong các chủ đề tiếp theo.

Đối với hoạt động can thiệp cá nhân:

Nhà trường tổ chức thực hiện như sau: Giáo viên trực tiếp xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, tổ chức can thiệp cá nhân và đánh giá đối với trẻ khuyết tật của lớp; Kế hoạch giáo dục cá nhân của trẻ được thông qua tổ chuyên môn của khối lớp, hội đồng chuyên môn của nhà trường, ban giám hiệu nhà trường và cả chính cha mẹ của trẻ; Xây dựng lịch hoạt động giờ can thiệp cá nhân cho các trẻ khuyết tật của trường, mỗi trẻ khuyết tật có 02 giờ can thiệp cá nhân/tuần vào buổi chiều, thời lượng khoảng 45 phút; Giờ can thiệp cá nhân nhân cho trẻ khuyết tật được thực hiện dựa vào những đặc điểm riêng của trẻ để hướng các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất, tạo cơ hội, động viên, khuyến khích trẻ tham gia hoạt động. Đối với trẻ phổ tự kỉ trong nhà trường, giáo viên thiết kế các hoạt động đan xen tĩnh và động, những hoạt động trò chơi, giao nhiệm vụ được hợp lí, chú ý giao tiếp với trẻ nhiều hơn bằng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt, chú ý đến những thay đổi tâm lý và hành vi của trẻ để xử lí linh hoạt đưa trẻ vào các hoạt động học tập tích cực hơn. Giáo viên chú ý tới khả năng của trẻ để đưa ra nội dung để nhận biết, hoặc có thể dựa trên những trải nghiệm thực tiễn của trẻ, đưa ra câu hỏi để giúp trẻ hoàn thành tốt nội dung bài học.

Kết quả triển khai thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Giáo viên đứng lớp xác định rõ GDHN là nhiệm vụ, là trách nhiệm khi có học sinh RLPT vào lớp, cô vui vẻ đón nhận, không né tránh, có kiến thức và kĩ năng xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt đông GDHN, xây dựng được môi trường giáo dục đầy tình thương yêu giúp trẻ khuyết tật tiến bộ rõ rệt; Phụ huynh của trẻ RLPT hợp tác với nhà trường và có nhận thức đúng về dạng tật của con mình thông qua các buổi được trực tiếp nghe các chuyên gia tâm lý thực hiện các bài TEST và thực hiện qua các bảng kiểm tra trên trẻ.

Huy động được đội ngũ cộng tác viên là các bà, các bác được tham gia các lớp tập huấn về phương pháp can thiệp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, sẵn sàng đến nhà các cháu hoặc chở các cháu về nhà để can thiệp giúp đỡ các cháu RLPT trên địa bàn. Ví dụ trường hợp cháu Vũ Minh Hiếu ngoài việc học ở trường còn được hỗ trợ tại nhà của bà cộng tác viên 02 giờ/tuần, mỗi giờ can thiệp 01 tiếng.

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDHN ngày càng được hoàn thiện. Nhà trường bố trí được phòng hỗ trợ GDHN và đã bổ sung thêm đồ dùng đồ chơi như: bộ đồ chơi phát triển vận động tinh, sách cho cô và cháu, bộ đồ chơi phát triển vận động thô, giá đồ chơi, tủ đựng tài liệu, lịch hoạt động giờ can thiệp cá nhân, bảng biểu theo dõi trẻ, thảm trải nền, xâu hạt, xếp hình, bóng… Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ một số Bộ ghép hình, thiết bị bật nhảy, bể bóng 5 mảnh, xe đạp cho hoạt động của trẻ.

Kết quả cụ thể trên trẻ: Năm học 2014 – 2015 nhà trường có 06 cháu được các chuyên gia tâm lý của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá và kết luận cần lập kế hoạch giáo dục cá nhân, đến cuối năm có 01 cháu được chuyển cấp lên trường tiểu học Đằng Giang (cháu Phạm Thanh Bình); Năm học 2015 – 2016 nhà trường còn 05 cháu, đến tháng 9/2015 tiếp nhận thêm 01 cháu (Nguyễn Trần Thanh Tùng) tổng nhà trường có 06 cháu, đến tháng 3/2016 qua khảo sát đánh giá của các chuyên gia tâm lý cháu Đào Minh Hiếu được ra khỏi diện hòa nhập; Năm học 2016 – 2017 tổng số cháu là 05 cháu tiếp tục được học hòa nhập tại trường, đến tháng 10/2016 qua đánh giá chất lượng mô hình của Tổ chức Tầm nhìn thế giới cháu Nguyễn Hữu Trí Kiệt dược ra khỏi hiện hòa nhập. Năm học 2016 – 2017 nhà trường còn 04 cháu tiếp tục lập kế hoạch giáo dục cá nhân.

Các cháu khuyết tật có sự tiến bộ đặc biệt trong giao tiếp, các cháu mạnh dạn hơn, biết bày tỏ mong muốn của mình với cô, với bạn, trả lời được các câu hỏi đủ ý, biết chơi hòa đồng cùng các bạn.

Với cháu phổ tự kỉ thì sự tiến bộ của cháu không ổn định, lúc thì cháu tuân thủ các nội dung của lớp, thực hiện tốt các yêu cầu của giáo viên, biết chơi cùng các bạn, nhưng có những thời điểm cháu chỉ cần nghe các bạn nói to, hoặc thời tiết nóng cháu sẽ có những biểu hiện bất thường không tuân thủ và không tham gia vào các hoạt động nào của lớp. Các cháu chậm phát triển nhận thức và ngôn ngữ đã biết nói câu ý nghĩa, biết bày tỏ mong muốn bằng lời nói, có thói quen lễ giáo, nhận biết được các chữ cái, chữ số và tuân thủ nội quy của lớp, hợp tác với giáo viên trong các giờ can thiệp cá nhân.

Học sinh trong các lớp có trẻ RLPT biết chơi hòa đồng và giúp đỡ các bạn, luôn thân thiện với các bạn trong lớp.

Bài học kinh nghiệm xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia, đặc biệt phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Phối hợp tốt với các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn, trao đổi chuyên môn, tư vấn trực tiếp từng dạng tật của từng trẻ.

Ban giám hiệu nhà trường phải có sự quyết tâm, kiên trì, bền bỉ trong chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; xây dựng kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ cơ sở vật chất và chuyên môn trong công tác GDHN cho trẻ khuyết tật.

Giáo viên phải là người thực sự tâm huyết, luôn yêu thương trẻ, thường xuyên gần gũi động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho trẻ vui chơi hòa nhập cùng các bạn, tạo môi trường tâm lý tốt cho trẻ. Giáo viên phải có kiến thức và kinh nghiệm trong giáo dục trẻ RLPT, nắm rõ đặc điểm tâm sinh lí của từng cháu, từng dạng tật để có các biện phát giáo dục phù hợp, xử lí các tình huống kịp thời, khơi dậy lòng tự tin, mạnh dạn, tạo tâm thế vui tươi, thích thú khi đến trường.

Hình thành đội ngũ cộng tác viên tình nguyện là các bà, các bác có thời gian, có mong muốn được cống hiến cho xã hội, có tình thương yêu đối với trẻ, được tập huấn về giáo dục trẻ khuyết tật, thường xuyên tổ chức cá hoạt động cá nhân cho trẻ theo các buổi trong tuần./.