Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số

Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đã đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, công dân.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số

Công dân nhận kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận trả kết quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thu Vui

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Nhanh chóng nắm bắt xu thế này, Trung tâm PVHCC tỉnh đã triển khai nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản qua số tài khoản, dùng điện thoại di động thông minh quét mã QR Pay tại quầy thu phí, lệ phí, quẹt thẻ ATM, thẻ tín dụng qua máy POS, thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh… Hình thức thanh toán này không chỉ tiết kiệm thời gian cho người dân, mà còn góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC. Năm 2022, Trung tâm PVHCC tỉnh đã thu hơn 6,6 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC bằng hình thức không dùng tiền mặt, tăng 66,67% so với năm 2021 (năm 2021 là hơn 2,2 tỷ đồng).

Để giúp cấp huyện, cấp xã giải quyết bất cập tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực hộ tịch, công chức tư pháp – hộ tịch, năm 2022, Trung tâm PVHCC tỉnh đã nghiên cứu và kết nối thành công Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp với Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cấp huyện, cấp xã thông qua nền tảng NGSP. Theo đó, công chức tiếp nhận hồ sơ chỉ cần nhập một lần trên phần mềm “một cửa” của tỉnh, sau đó nhấn đồng bộ trạng thái sang phần mềm của Bộ Tư pháp là hoàn thành. Sau khi đưa vào thực hiện thử nghiệm tại một số xã, phường thuộc UBND TP Thanh Hóa đạt kết quả tốt, trung tâm đã kết nối, tích hợp các TTHC lĩnh vực hộ tịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp cho 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã. Qua đó, giúp cải tiến quy trình tiếp nhận TTHC, giảm thao tác thừa và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC trên nhiều hệ thống thông tin khác nhau.

Để tổ chức, cá nhân được thụ hưởng các dịch vụ công một cách tốt nhất trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp, Trung tâm PVHCC tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Là đơn vị quản lý, vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh, từ 1-6-2022, trung tâm đã thực hiện đầy đủ quy trình số hóa hồ sơ, kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC theo đúng thời gian quy định. Cùng với đó, trung tâm đã hướng dẫn việc cập nhật và số hóa hồ sơ trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cho bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã… Đến nay, số lượng tài khoản số của công dân thực hiện TTHC được đăng ký trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (khởi tạo qua Cổng dịch vụ công quốc gia) là hơn 86.000 tài khoản.

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm PVHCC tỉnh đã phối hợp với Cục A05, A06, C06 (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra, đánh giá an ninh, an toàn thông tin hệ thống Cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” điện tử tỉnh Thanh Hóa có kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời phối hợp với các ban, sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện rà soát, bổ sung đăng ký thông tin kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi Công an tỉnh hồ sơ đăng ký sử dụng dịch vụ phục vụ giải quyết TTHC. Trong năm, thực hiện đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC, trung tâm đã thực hiện đồng bộ tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công tỉnh với tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thành tài khoản thống nhất, dùng chung khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến.

Nhằm thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh (trên nền tảng thanh toán Payment Platform), trung tâm đã thực hiện cấu hình tài khoản thụ hưởng phí, lệ phí giải quyết TTHC của bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã khi tổ chức, cá nhân thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh. Thiết lập quy trình điện tử theo quy trình tái cấu trúc thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phù hợp với yêu cầu của Đề án 06. Hiện nay, trung tâm đang phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan hoàn thành việc kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kết nối toàn diện, triệt để hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số (hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước…

Bằng các giải pháp và hành động cụ thể, Trung tâm PVHCC tỉnh quyết tâm chinh phục các mục tiêu mới, nhằm tiếp tục tạo bước đột phá ấn tượng về cải cách TTHC hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nguyễn Đức Trung

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa