Trước khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu ROS được làm giá như thế nào?
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết với cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros từ ngày 5/9/2022 vì liên quan đến vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoáng hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy phải hủy để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Được biết, ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 – Bộ Công an) đã thông tin ông Trịnh Văn Quyết cùng bà Hương Trần Kiều Dung, Cựu phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC và 2 em gái bị điều tra bổ sung về hành vi nâng khống vốn FLC Faros. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (tương ứng 430 triệu cổ phiếu ROS) và niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau đó, ông Quyết chỉ đạo em gái toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác do ông Quyết nhờ đứng tên và thu về 6.412 tỷ đồng rồi rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Cổ phiếu ROS từng có sự biến động lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam
Trước đó, ROS là mãcổ phiếu thuộc họ FLC luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trên thị trường. Hầu như người đầu tư vào cổ phiếu này đều không cần biết đến công ty kinh doanh thế nào mà chỉ quan tâm đến sự biến động mạnh của cổ phiếu này. Nhiều người kiếm bộn tiền nhưng cũng không ít người “trắng tay” vì những con sóng lớn của cổ phiếu ROS.
Công ty FLC Faros thành lập vào năm 2011 với tiền thân là công ty CP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Long theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105167581. Đến năm 2015 thì đổi tên thành công ty cổ phần Xây dựng Faros. Vốn điều lệ lúc ban đầu của công ty là 1.5 tỷ đồng, FLC Faros hoạt động tập trung vào mảng kinh doanh thi công công trình xây dựng cao tầng, các dự án dân sinh và dân dụng khác.
FLC Faros phát triển và thành lập nhiều công ty con khác như FLC Faros Vân Đồn, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eden Garden, công ty Bright Future, công ty Golden Choice, công ty Đầu tư tài chính – quản lý tài sản RTS…
Thời điểm năm 2016, chỉ cần gõ từ khóa “cổ phiếu ROS” trên Google sẽ cho ra hàng trăm nghìn kết quả chỉ chưa tới một giây với hàng loạt thông tin, bình luận trái chiều. Ngay cả giới truyền thông tài chính quốc tế như The Wall Street Journal cũng nhắc đến cổ phiếu ROS là “cổ phiếu nổi bật” của một công ty xây dựng ít được biết đến trước đây. Đồng thời cũng cho rằng, ROS đã tăng 10 lần từ đầu tháng 9/2016.
Ngay từ lần đầu tiên niêm yết, giá cổ phiếu ROS đạt 12.600 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng bất thường lên 126.000 đồng vào ngày 25/11/2016, tương ứng tăng gấp 10 lần chỉ trong khoảng 3 tháng lên sàn. Với việc mã này tăng mạnh đã đưa FLC Faros lọt top 10 danh sách công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thời điểm tháng 5/2017, khi ông Trịnh Văn Quyết chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT, cổ phiếu ROS liên tục được “thổi giá” và lập kỷ lục giá mới, có thời điểm chạm ngưỡng 187.000 đồng/cổ phiếu. Với việc sở hữu 290 triệu cổ phiếu ROS, tương ứng 67,34% vốn FLC Faros, ông Quyết đã trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2020, khi ông Quyết thoái vốn khỏi FLC Faros, mã cổ phiếu ROS cũng có những đợt thanh khoản cực lớn. Cụ thể ngày 10/4/2020, ROS đạt thanh khoản 82,3 triệu cổ được sang tay (trong đó gần 54 triệu cổ được bán từ ông Trịnh Văn Quyết). Điều đáng bàn là, trước đợt thoái vốn 3 ngày, ông Quyết đã từ nhiệm Chủ tịch HĐQT nên không còn nghĩa vụ báo cáo trước khi giao dịch. Cổ phiếu này vẫn giữ biên độ giao động cực lớn với mỗi phiên giao dịch thường tăng trần hoặc giảm sàn. Đặc biệt, mỗi phiên có hàng chục triệu cổ phiếu được sang tay. Cũng trong năm 2020 cổ phiếu về ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh).
Có thể nói, cổ phiếu ROS là một trong những cổ phiếu có sự biến động lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu ROS tăng giảm bất thường, không theo một logic nào, cũng không thể giải thích được theo phân tích cơ bản hoạt động của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mã cổ phiếu này còn nằm trong danh sách cổ phiếu thuộc nhóm VN30 nhưng từ khi ông Trịnh Văn Quyết dính vào lao lý, cổ phiếu ROS liên tục giảm sâu. Thời điểm hiện tại, ROS có giá 2.510 đồng/cổ phiếu và đang trong tình trạng hạn chế giao dịch.