Trung Quốc thu hoạch lớn từ sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đầu tiên

Ngày 18/9, Cục Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố, tính đến ngày 15/9, thiết bị quỹ đạo của tàu vũ trụ không người lái Thiên Vấn 1 của nước này đã vận hành trên quỹ đạo hơn 780 ngày. Tàu thăm dò đã di chuyển trên sao Hỏa 1.921m, hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ thám hiểm khoa học đề ra, thu được 1.480GB dữ liệu thám hiểm khoa học gốc.

Thông tin từ CNSA cho biết, thông qua sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đầu tiên, các nhà khoa học đã triển khai nghiên cứu trên cơ sở các dữ liệu khoa học gốc có được, từ đó đạt được hàng loạt kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật.

Cụ thể, việc nghiên cứu tổng hợp với các dạng địa mạo điển hình như hình nón lõm, hố va chạm và rãnh phân bố ở khu vực đổ bộ, đã chỉ ra mối liên hệ quan trọng giữa sự hình thành của các dạng địa mạo này với các hoạt động liên quan đến nước trên sao Hỏa.

Thông qua hình ảnh camera và dữ liệu quang phổ, các nhà khoa học đã tìm thấy các loại khoáng chất chứa nước trong lớp đá cứng chung quanh khu vực đổ bộ, chứng tỏ đã có hàng loạt các hoạt động liên quan đến nước dạng chất lỏng tại khu vực đổ bộ trong khoảng 1 tỷ năm trở lại đây (thời kỳ cuối Amazonian).

Ngoài ra, kết hợp hình ảnh camera và thông tin về đường di chuyển của tàu thăm dò tự hành, các nhà khoa học phát hiện đất ở khu vực đổ bộ có cường độ nén rất cao, với thông số ma sát tương đối thấp, có dấu hiệu của các hoạt động liên quan đến nước, và từng chịu xói mòn bởi bão cát.

Những phát hiện mới này đã cho thấy sự tác động của bão cát và các hoạt động liên quan đến nước trên sao Hỏa đối với sự tiến hóa địa chất và thay đổi môi trường, hỗ trợ mạnh mẽ cho phỏng đoán rằng từng có một đại dương ở vùng đồng bằng Utopia Planitia trên sao Hỏa, làm phong phú hơn những kiến thức khoa học của con người về địa chất và môi trường của sao Hỏa.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc còn sử dụng các dự liệu mà tàu Thiên Vấn 1 khám phá được, để có được hàng loạt thành quả nghiên cứu nổi bật về mối quan hệ giữa mật độ đá với mức độ xói mòn bề mặt sao Hỏa, sự phân bố của các ion và các hạt trung tính trong môi trường không gian, trường hấp dẫn của sao Hỏa…

Thời gian tới, thiết bị quỹ đạo của tàu vũ trụ không người lái Thiên Vấn 1 sẽ tiếp tục triển khai thám hiểm khoa học trên quỹ đạo sứ mệnh viễn thám, để thu thập các dữ liệu khoa học gốc trên hành tinh đỏ.

Tàu vũ trụ không người lái Thiên Vấn 1 được Trung Quốc phóng lên sao Hỏa từ giữa năm 2020. Đây là sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đầu tiên mà nước này tự chủ triển khai, với mục tiêu khám phá sự hình thành, cấu tạo, các loại vật chất trên hành tinh đỏ, một phần quan trọng trong hàng loạt sứ mệnh hàng không vũ trụ mà Trung Quốc đang triển khai.

Theo nhandan.vn