Trung tâm Kiểm soát Thủ tục hành chính

Đồng Tháp tiếp và làm việc với đoàn công tác Văn phòng Chính phủ về thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Ngày 28/10, Đoàn Công tác Văn phòng Chính phủ do bà Nguyễn Thị Bích Ngân – Phó Trưởng phòng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ làm Trưởng Đoàn đã đến Đồng Tháp để khảo sát, lấy kiến việc thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ông Nguyễn Văn Phú – Chánh Văn phòng UBND Tỉnh cùng với Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công và các sở, ngành, UBND các huyện, xã có liên quan tiếp và làm việc với Đoàn.

          Đoàn công tác đã đến tham quan, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh gồm: Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa huyện Thanh Bình, Bộ phận Một cửa xã Bình Thành – huyện Thanh Bình, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và có buổi làm việc với Văn phòng UBND Tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, xã.

          Tại buổi làm việc, Đoàn đã nghe Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công báo cáo kết quả thực hiện các Mô hình mới, cách làm hay về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cụ thể như: Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công; Mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà; Mô hình “04 tại chỗ” trong 01 ngày làm việc (08 giờ) thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp; Mô hình Kết hợp dịch vụ công trực tuyến với dịch vụ bưu chính công ích và một số mô hình, tiện ích hỗ trợ khác.

         

          Ảnh: Bà Nguyễn Thị Bích Ngân – Phó Trưởng phòng, Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ – Trưởng Đoàn phát biểu tại buổi làm việc

          Văn phòng UBND Tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã nghe Đoàn Công tác trình bày thực trạng hệ thống một cửa điện tử, nội dung đề xuất mô hình, kiến trúc Hệ thống một cửa điện tử liên thông và dự thảo Đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đoàn Công tác nhấn mạnh những hạn chế, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đó là việc quy định về tổ chức Bộ phận Một cửa còn mang tính “cào bằng”, chưa  xuất phát từ yêu cầu thực tế công việc của từng ngành, địa phương; cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thiếu đồng bộ; nhiều khâu trong quy trình giải quyết TTHC không nhất thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện; việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC còn phải cần một lực lượng lớn công chức, viên chức trực tiếp thực hiện… Theo đó, Đoàn Công tác nêu ra 03 giải pháp đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông đó là: Tổ chức Bộ phận Một cửa theo hướng phi địa giới hành chính; chuyển giao một số công việc trong quy trình giải quyết TTHC và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đề án cho thấy, thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC có thể giảm tải khối lượng công việc, các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tập trung nhân lực, vật lực thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ; người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi, được phục vụ tốt hơn trong quá trình thực hiện TTHC.

          Qua thảo luận, hầu hết các ý kiến đều cơ bản thống nhất với các giải pháp mà Đoàn Công tác đã nêu ra và kiến nghị Đoàn Công tác xem xét, tham mưu cơ quan có thẩm quyền một số nội dung liên quan như: Sửa đổi quy định các chỉ tiêu thực hiện TTHC theo mô hình “4 tại chỗ” cho phù hợp thực tế đối với các tỉnh, thành không có khu hành chính tập trung; khảo sát, lấy ý kiến thêm của người dân và doanh nghiệp về dự thảo Đề án; cần nghiên cứu phương án thuê dịch vụ hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin…

 

          Ông Nguyễn Văn Phú – Chánh Văn phòng UBND Tỉnh tham gia thảo luận tại buổi làm việc.

          Kết luận Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngân – Phó Trưởng phòng, Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ – Trưởng Đoàn Công tác đánh giá cao những kết quả mà Đồng Tháp đạt được trong việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thời gian qua, các thực tiễn của Tỉnh sẽ được Đoàn nghiên cứu, đưa vào Đề án để trình trong thời gian tới; đồng thời, ghi nhận các ý kiến góp ý, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh nhằm hoàn thiện dự thảo đề án./.

                                                                                                             -N.H.ÂN-