Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế – Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thu hoạch, phơi sấy, bảo quản để giảm thất thoát, nâng cao phẩm chất lúa gạo

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thu hoạch, phơi sấy, bảo quản để giảm thất thoát, nâng cao phẩm chất lúa gạo

Người nông dân phải “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” để làm ra được hạt lúa. Khi lúa đã chín, để có gạo ăn cũng phải thực hiện nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đều có thể bị thất thoát nhiều hay ít tùy thuộc vào kỹ thuật, điều kiện, thiết bị thu hoạch, phơi sấy và bảo quản. Thực tế hiện nay tỷ lệ thất thoát trong quá trình thu hoạch và bảo quản còn ở mức cao. Để giảm thất thoát khi thu hoạch và bảo quản lúa nhằm giúp cho bà con nông dân tránh được tình trạng bị “mất mùa trong nhà” lẽ ra không đáng có, Trung tâm Khuyến nông xin khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Biện pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng này là bà con nông dân nên thu hoạch lúa đúng độ chín, khi quan sát đồng ruộng thấy chín từ 80-85% là có thể thu hoạch. Không nên để lúa quá chín mới gặt vì sẽ làm tăng tỷ lệ rơi rụng hạt. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để thu hoạch, tránh những thất thoát do điều kiện thời tiết bất lợi gây ra.
Phương tiện máy móc cũng đóng góp rất lớn đến việc hạn chế thất thoát trong quá trình thu hoạch. Với máy gặt đập liên hợp, là phương tiện thu hoạch chủ yếu hiện nay thì kỹ thuật điều khiển máy cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng rơi vãi trên đồng ruộng.
Tiếp đến là công đoạn phơi sấy. Lúa mới thu hoạch có độ ẩm cao nên một số giống lúa có thể nẩy mầm, lên men, nấm bệnh dễ phát triển làm hỏng hạt. Thông thường độ ẩm của lúa khi vừa thu hoạch từ 20- 25% nên sau khi thu hoạch trong vòng 48 giờ phải phơi sấy lúa ngay. Để bảo quản lúa từ 2- 3 tháng phải đảm bảo độ ẩm của lúa khi cất giữ là 13-14%, nếu hơn 3 tháng thì độ ẩm tốt nhất là 12%. Do điều kiện đầu tư máy sấy với chi phí cao nên phần lớn các hộ nông dân chủ yếu làm khô hạt lúa bằng cách phơi trên mặt sân, mặt đường nên tỷ lệ thất thoát khi phơi cũng khá cao. Do vậy, nên lót các tấm nilon trên mặt sân nhằm hạn chế tối đa tình trạng rơi vãi, đồng thời nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa dông thì sẽ thu gom nhanh hơn. Không nên phơi lúa trên các trục đường nhựa để tránh ảnh hưởng đến giao thông, cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo.
Lúa sau khi được phơi khô đến độ ẩm an toàn, bà con nên bảo quản trong các dụng cụ thích hợp, cất giữ ở nơi cao ráo, tránh bị ướt , hạn chế tình trạng hút ẩm ngược từ không khí vào hạt cũng như hạn chế sự xâm nhập của mối mọt và chuột cắn phá làm ảnh hưởng đến chất lượng như làm hạt gạo nát, tỷ lệ tấm cám nhiều.
Nói chung, thất thoát trong thu hoạch lúa sẽ làm giảm đáng kể thu nhập của bà con nông dân. Để hạn chế sự tổn thất này, bà con cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ khâu chọn giống phù hợp để gieo sạ; áp dụng tốt kỹ thuật canh tác từ gieo đến lúc thu hoạch và quá trình phơi sấy và bảo quản lúa cũng phải đảm bảo đúng kỹ thuật.

Lê Hà Tâm Thanh