Trung Quốc và nhiều quốc gia hạn chế đăng ảnh chỉnh sửa để trở nên xinh đẹp

MINH PHONG

  –  

Thứ ba, 12/07/2022 11:35 (GMT+7)

Nhiều người có xu hướng chỉnh sửa ảnh thông qua app làm đẹp trước khi đăng tải lên mạng xã hội . Điều này gây ra một số hệ luỵ tiêu cực, khiến giới trẻ dùng biện pháp cực đoan để có ngoại hình hoàn hảo.

Trung Quốc và nhiều quốc gia hạn chế đăng ảnh chỉnh sửa để trở nên xinh đẹp
Nhiều quốc gia thông qua luật gắn nhãn “ảnh đã qua chỉnh sửa” trước khi đăng lên mạng xã hội. Ảnh: AFP

Theo Psychology Today, các cô gái thường chỉnh sửa các bức ảnh thông qua app làm đẹp trước khi đăng tải lên mạng xã hội. Cuộc khảo sát của Girlguiding với 1.400 người (từ 11-21 tuổi) cho thấy, có hơn 466 người chỉ đăng ảnh khi sử dụng bộ lọc chỉnh sửa sao cho khuôn mặt không còn khuyết điểm. 

Thông thường, giới trẻ sẽ chỉnh cho mặt thon gọn, da mịn màng, trắng, kéo dài chân, bóp tay, eo để tạo thành vóc dáng chuẩn đẹp. Các thao tác trên được thực hiện nhanh chóng, chỉ thông qua một số filter trên app chỉnh ảnh. 

Vấn đề trên không chỉ xuất hiện ở người bình thường mà ngay cả giới nghệ sĩ, diễn viên, tình trạng này cũng xuất hiện nhiều.

Tờ Sohu (Trung Quốc) đưa tin, nhiều năm qua, các nhà sản xuất và diễn viên quá chú trọng vào việc làm mịn da, thon mặt đến mức làm mất hết các nét trên khuôn mặt. Trong đó có thể kể đến Dương Mịch (phim Hộc Châu phu nhân), Trương Tịnh Nghi, Trần Tình Húc, Lâm Ngạn Tuấn (Nhất kiến khuynh tâm), Cúc Tịnh Y (Gia Nam truyện)…

Cúc Tịnh Y trong một bộ phim khiến nhiều người ức chế vì bị chỉnh mặt quá đà. Ảnh: CMHCúc Tịnh Y trong một bộ phim Trung Quốc khiến nhiều người ức chế vì bị chỉnh mặt quá đà. Ảnh: CMH

Liên quan đến vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Na Uy, Pháp, Anh… đã ban hành một số quy định để hạn chế việc chỉnh sửa ảnh quá đà. 

Ngày 7.7 vừa qua, Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc đã yêu cầu các đoàn làm phim từ bỏ việc lạm dụng photoshop để chỉnh sửa khuôn mặt diễn viên.

Bên cạnh đó, Tổng cục còn đưa ra một số yêu cầu khắt khe như: nghệ sĩ nam không được theo xu hướng “thẩm mỹ ẻo lả”, không chọn diễn viên lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ, tăng cường bồi dưỡng diễn xuất, phản đối việc chọn diễn viên “lưu lượng” mà không cân nhắc đến yếu tố năng lực…

Tuy nhiên, quyết định này cũng gặp nhiều ý kiến phản đối từ khán giả đất nước tỉ dân. Nhiều người cho biết, họ đã quen với việc ngắm nhìn những khuôn mặt hoàn hảo, việc cấm chỉnh sửa được cho là ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim. 

Trước đó, vào 2017, một nhiên cứu của Jasmine Fardouly – Trung tâm Sức khỏe Cảm xúc thuộc Đại học Macquarie (Australia) cho biết, các nữ sinh thường so sánh bản thân với những người trên mạng xã hội. Điều này khiến cho mọi người trở nên tiêu cực và không hài lòng với ngoại hình của mình.

Tháng 7.2021, Na Uy đã thông qua luật, yêu cầu người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội phải gắn nhãn ”ảnh đã qua chỉnh sửa” trước khi chia sẻ công khai. Đạo luật trên được áp dụng cho Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok và Twitter. Những người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù, tuỳ theo mức độ. 

Được biết, luật mới được người dân Na Uy đón nhận. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng nên áp dụng đạo luật trên cho tất cả các bức ảnh đã qua chỉnh sửa, không chỉ riêng với người nổi tiếng. 

Bên cạnh đó, Pháp, Mỹ và Anh cũng đưa ra một số tiêu chuẩn nhất định, cấm người có sức ảnh hưởng chỉnh sửa quá đà, sử dụng các bộ lọc làm đẹp phi thực tế. Tuy nhiên, luật này không được thông qua ở Mỹ.