Trung tâm hành chính Đà Nẵng: Sự lãng phí không có giới hạn

Nguyễn Duy Xuân

  –  

Chủ nhật, 14/08/2016 23:59 (GMT+7)

Vậy là một tòa nhà được cho là “độc” và “lạ”, điểm nhấn trong kiến trúc qui hoạch “có 1 không 2” của TP. Đà Nẵng chỉ sau đúng 2 năm đưa vào sử dụng đã bộc lộ những bất cập, đó là thiếu oxy và quá nóng vào mùa hè.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng: Sự lãng phí không có giới hạn
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sẽ di dời sau gần 2 năm hoạt động?

Bây giờ đọc lại những dòng ngợi ca tính ưu việt của nó được báo chí quảng bá lúc khánh thành cách đây hai năm bỗng thấy buồn cười: Nào là kết cấu kính phủ lớp lowe có khả năng chống hấp thu nhiệt, tận dụng ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng. Nào là các phòng làm việc trong tòa nhà đều được sử dụng ánh sáng tự nhiên và hệ thống thông gió thoáng mát. 

Bao nhiêu cái ưu việt như thế sao bây giờ nó lại rơi vào tình cảnh ngộp thở nóng bức được nhỉ?

Báo chí và dư luận trong những ngày qua đang mổ xẻ vấn đề, tìm câu trả lời. 

Trước hết xin ngược dòng thời gian gần mười năm về trước. Năm 2007, khi Đà Nẵng có ý định xây dựng trung tâm hành chính 2.000 tỉ đồng, dư luận đã tỏ hoài nghi. Cử tri chất vấn, tại sao Đà Nẵng vẫn còn có người phải sống trong các căn nhà chật hẹp ở khu ổ chuột mà lãnh đạo lại đem số tiền lớn như vậy để xây dựng trung tâm hành chính? Ngay trong nội bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng khi đó cũng có người không đồng tình với việc triển khai dựng dự án này.

Sau khi giải thích và được đại đa số người dân ủng hộ, công trình được khởi công vào tháng 11 năm 2008. 

Sau 6 năm thi công, tòa nhà cao 37 tầng được đưa vào vận hành từng phần từ tháng 7.2014. 

Còn các ý kiến của chuyên gia nói gì về công trình này? KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng (một trong số 2 người từng phản đối thiết kế tòa nhà từ đầu) cho rằng, công năng tòa nhà này không phù hợp với trung tâm hành chính. Ông Huy nói: “Tôi là một trong số vài thành viên không tán thành chọn thiết kế như hiện tại. Thời điểm đó tôi đang là Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị. Theo tôi, việc lựa chọn mô hình này chỉ dựa vào thiết kế mà quên mất cái quan trọng nhất là công năng sử dụng”. 

Còn KTS Trần Thành Vũ (Chuyên gia vật lý công trình và mô phỏng năng lượng) khẳng định: “Toà nhà này thiết kế kém là điều không cần phải bàn cãi. Phần chiếu sáng của toà nhà được thiết kế rất tệ, dĩ nhiên mọi người sẽ phải kéo rèm, bật đèn, rất tốn điện. Toà nhà có kếu cấu tròn, tối đa hoá bức xạ ánh nắng mặt trời sẽ rất nóng. Hơn nữa, chất lượng kính của toà nhà rất có vấn đề dẫn đến việc nhiều người than phiền quá nóng”. 

Theo KTS Hoàng Thúc Hào: “Về khía cạnh kiến trúc, tôi thấy không ấn tượng. Những toà nhà công cộng họ làm hay hơn nhiều. Còn nói đó là biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, tăng trưởng của Đà Nẵng thì hoàn toàn là gán ghép. Tôi thấy việc xây dựng toà nhà là một quyết định duy ý chí”. 

Tóm lại là, theo các chuyên gia, quyết định duy ý chí dẫn đến việc xây dựng một trung tâm hành chính bất cập về thiết kế và công năng không phù hợp, đó là điều không cần phải bàn cãi. Theo KTS Hoàng Quang Huy, trước khi lựa chọn phương án xây dựng trung tâm hành chính, TP Đà Nẵng cũng không trưng cầu ý kiến người dân. 

Ngày khánh thành, đã có bạn đọc gọi tòa nhà này bằng một cái tên không thể ấn tượng hơn: Trái bắp. 

Và “trái bắp” có một không hai ấy khi đi vào vận hành với hàng ngàn con người chen chúc trong lòng nó đã bắt đầu bộ lộ khiếm khuyết, ngày một nóng lên như bị nướng trên lò than. 

Những khiếm khuyết này thật không dễ để khắc phục bởi như các chuyên gia đã đánh giá: Công năng không phù hợp. Cho nên, chuyện di dời mới được đặt ra. 

Nhưng mà, dễ vậy sao? 2.000 tỉ tiền thuế của dân mà cứ nói bỏ là bỏ, dời là dời ư? Với tuổi thọ của tòa nhà, có thể nói thời gian đưa vào sử dụng 2 năm ví như ngồi chưa ấm chỗ. 

Nhưng không di dời thì mấy ngàn cán bộ viên chức sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng công việc. Rồi chi phí vận hành tòa nhà mỗi tháng ngốn 1 tỉ đồng. 

Cho nên di dời hay không thì đều lãng phí ghê gớm. Nhưng nếu Đà Nẵng di dời thực thì tòa nhà này sẽ tồn tại như thế nào? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời. 

Một bài học đắt giá cho cái thời đua nhau xây trụ sở hoành tráng, duy ý chí, bất cần đến hậu quả và sự lãng phí công quĩ. 

Ai sẽ chịu trách nhiệm chuyện này? Chắc lại là ông “Đúng Qui Trình” đấy thôi! 

 

Bạn đọc hãy bình luận, bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề trên tại phần comment sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục “Làm báo cùng Lao Động” hoặc gửi vào địa chỉ email: [email protected].

Ý kiến của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng.

 

Tin bài liên quan