Trồng xạ đen trên đất phèn, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm

Nãy ra ý tưởng khi tìm cách chữa bệnh gan cho cha

Đam mê làm nông nghiệp nên dù đang là giáo viên dạy tin học Trường THCS Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), thầy Khánh vẫn luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ để trồng trọt.

DUY TÂN

Năm 2015, thấy nhiều hộ dân ở địa phương trồng chuối thu nhập khá, thầy Khánh tập tành trồng theo trên diện tích 3 ha đất nhà. Tuy nhiên, khi vào đợt thu hoạch, giá chuối đột ngột giảm sâu nên thua lỗ. Sau đó, thầy chuyển sang trồng cây đinh lăng lấy củ nhưng tiếp tục thất bại vì cây cho củ rất thấp.

Thời điểm này, cha thầy Khánh phát hiện bị mắc bệnh gan. Được người thân tặng một ít cây xạ đen, thầy mang về pha nước cho cha uống và sau một thời gian bệnh tình dần thuyên giảm. Từ đó, thầy nảy sinh ý tưởng táo bạo đưa cây xạ đen về trồng tại vùng đất phèn Cà Mau.

“Sau một thời gian cha uống xạ đen bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe dần cải thiện, khi xét nghiệm lại thấy chỉ số về gan giảm nhiều. Thấy hiệu quả mang lại rất là cao, tôi mới nảy sinh ý tưởng đem cây xạ đen về trồng để hỗ trợ việc chữa trị về lâu dài cho cha”, thầy Khánh kể.

DUY TÂN

Năm 2016, thầy Khánh mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng mua 10.000 cây giống từ tỉnh Hòa Bình về nhân giống, cùng với đó là chi phí cải tạo đất và hệ thống tưới tiêu trên diện tích 2 ha. Tuy nhiên, do đây là loại dược liệu quý, sinh trưởng ở vùng Tây Bắc, khi mang về Cà Mau gặp vùng đất phèn, khí hậu khác biệt nên cây bị chết nhiều, hao hụt hơn một nửa. “Thấy cây chết hàng loạt, tôi mất ăn mất ngủ. Ngoài giờ lên lớp, tôi túc trực ngoài vườn để theo dõi, chăm sóc và nghiên cứu cách thuần dưỡng cây xạ đen. Dần dần tôi biết được cách trồng cây xạ đen và có thể tự nhân giống”, thầy Khánh chia sẻ.

Sau 4 tháng trồng, cây xạ đen bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều người biết đến công dụng của dược liệu này nên tìm đến mua. Mỗi ngày, thầy Khánh bán hàng trăm ký lá cây xạ đen, thu nhập cả chục triệu đồng.

Đa dạng hóa các sản phẩm từ cây xạ đen

Nhận thấy cây xạ đen có giá trị kinh tế cao, thầy Khánh vừa thuần dưỡng và nhân giống. Phải mất hơn 1 năm, loại cây này mới quen dần vùng đất phèn Cà Mau và bắt đầu sinh trưởng tốt.

Ngoài bán lá tươi, năm 2019, thầy Khánh đầu tư máy móc làm trà xạ đen túi lọc và cây xạ đen khô. Với vị dịu, ngọt cùng mùi hương đặc trưng, trà xạ đen được người tiêu dùng ưa chuộng. Trà xạ đen của thầy Khánh đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao của tỉnh Cà Mau trong năm 2021.

DUY TÂN

Thầy Khánh chủ yếu làm trà xạ đen bán và có hơn 40 đầu mối trên khắp cả nước. Trà túi lọc loại 40 gói/hộp giá 100.000 đồng, loại 20 gói/hộp giá 60.000 đồng; lá tươi có giá 100.000 đồng/kg. Nhờ đó, thầy có thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Nhờ theo nghề này, thầy Khánh đã xây được căn nhà khang trang hàng tỉ đồng cho gia đình. Với nguồn thu ổn định, giàu tiềm năng nên vào tháng 9.2022, thầy quyết định nghỉ dạy để tập trung đa dạng hóa các sản phẩm từ cây xạ đen từ vùng nguyên liệu trên 2 ha.

DUY TÂN

Hiện, thầy Khánh đã nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường nhiều loại trà túi lọc bổ dưỡng, trà đinh lăng túi lọc, bột trái nhàu. Nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ người tiêu dùng.

Nhờ mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, thầy giáo Đỗ Quốc Khánh được Tỉnh đoàn Cà Mau tuyên dương gương điển hình tiên tiến khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2022.